Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ NGƯỜI VIẾT TIẾP NHỮNG TRANG SỬ VÀNG CHO DÂN TỘC

00:00 12/10/2020

Họ là những người xuất ngũ sau chiến tranh và mang trên mình vết thương do bom cày đạn xới. Nhờ tinh thần, nghị lực của bộ đội cụ Hồ và luôn thấm nhuần lời dạy  “Thương binh tàn nhưng không phế”,  vượt qua nỗi đau mất mát nơi chiến trường, họ lại vươn lên trên mặt trận kinh tế để viết tiếp những trang sử vàng vẻ vang cho đất nước, và chuyển mình trước thềm hội nhập.   Bản lĩnh Người thương binh Thanh Phúc và ước mơ tự động hóa Anh đeo đuổi ước mơ để những thanh, tảng sắt quanh mình biết nói, biết cười, biết thay người hăng say làm việc. Rời vũ khí nơi chiến trường trở về, qua gần ba thập kỷ chưa một ngày ngơi nghỉ, với bao biến cố, thăng trầm sản xuất kinh doanh chìm nổi, anh thương binh Trần Duy Cảnh có lúc tưởng như ngã quỵ. Từng bền gan, vững chí đối mặt với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nên thất bại trên thương trường chưa bao giờ làm anh mất niềm tin thôi cạnh tranh, nghiên cứu khoa học công nghệ, để rồi một ngày anh chạm đến thành công, thực hiện niềm đam mê tột cùng của mình. Những dây chuyền sản xuất do chính anh nghiên cứu  đã hoàn thiện, tạo ra dòng sản phẩm gạch, ngói không nung tự động hóa hiện đại. 29 năm qua, Doanh nghiệp công nghệ Thanh Phúc không ngừng vươn xa, có mặt tại thị trường châu Á, châu Âu và châu Phi với hàng trăm đối tác nước ngoài. Mới đây, Thanh Phúc được Bộ KH&CN, Quỹ Phát triển LHQ, Quỹ Môi trường Toàn cầu chọn làm đối tác thực hiện chương trình "Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam" và trình diễn dây chuyền sản xuất gạch không nung với tính năng hiện đại lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam do Thanh Phúc sản xuất vào ngày 23/12/2016. Ngày 03/03/2017, Hội đồng thẩm định đề tài Bộ Xây dựng đã  làm việc  và cấp giấy chứng nhận sở hữu Dây chuyền công nghệ  sản xuất gạch xây không nung, gạch lát không nung và ngói không nung cho Cty CP Cơ khí và Vật liệu xây dựng Thanh Phúc. Ngày 23/6/2017 vừa qua, tại Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng LLVTND Công an NDVT Hải Phòng, Thương binh Doanh nhân Trần Duy Cảnh vui mừng được nhận sự quan tâm, động viên của Đảng và Nhà nước,  Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trực tiếp trao quà. Dũng cảm nơi chiến trường, tài năng trên thương trường Nhập ngũ quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường K, bị thương 1982 tại chiến trường biên giới giữa Thái Lan-Campuchia, về lại thành phố Hải Phòng, anh thương binh loại 2  Hà Văn Phúc đi học với quyết tâm làm giàu cho bạn bè đồng đội quê hương. Năm 1994, anh thành lập doanh nghiệp đầu tiên do chủ trương chính sách đại hội đồng 1986 chuyển đổi kinh tế thị trường, Hợp tác xã thương binh Phúc Tiến thu hút hàng vài chục thương binh hầu hết là anh em bạn bè cùng nhập ngũ. Năm 1999 anh  đổi tên  thành Cty TNHH Phúc Tiến. 24 năm tồn tại và phát triển, đến nay doanh thu của DN khoảng 300tỷ, nộp hàng tỷ tiền thuế mỗi năm. Lực lượng bảo vệ của Cty hầu hết là bạn và gia đình đồng đội cùng nhập ngũ với anh,  mức lương cho mỗi người đều duy trì ổn định  hơn 7 triệutháng. Nhờ ý chí kiên trì dũng cảm, nghị lực của người lính trên chiến trường, nhờ chất lãnh đạo tài năng của Doanh nhân Hà Văn Phúc mà DN Phúc Tiến được đối tác, khách hàng trong và ngoài nước biết đến như một Nhà sản xuất bê tông thương phẩm (bê tông tươi), cọc bê tông vuông, cọc bê tông ly tâm, bê tông đúc sẵn... hàng đầu trên thị trường. Phúc Tiến có 5 nhà máy sản xuất bê tông với trang thiết bị, dây chuyền hiện đại nhất đặt tại 3 thành phố lớn: Hải Phòng, Hải Dương và Bắc Ninh… Sở hữu tổng diện tích 22 hecta (220.000 m2) cùng  đội ngũ cán bộ công nhân viên được đào tạo bài bản,  chuyên nghiệp,  tinh thần lao động không ngừng nghỉ, năm 2016 Công ty đã xây dựng xong Nhà máy bê tông Phúc Tiến cho công suất 500.000 m dài/năm. Bê tông Phúc Tiến đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành thương hiệu vững bền trong lòng khách hàng. Phúc Tiến đã ký và cung cấp bê tông cho những công trình lớn tại Hải Phòng, như: Dự án xây dựng Cầu Rào II, Cầu Khuể, khu công nghiệp VSIP, Nomura, nhà máy đóng tàu DAMEN Sông Cấm Hải Phòng, Nhà máy LG – KCN Tràng Duệ. Còn tại Hải Dương là những công trình: Bệnh viện Nhi, Trung tâm Thương mại Ngọc Châu, Siêu thị Big C, toà nhà Tỉnh Uỷ Hải Dương, Khu CN Đại An, Ngân hàng AGRIBANK Hải Dương, Đại học Sao Đỏ Hải Dương; tại Bắc Ninh: Xây dựng sửa chữa Nhà máy HaNaKa, Nhà máy Sumitomo electric, Nhà máy Dosung Vina Motor, Nhà máy ToHo kcn Vsip Bắc Ninh, Công ty TNHH quốc tế BRICO Viêt Nam... và nhiều công trình trên các tỉnh thành khác. Thương binh nặng, Anh hùng Thời kỳ đổi mới và nỗi lo hội nhập Anh là Doanh nhân Trần Hồng Quảng – TGĐ Xí nghiệp Quang Minh. Lên đường theo tiếng gọi của Tổ Quốc, năm 1971 người thanh niên 17 tuổi ấy nhập ngũ đơn vị  C3D5E9, vào chiến trường K18E2F9 miền Đông Nam Bộ. Ngày 30/4/ 1975, Sư đoàn 9 của anh nhận nhiệm vụ kết hợp với Sư đoàn 232 tiến quân từ thị xã Hậu Nghĩa vào ngã tư Bảy Hiền, đánh thẳng quốc lộ Trần Quốc Toản, tổng tấn công  Tổng nha Cảnh sát. 11h tiến đánh tới ngã tư Bảy Hiền ngay cửa ngõ Sài Gòn anh bị  trọng thương mất máu bất tỉnh. Tại Viện Ngụy quân 175, anh được chuyển xuống nhà xác, may sao có bác sĩ quân y phát hiện anh còn thoi thóp nên ra sức cứu chữa, khi đó cơ thể anh chỉ vỏn vẹn 70 vạn hồng cầu.  Điều trị đến năm 1976 anh ra viện, đất nước hoàn toàn thống nhất, anh chuyển ngành về Cty rau quả Hải Phòng. Sau khi được cử đi học lớp quản lý, anh làm cán bộ trạm thu mua, đến 1985 làm PGĐ cửa hàng thuộc Cty  rau quả. Mặc dù là thương binh ¼  mất 81% sức khỏe, anh vẫn thấy mình còn may mắn hơn  trăm ngàn đồng đội đang nằm lại nơi chiến trường, hơn bao đồng đội cụt chân tay, thiếu công ăn việc làm, gia đình khốn khó. Đau đáu trong anh sự quyết tâm trăn trở phải làm điều gì cho anh em, tranh thủ sự hỗ trợ của Chính Phủ đối với TBB, anh xin  chuyển sang thành lập Xí nghiệp Tập thể Thương binh Quang Minh làm kinh tế.  Lúc ấy Xí nghiệp chỉ  có 35 LĐ 100% là thương binh, là một trong những DN đầu tiên ở Hải Phòng được Nhà nước công nhận là “Cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ của thương bệnh binh và người tàn tật”. Sau bao khó khăn vật lộn với đủ ngành nghề vận tải, cơ khí, chăn nuôi, xây dựng, vươn mình qua các chi nhánh tại 3 thành phố lớn, như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, đến nay DN đã có 200 lao động, trong đó 56%  là anh em thương bệnh binh, khuyết tật, gia đình chính sách, bộ đội phục viên. DN vừa được UBND TP Hải Phòng  phê duyệt 13 ha dự án xây dựng khu sản xuất tập trung tại xã Gia Đức TN gồm 4 nhà máy, cụ thể như: Nhà máy vôi hoạt tính, nhà máy gạch không nung, xưởng nghiền xi măng và tới đây chuyển  đổi sang nhà máy sx hạt nhựa. Khi được hỏi về quan điểm thương trường có ai đấy ví như chiến trường, ông lặng người đưa cái lắc đầu, giọng trầm buồn: “Trong mưa bom bão đạn, giữa chiến trường vốc đất vốc máu, anh em chúng tôi chia nhau từ miếng khoai, củ sắn, bất chấp hiểm nguy sẵn sàng nhận sự hy sinh về mình. Nay thời hội nhập, thương trường cạnh tranh khốc liệt, những người lính quả cảm, anh hùng nhân ái khi xưa không dễ dàng tồn tại, phát triển được. Và  càng  khó khăn để nỗ lực ghi tiếp tên mình trên những trang sử vàng cho dân tộc ”. Thăm dãy nhà truyền thống,  những dấu ấn lịch sử, những tự hào, những thành công trên cả chiến trường và thương trường qua hàng trăm phần thưởng, bằng khen, huân huy chương các loại, hình ảnh lãnh đạo Đảng và Nhà nước thường xuyên thăm hỏi, động viên mới thấy hết sự nỗ lực phi thường của người thương binh nặng, Doanh nhân Trần Hồng Quảng chèo lái con tàu DN. Ví dụ như năm 2005, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và năm 2016 cả tập thể và cá nhân TGĐ  Trần Hồng Quảng đều vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Doanh nghiệp và Hội nhập xin dành lời kết là những dòng chữ quen thuộc mà Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã viết tặng anh: “Khâm phục đồng chí Trần Hồng Quảng, ngày trước chiến đấu góp phần giải phóng dân tộc, ngày nay tuy là thương binh nhưng không chịu nghỉ ngơi, sản xuất kinh doanh giỏi góp phần xây dựng đất nước. Thật đáng cho chúng ta học tập, ca ngợi. Xin chúc anh và Xí nghiệp Quang Minh hội nhập thắng lợi”. Nguyễn Lương