Gánh vác việc nặng nhọc 
Chúng tôi vượt quãng đường xa cả trăm cây số lên thôn Chỏn Thèn, xã Y Tý, đến thăm nhà “a nhí” (em gái) Hà Nhì Ly Mờ Be...Xung quanh nhà là những đống củi to, được xếp gọn gàng, vuông vắn thành từng khối. Nhìn đống củi cao hơn đầu người với những thanh to bằng bắp chân, dài tới 1,5m, được bổ ra từ thân những cây gỗ đường kính ít nhất cũng phải bằng gang tay người lớn trở lên, ai cũng nghĩ hẳn đây là sản phẩm của anh chàng lực điền to khỏe, vạm vỡ. Nhưng chúng tôi đã nhầm. Ly Mờ Be, cô gái Hà Nhì xinh đẹp như một bông hoa đỗ quyên rừng cũng vừa mới tất bật cõng gùi củi nặng từ rừng về, nén hơi thở nặng nhọc bảo những đống củi ấy đều do em tự tay lấy về. Lau những giọt mồ hôi ướt đầm, vốc từng vốc nước vã lên vầng trán đỏ, Ly Mờ Be cho biết, không biết từ bao giờ, người Hà Nhì đã coi công việc lấy củi là của phụ nữ.
Kỳ lạ nơi con dâu không được ngồi cùng mâm, đi cùng xe với bố chồng - ảnh 1
Bên nhà người Hà Nhì luôn có những đống củi to dự trữ cho mùa đông do phụ nữ lấy.
Ngay từ khi còn nhỏ, Mờ Be cũng như nhiều em gái Hà Nhì đã phải theo mẹ, theo bà, theo chị lên rừng lấy củi. Để lấy được những loại củi chắc, cháy đượm than, họ phải vượt qua nhiều con dốc vào tận rừng già, tìm những cây gỗ bị chết khô, rồi dùng búa chặt ra thành từng khúc, dùng nêm và búa để bổ thành từng thanh nhỏ. “Đàn ông Hà Nhì chỉ thích những phụ nữ chăm chỉ lấy được nhiều củi, nên làm con gái Hà Nhì phải biết lấy củi. Nhà nào có đống củi càng to, thì con gái càng đắt chồng”, Ly Mờ Be chia sẻ. Trò chuyện với những phụ nữ Hà Nhì, tôi hiểu thêm về công việc thường ngày của họ. Ngoài lấy củi, phụ nữ Hà Nhì còn là lao động chính trong gia đình. Mùa cày cấy, gặt hái họ vất vả trên nương, dưới ruộng, ngày ngày còn phải cáng đáng hết những công việc gia đình như nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc con cái, chăn nuôi lợn, gà... Đàn ông Hà Nhì thường chỉ quan tâm đến việc dựng nhà, cày bừa trên nương, khi phụ nữ đi lấy củi, thì họ ở nhà trông con, rảnh rỗi thì rủ nhau “dư bà đu” (uống rượu). Quanh năm vất vả lo cho gia đình, nên dường như “giàng mi già” (phụ nữ) Hà Nhì nào cũng già trước tuổi, thân hình nhỏ bé, gầy gò, nước da sạm đen vì mưa, nắng. Ánh mắt họ lúc nào cũng buồn buồn, ít khi thấy họ nở nụ cười…
Kỳ lạ nơi con dâu không được ngồi cùng mâm, đi cùng xe với bố chồng - ảnh 2
Phụ nữ Hà Nhì đi làm dâu phải ăn cơm đứng.
Phận làm dâu ăn cơm đứng “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Những tưởng “ăn cơm đứng” chỉ là một cách nói, không ngờ đó lại là lệ tục có thật ở những bản Hà Nhì trên những đỉnh núi mờ sương. Lần ấy, tôi đến thôn Lao Chải 1, xã Y Tý để tìm hiểu về phong tục đón Tết sớm Ga Tho Tho của dân tộc Hà Nhì. Từ tờ mờ sáng, cánh đàn ông đã hò nhau vào chuồng bắt lợn mổ thịt, phụ nữ thì dậy sớm hơn để nổi lửa đun nước, đồ xôi, giã bánh dày, chuẩn bị nồi niêu, lấy rau về làm cơm chuẩn bị cho lễ cúng ngày tết sớm. Sau lễ cúng “À bu hơ đà” (cúng tổ tiên), trong gian nhà tường đất ấm áp của anh Chu Gì Xa, mấy chiếc mâm đan bằng mây được bày ra với đủ món ăn ngon chế biến từ thịt lợn bản và rau xanh, rượu mầm thóc rót tràn bát, bia Hà Nhì rót tràn cốc. Mọi người quây quần bên mâm cỗ tết đầm ấm, cùng ăn cơm, uống rượu, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Nhưng có điều lạ là những người đàn ông thì ngồi ăn ở mâm trên sạp gỗ, còn phụ nữ thì ngồi ở mâm dưới. Tôi để ý thấy chị Ly Mò Chúy, vợ anh Xa không ngồi ghế, mà đứng ăn cơm, lúc mỏi chân thì lại ngồi xổm bên mâm cơm, vừa ăn, vừa bón cho đứa con nhỏ ăn rất vất vả. Ông Chu Hờ Sứ, bố anh Xa bảo, theo phong tục của dân tộc Hà Nhì, thì con dâu không được phép ngồi ăn cơm cùng mâm với bố chồng, anh chồng hay người có vai vế cao hơn, mà phải ăn ở mâm riêng. Trong bữa ăn, nếu nhìn thấy mặt bố chồng, anh chồng, con dâu không được ngồi ghế ăn cơm, để thể hiện sự tôn trọng bề trên. Nếu muốn ngồi ghế ăn, thì phải mang cơm ra ngoài, hoặc xuống bếp ăn, chỗ không nhìn thấy bố chồng, anh chồng. Cho dù hôm nào nhà có 3 người, thì vẫn phải làm cho bố chồng một mâm, còn mẹ chồng với con dâu ăn một mâm riêng. Không riêng ở Y Tý, mà ở tất cả các xã, thôn, bản Hà Nhì trên địa bàn huyện Bát Xát, cho đến nay phong tục con dâu Hà Nhì phải ăn cơm đứng vẫn còn hiện hữu.
Kỳ lạ nơi con dâu không được ngồi cùng mâm, đi cùng xe với bố chồng - ảnh 3
Những “a nhí” Hà Nhì này có cuộc sống vất vả ngay từ nhỏ.
Tìm hiểu thêm, tôi được biết từ quy định này mà con dâu người Hà Nhì cũng không được ngồi cùng xe máy với bố chồng. Điều này khiến cuộc sống của phụ nữ Hà Nhì càng thêm vất vả. Nếu bị đau ốm đúng lúc chồng đi vắng, không nhờ ai đưa tới Trạm Y tế khám bệnh được, họ đành phải nằm ở nhà chống chịu với cơn đau. Khi bố chồng, anh chồng nếu có ốm liệt giường, con dâu dù biết lái xe máy, muốn chở đến bệnh viện cũng không dám chở… Ám ảnh nỗi sợ “sà già ừ i”  Trong những hủ tục đè nặng lên cuộc sống của những phụ nữ Hà Nhì, đáng sợ nhất vẫn là những hình phạt dành cho những cô gái trót chửa hoang, chửa trước khi lấy chồng (tiếng Hà Nhì gọi là sà già ừ i) hoặc vì tình yêu mà lỡ “Ăn cơm trước kẻng”, về nhà chồng sinh con không đủ 9 tháng 10 ngày. Ông Chu Che Lúy, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường kể, năm 2013, trong thôn có người phụ nữ là Sờ Sá S. lấy chồng ở xã A Lù, sống với nhau được một thời gian thì vợ chồng mâu thuẫn, S. bỏ nhà chồng về Lao Chải. Về thôn, Sờ Sá S. mới biết mình có thai, nhưng vì không chứng minh được cái thai đó là của chồng cũ, nên theo luật tục, S. bị làng phạt vạ và phải ra bìa rừng ngoài phạm vi của thôn làm lán để sinh con, 1 tháng rưỡi sau mới được về nhà. Cách đây không lâu, chị Chu Gờ M. nhỡ có thai trước khi cưới chồng, về nhà chồng đẻ con thiếu tháng nên cũng bị làng phạt vạ, phải chuẩn bị 10,6 lít rượu, 16kg thịt lợn, 6kg gạo… làm mâm cơm ở ngoài địa phận của thôn để mời dân làng đến ăn.
Kỳ lạ nơi con dâu không được ngồi cùng mâm, đi cùng xe với bố chồng - ảnh 4
Ảnh: Tuấn Ngọc.
Sau bữa ăn, thức ăn thừa đều bị vứt bỏ hết, không ai dám mang vào thôn. Người Hà Nhì quan niệm, phụ nữ mà “sà già ừ i” (chửa hoang, chửa trước khi lấy chồng) là đem về cho thôn những điều đen đủi, không may mắn… Nhớ lại trong chuyến đi đến xã Nậm Pung, chúng tôi cũng được nghe ông Vù A Sa, người Hà Nhì, Trưởng thôn Kin Chu Phìn 2 kể nhiều câu chuyện đau lòng về những phụ nữ Hà Nhì bị làng phạt vạ. Có lẽ, chỉ có họ mới hiểu tận cùng nỗi đau về thể xác và tinh thần khi phải sinh con trong rừng, giữa sương mù, giá lạnh, đói rét và cô đơn, bị dân làng xa lánh. Ở các thôn, bản Hà Nhì khác, hủ tục này vẫn âm thầm tồn tại như cái mầm cỏ gianh trong lòng đất. Có điều, mấy năm gần đây, trường hợp phụ nữ Hà Nhì bị làng phạt phải sinh con ngoài rừng ít hơn. Những cô gái Hà Nhì không may “sà già ừ i” đều bí mật tìm cách đi phá thai vì không muốn phải sinh con ngoài rừng, bị dân làng chê trách. Do mang nặng những hủ tục và nhận thức hạn chế, cho đến nay, tỷ lệ phụ nữ Hà Nhì đến sinh con tại các Trạm Y tế xã rất thấp, đa số họ vẫn sinh con ở nhà. Theo tienphong.vn