Kinh tế Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng tốt

00:00 12/10/2020

Tính chung 9 tháng năm 2018, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây.

Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây

GDP 9 tháng năm 2018 tăng cao nhất trong 8 năm

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 vừa được Tổng cục thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II. Điều này cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng.

Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. “Kết quả tăng trưởng khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2018”, Tổng cục thống kê khẳng định.

Theo Tổng cục thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018, từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mặt khác giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này.

Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,78%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2012 - 2018, đóng góp 0,36% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,37%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua, đóng góp 0,22%; ngành lâm nghiệp tăng 5,9% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá với 9 tháng tăng 8,98%, đóng góp 2,91 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012-2016, đóng góp 2,56%. Ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,97%), làm giảm 0,14 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế nhưng mức giảm đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 8,08% của cùng kỳ năm trước. Ngành xây dựng 9 tháng duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 8,46%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ 9 tháng năm nay tăng 6,89%, tuy thấp hơn mức tăng 7,21% của 9 tháng năm trước nhưng cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2012 - 2016.

26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cũng theo số liệu của Tổng cục thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm 2018 ước tính đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 51,07 tỷ USD, tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 127,84 tỷ USD (chiếm 71,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14,6%. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 9 tháng có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,2%.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước như điện thoại và linh kiện; hàng dệt may; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng.

Tổng cục thống kê cho biết, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực chủ yếu vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó: Điện thoại và linh kiện chiếm 99,7%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 95,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 89,4%; hàng dệt may 60,1%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 9 tháng ước tính đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt 62,70 tỷ USD, tăng 16%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,34 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 104,18 tỷ USD, tăng 11,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 9 tháng năm nay có 30 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 87,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 3 mặt hàng trên 10 tỷ USD, chiếm 38,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu 9 tháng cao là điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện; vải; sắt thép; chất dẻo; xăng dầu; kim loại; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép; hóa chất…

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2018 tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,65 tỷ USD.

Minh Ngọc