Kinh tế Việt Nam: Tăng trưởng ấn tượng, nhưng vẫn còn nhiều thách thức

00:00 12/10/2020

Mặc dù kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm đã tăng trưởng khá ấn tượng, nhưng trong tháng cuối năm nguy cơ lạm phát gia tăng vẫn hiện hữu do tác động của nhiều yếu tố như xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế, cũng như việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục)…

Một nửa chặng đường của năm 2019 đã kết thúc. Trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu không khả quan như dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro gia tăng, nhất là vấn đề căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.

Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, tăng trưởng GDP toàn cầu nửa đầu năm 2019 tiếp tục xu hướng chậm lại. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) dù vẫn đạt trên 50 điểm song tốc độ tăng ở mức thấp nhất trong 36 tháng qua. Đầu tư, thương mại thế giới không khả quan như dự báo. Thị trường chứng khoán có dấu hiệu bất ổn do diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Giá cả hàng hoá biến động phức tạp, đặc biệt giá dầu. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 vẫn đạt 6,76%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (7,05%) nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ các năm 2011 - 2017.

Cũng theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, tăng trưởng xuất khẩu mặc dù chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, tình trạng nhập siêu quay trở lại, song có thể thấy Việt Nam đã tận dụng khá tốt các cơ hội từ hội nhập quốc tế để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 vẫn đạt 6,76%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (7,05%) nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ các năm 2011-2017. Ảnh minh họaTăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 vẫn đạt 6,76%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (7,05%) nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ các năm 2011-2017. Ảnh minh họa

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm đạt 208,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2018 nhờ vào nhiều yếu tố tích cực của nền kinh tế cũng như môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện. Vốn giải ngân các dự án FDI ở mức cao, đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018 (con số tương ứng năm 2018 là 8,37 tỷ USD và tăng 8,4%).

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Tăng trưởng tín dụng thấp, phù hợp với định hướng điều hành và mục tiêu tăng 14% trong năm 2019. Tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,64%, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Đây được xem là kết quả tích cực trong điều kiện giá một số mặt hàng như điện, xăng dầu, dịch vụ y tế tăng. Nguyên nhân một phần là do tác động của chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt.

Tỷ giá USD/VND mặc dù có đợt biến động mạnh nhất kể từ cuối năm 2018, song vẫn trong tầm kiểm soát. Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, hiện tại, tỷ giá USD/VND vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước do chính sách điều hành kịp thời và linh hoạt dựa trên các yếu tố nền tảng như: nguồn cung ngoại tệ vẫn khá ổn định, dự trữ ngoại hối hiện vẫn ở mức cao (tính đến hết tháng 6/2019, dự trữ ngoại hối đạt khoảng trên 64,5 tỷ USD) và triển vọng gia tăng nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ những thương vụ bán vốn lớn.

Nguy cơ lạm phát gia tăng vẫn hiện

Mặc dù kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm đã tăng trưởng khá ấn tượng, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và rủi ro.

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi đang diễn ra trên diện rộng; xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại nhất là từ thị trường Trung Quốc, trong khi đây là mặt hàng khó dịch chuyển thị trường.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm lại (ở mức 11%, thấp hơn so với 12,87% của cùng kỳ năm 2018), do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút. Một số ngành vốn tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế như điện thoại, điện tử không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước tại nhiều địa phương còn chậm.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, nguy cơ lạm phát gia tăng vẫn hiện hữu do tác động của nhiều yếu tố như xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục). Rủi ro từ vấn đề tỷ giá vẫn hiện hữu.

Đáng chú ý, theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp. Giá trị đồng USD có xu hướng tăng lên, trong khi giá trị đồng NDT và một số đồng tiền trong khu vực có thể tiếp tục giảm. Điều này có tác động không nhỏ tới tỷ giá USD/VND…

Minh Ngọc