Kinh tế Việt Nam đã đạt đến ngưỡng rất khả quan!

00:00 12/10/2020

Đây là khẳng định của Giáo sư Ian Eddie - Chuyên nghiên cứu về đầu tư cổ phần tư nhân của RMIT Việt Nam khi trao đổi với DĐDN.

Giáo sư Ian Eddie - Chuyên nghiên cứu về đầu tư cổ phần tư nhân của RMIT Việt Nam.

Theo đó, kể từ khi cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu kết thúc vào năm 2012, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng. GDP của Việt Nam đã tăng 6,98 phần trăm từ tháng 1 đến tháng 9/2018 (theo Tổng cục Thống kê, số liệu này cho thấy GDP đã tăng hơn so với mục tiêu của Chính phủ là 6,7%). Chỉ số này cho thấy đây là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong vòng 9 tháng kể từ năm 2011 và cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (Campuchia đạt 7%).

Giáo sư Ian Eddie - Chuyên nghiên cứu về đầu tư cổ phần tư nhân của RMIT Việt Nam, tin rằng việc Chính phủ áp dụng chính sách bình ổn mạnh mẽ đã góp phần bồi đắp vào thành công hiện nay của Việt Nam, cũng như trong các năm 2019 và 2020.

Ông cho biết: “Dù Chính phủ chưa thực hiện nhiều cải cách như người dân mong muốn, nhưng chính sự thận trọng đã giảm bớt nguy cơ cho nền kinh tế non trẻ như Việt Nam”.

Theo chỉ số Morgen Stanley Composite Index (MSCI), Việt Nam hiện được phân loại là Thị trường biên (frontier market) và đang dần chuyển đổi thành Thị trường mới nổi (emerging market). Việc chuyển thành Thị trường mới nổi sẽ đánh dấu bước chuyển đổi kinh tế quan trọng với Việt Nam trong phạm vi ASEAN, vì điều này sẽ thu hút nguồn vốn nước ngoài từ các nhà đầu tư quốc tế lớn nhiều hơn, giúp hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam.

Ông nói: “Bạn có thể chỉ ra rằng Việt Nam có lẽ đã có đủ tiền đề tốt nhất để thăng hạng lên ngang tầm với chuẩn kinh tế tại Thái Lan và Malaysia. Việt Nam đã tự định vị tốt, cải cách hệ thống tài chính, có Chính phủ rất bình ổn, và liên quan đến Thị trường mới nổi, Việt Nam có một trong những đồng tiền mạnh nhất. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất mạnh mẽ và hiện đã vượt hơn 100% GDP của đất nước. Việt Nam đang có được vị thế hết sức đặc biệt mà không nhiều quốc gia trên thế giới có được khi đầu tư trực tiếp hơn hẳn GDP”.

Theo Giáo sư Eddie, sự chuyển đổi này sẽ phụ thuộc vào việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ.

“Để đạt được danh hiệu Thị trường mới nổi, quan trọng là phải cải cách thị trường và chứng khoán. Chính phủ phải thu hẹp những khoảng cách này để duy trì tăng trưởng tương lai bền vững, duy trì tình trạng công khai để doanh nghiệp và lao động nước ngoài đến với Việt Nam, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp mới. Ngày nay, thành phố cần phải là trung tâm đổi mới sáng tạo và là nơi cổ vũ những doanh nghiệp mới”. - Giáo sư Eddie nói.

Được sự hỗ trợ bởi các chính sách rõ ràng của Chính phủ, tinh thần khởi nghiệp ở đất nước sẽ thăng hoa, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh – ngôi nhà của hơn phân nửa số doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhờ tư duy khởi nghiệp thiên bẩm và năng lực kinh doanh, giới khởi nghiệp tại đây có thể thích ứng với ngành đầu tư mạo hiểm đang nổi ở Việt Nam.

“Người Việt rất giỏi khởi nghiệp. Tôi nghĩ thế hệ thương nhân kế tiếp sẽ chớp lấy cơ hội để mở rộng doanh nghiệp nhỏ của mình hòng kiến tạo sự bền vững, trả lương cao hơn và nhiều cơ hội cho nhân viên hơn”, Giáo sư Eddie cho biết.

“Việt Nam hiện có nền kinh tế xuất khẩu mạnh; hầu hết hàng xuất có nguồn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhưng nếu các công ty Việt Nam đang tự lớn mạnh và bồi đắp kỹ năng, họ sẽ có thế xây dựng năng lực ASEAN quốc tế hóa hơn nữa”.

RMIT Việt Nam cũng đang chung tay hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế Việt Nam với Chứng chỉ sau đại học – Khởi nghiệp kinh doanh. Học viên học ngành này đều trải nghiệm quy trình xây dựng kế hoạch kinh doanh thực tế và làm việc với các công ty đầu tư mạo hiểm qua sáng kiến Bệ phóng khởi nghiệp (Activator) của trường, nhờ đó học viên có thể đưa ý tưởng kinh doanh vào thực tế sau khi hoàn tất chứng chỉ. 

Giáo sư Eddie chia sẻ thêm rằng, “Chúng tôi muốn cho học viên xuất phát điểm tiến vào thế giới kinh doanh, nơi các bạn có thể gây quỹ để biến ý tưởng thành sản phẩm hay dịch vụ thực sự. Nhờ vậy, học viên hoàn tất chứng chỉ sẽ có năng lực cạnh tranh trên thị trường, đồng thời sẽ tạo ra công ăn việc làm và cơ hội cho nhiều người ở Việt Nam”.

Dù mọi dấu hiệu đều chỉ ra rằng triển vọng năm 2019 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực, Giáo sư Eddie cũng chỉ ra hai thách thức rõ nét mà Chính phủ sẽ phải đối mặt trong những năm tới: tăng trưởng kinh tế vững mạnh trong môi trường kinh tế toàn cầu nhiều biến động và quản trị sự bất bình đẳng kinh tế (khoảng cách giàu nghèo).

“Chính phủ cần củng cố đồng tiền mạnh nhằm đảm bảo rằng dòng vốn chảy vào thật khả quan để Việt Nam có được cân bằng giao thương khả quan, đồng tiền phải mạnh và không cần ‘cầu cứu’ đến nguồn vốn quốc tế quá mức dễ dẫn đến nguy cơ về tài chính. Nếu có thể thực hiện điều này, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hưởng lợi, đặc biệt nếu cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc càng trở nên sâu sắc hơn theo chiều hướng nào đi chăng nữa.

Theo chỉ số thịnh vượng toàn cầu Wealth-X năm ngoái, Việt Nam là quốc gia phát triển nhanh thứ ba trong tạo ra các tỉ phú thể giới. Đây là con số thật ấn tượng. Việt Nam không chỉ có nhiều doanh nhân thành đạt mà họ còn thành công theo chuẩn toàn cầu. Nhưng đây cũng là vấn đề mà Chính phủ cần ý thức rõ; tỉ lệ nghèo vẫn còn và bất bình đẳng trong thu nhập là vấn đề lớn. Bất bình đẳng thu nhập luôn là vấn đề mấu chốt trong bình ổn kinh tế. Bất kỳ quốc gia nào có tỉ lệ bất bình đẳng càng cao càng có nguy cơ bất ổn về xã hội và chính trị”. - Giáo sư Eddie nhìn nhận.