Kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm

00:00 12/10/2020

Sáng nay 5/10, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương. Theo WB, trong 3 quý đầu năm 2016 tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ do nông nghiệp bị hạn hán nặng nề và tăng trưởng công nghiệp sụt giảm. Nhưng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì và sức ép lạm phát không đáng kể. Các nước đối mặt với rủi ro vẫn tăng trưởng đáng kể  Tăng trưởng của các nước đang phát triển khu vực Đông Á Thái Bình Dương dự kiến vẫn duy trì tốt trong 3 năm tới, theo một báo cáo mới công bố của Ngân Hàng Thế Giới. Nhưng các nước đối mặt với rủi ro vẫn tăng trưởng đáng kể và cần phải thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu yếu kém về tài chính và tài khoá. Báo cáo khuyến nghị các nước tập trung giải quyết các tồn tại nhằm duy trì tăng trưởng bền vững và hòa nhập trong trung hạn, ví dụ giảm yếu kém hạ tầng, giảm tình trạng suy dinh dưỡng và thúc đẩy hòa nhập tài chính. Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương mới công bố cho hay Trung Quốc sẽ tiếp tục quá trình chuyển đổi dần sang mô hình tăng trưởng chậm hơn nhưng bền vững hơn, từ 6,7% năm nay xuống còn 6,5% năm 2017 và 6,3% năm 2018. Các nước khác trong khu vực dự kiến sẽ duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 4,8% năm nay, 5,0% năm 2017 và 5,1% năm 2018. Nhìn chung các nước đang phát triển trong khu vực sẽ đạt mức tăng trưởng 5,8% năm 2016 và 5,7% giai đoạn 2017- 2018. Kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm - Ảnh 1 “Viễn cảnh tăng trưởng các nước đang phát triển khu vực Đông Á Thái Bình Dương vẫn tích cực mặc dù tăng trưởng toàn cầu suy giảm nhưng được bù lại bởi tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng mạnh,” bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương, nói. “Thách thức dài hạn là làm sao duy trì được tăng trưởng, làm cho nó trở nên thiết thực với nhiều người hơn, ví dụ thông qua thu hẹp khoảng cách về thu nhập và tiếp cận dịch vụ công, nhất là tại Trung Quốc; cải thiện cơ sở hạ tầng tại các nước khác trong khu vực; giảm bớt tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em triền miên; và tận dụng công nghệ để thúc đẩy hòa nhập tài chính.” Báo cáo phân tích toàn diện viễn cảnh các nước trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương trong bối cảnh thách thức toàn cầu, trong đó gồm có các yếu tố như tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế phát triển, viễn cảnh không mấy sáng sủa tại hầu hết các nước đang phát triển và thương mại toàn cầu trì trệ. Báo cáo dự đoán cầu nội địa trong toàn khu vực vẫn mạnh. Giá nguyên vật liệu vẫn duy trì ở mức thấp sẽ có lợi cho các nước nhập khẩu và giúp lạm phát kiềm chế ở mức thấp tại hầu hết các nước trong khu vực. Tại Trung Quốc, tăng trưởng sẽ giảm nhẹ do nền kinh tế đang trong quá trình tái điều chỉnh theo hướng tăng tiêu dùng và dịch vụ, dịch chuyển sang các hoạt động tạo nhiều giá trị gia tăng hơn, đồng thời cắt giảm năng lực công nghiệp dư thừa. Ngoài ra, cũng cần chú ý kiểm soát chặt chẽ thị trường lao động hơn để tăng thu nhập và chi dùng cá nhân. Tại các nền kinh tế lớn khác, Phi-lip-pin có viễn cảnh sáng sủa nhất. Tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lên mức 6,4% trong năm nay. Tại Việt Nam, tăng trưởng sẽ bị suy giảm trong năm nay do bị hạn nặng nhưng sẽ tăng trở lại mức 6,3% năm 2017. Tại In-đô-nê-xi-a, tốc độ tăng trưởng sẽ tăng dần từ 4,5% năm 2015 lên 5,5% năm 2018 nhờ tăng đầu tư công và thành công trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư và tăng thu nhập. Nhưng Ma-lai-xi-a sẽ giảm mức tăng trưởng xuống còn 4,2% trong năm 2016 từ mức 5,0% năm ngoái do mức cầu về dầu lửa và hàng chế tạo giảm trên qui mô toàn cầu. Tại các nền kinh tế nhỏ hơn viễn cảnh xấu đi đáng kể trong số các nước xuất khẩu nguyên vật liệu. Tại Mông-cổ, dự báo mức tăng trưởng chỉ đạt 0,1% trong năm nay trong khi năm ngoái đạt 2,3% bởi hai nguyên nhân—sụt giảm xuất khẩu nguyên vật liệu khai khoáng và kiểm soát nợ. Mức tăng trưởng tại Papua New Guinea sẽ giảm từ 6,8% năm 2015 xuống còn 2,4% năm 2016 do giá cả và sản lượng đồng và khí hóa lỏng đều giảm. Trái lại, tăng trưởng sẽ vẫn duy trì tốt tại Cam-pu-chia, CHDCND Lào và Myanmar. Khuyến nghị các nước ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính “Mặc dù viễn cảnh khả quan nhưng các nước trong khu vực vẫn phải đối mặt với các rủi ro đáng kể. Thắt chặt đột ngột thị trường tài chính toàn cầu, tăng trưởng thế giới tiếp tục suy giảm, hoặc tăng trưởng Trung Quốc giảm tốc nhanh hơn dự đoán sẽ đều đặt các nước trong khu vực trước thử thách,” ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Ngân Hàng Thế Giới nói. “Những yếu tố bất định này càng làm cho các nhà hoạch định chính sách phải quan tâm hơn đến thu hẹp tình trạng mất cân đối tài chính và tài khoá đã tích tụ một số năm qua.” Các ưu tiên trước mắt bao gồm đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp và kiểm soát tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc; cắt giảm tích tụ rủi ro tài chính trong nước và quốc tế tại các nước khác thuộc nhóm các nền kinh tế lớn; duy trì khoảng đệm tài khoá và mở rộng nguồn thu tại tất cả các nước, nhất là tại các nước xuất khẩu nguyên vật liệu; và giải quyết các rủi ro đe dọa bền vững tài khoá tại Mông-cổ và Timor-Leste. Trong trung hạn, báo cáo nêu bốn lĩnh vực chính sách cần tập trung thúc đẩy tăng trưởng hòa nhập. Thứ nhất, Trung Quốc cần phát huy thành công trước đây về giảm nghèo nhờ tăng cường cung cấp dịch vụ công cho vùng nông thôn và cho nhóm dân di cư ngày càng tăng vào các thành phố. Thứ hai, các nước khác trong khu vực cần điều chỉnh chi công, tăng cường hợp tác công tư và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công nhằm xóa bỏ yếu kém về cơ sở hạ tầng. Thứ ba, báo cáo cũng hối thúc các nhà hoạch định chính sách giải quyết nạn suy dinh dưỡng còn khá phổ biến. Tại nhiều nước, ngay cả tại một số nước có thu nhập cao, tỷ lệ trẻ em thiếu dinh dưỡng vẫn còn đáng kể. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khỏe và năng lực nhận thức kém và tình trạng này rất khó khắc phục. Báo cáo khuyến nghị các nước nên thực hiện phối hợp các biện pháp trên nhiều lĩnh vực, ví dụ thực hiện các chương trình phát triển trẻ em từ những năm đầu đời hay các biện pháp can thiệp nhằm bổ sung các chất vi dinh dưỡng. Cuối cùng, báo cáo khuyến nghị các nước ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính và qua đó nâng cao mức độ hòa nhập tài chính. Hiện nay các nước trong khu vực đã đạt trình độ công nghệ khá tân tiến, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao, nhưng vẫn còn tồn tại trong mảng cung cấp dịch vụ tài chính. Để các biện pháp đổi mới sáng tạo trong ngành tài chính đem lại lợi ích, các nước cần phải tăng cường khung pháp lý và quản lý nhà nước cũng như tăng cường bảo vệ người tiêu dùng.

(theo baodansinh.vn)