Kinh tế tăng trưởng ấn tượng

00:00 12/10/2020

Đánh giá về kinh tế năm 2018, nhiều đại biểu cho rằng bức tranh kinh tế có nhiều gam màu sáng; các chỉ số tăng trưởng thực sự ấn tượng.

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đánh giá về kinh tế năm 2018, nhiều đại biểu cho rằng bức tranh kinh tế có nhiều gam màu sáng; các chỉ số tăng trưởng thực sự ấn tượng. Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này. 

* Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Ấn tượng các chỉ số tăng trưởng 

Các chỉ số tăng trưởng kinh tế thực sự ấn tượng hơn so với những năm trước đây. Không chỉ tăng đều từ quý I, II đến quý III mà xu hướng này sẽ còn tiếp diễn sang quý cuối cùng của năm. Nếu không có diễn biến gì quá bất thường, có thể tin tưởng tốc độ tăng trưởng cả năm sẽ không chỉ dừng lại ở mức cao là 6,7% mà đạt mức quanh mốc 7%. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Tôi cho rằng, trụ cột chính dẫn tới tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy nằm ở 3 khu vực chính, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ tăng trưởng không vượt trội như năm 2017, song vẫn tạo được sự ổn định ở thị trường trong nước. Chính nhờ sự ổn định đó nên các hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước đã được thị trường chấp nhận, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp. 

Ngoài hai trụ cột trên, tôi cũng ấn tượng với sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp, với thành tích đạt 3,67%. Từ trước tới nay, ngành nông nghiệp luôn xảy ra kịch bản "được mùa, mất giá". Tuy nhiên, năm 2018 không xuất hiện tình trạng này và thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm nông sản được mùa, được giá, có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Đó là dấu ấn tạo đà cho sự tăng trưởng và có thể phát huy nội tại của nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. 

Dù vậy, tăng trưởng đang phụ thuộc rất nhiều vào khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo mà chủ yếu là dựa vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu có bất kỳ biến động nào trong khu vực FDI hay biến động từ thị trường thế giới ảnh hưởng hay liên quan đến hoạt động của các FDI thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế. 

Thêm vào đó là năng lực thực sự của khu vực doanh nghiệp tư nhân hiện nay vẫn yếu với khoảng 53% số doanh nghiệp hoạt động không có lãi. Việc những doanh nghiệp tư nhân chưa khẳng định được chỗ đứng của mình cũng có rất nhiều yếu tố; trong đó do khả năng cạnh tranh, công nghệ, kỹ thuật và các yếu tố kết nối trong bối cảnh phát triển mới hiện nay như cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Theo tôi, thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải pháp đầu tiên vẫn phải tiếp tục theo đuổi ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và điều hành tỷ giá trong một phương thức linh hoạt, không cứng nhắc, nhưng không để bị tác động từ bên ngoài. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp. 

Về dài hạn, cần phải nhìn thấy trước tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đặc biệt là cơ hội mở ra khi chúng ta hội nhập rất sâu theo thỏa thuận mới; trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để từ đó có giải pháp thích ứng với thị trường thế giới có biến động. Điều này giúp các doanh nghiệp đón được cơ hội khi cuộc chiến thương mại xảy ra và ngăn chặn, ứng phó với các tác động bất lợi. 

* Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (đoàn Bình Thuận): Sự lãnh đạo, chỉ đạo là nhân tố rất quan trọng 

Qua nghiên cứu Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội, tôi rất ấn tượng với kết quả đạt được trong 9 tháng qua. Mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các chỉ tiêu kinh tế cơ bản đạt kết quả tốt; trong đó, có 8/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu GDP đạt mức 6,98%, cao nhất trong nhiều năm qua. 

Tôi cũng rất ấn tượng với sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong điều kiện diễn biến thời tiết phức tạp ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, công tác đối ngoại có nhiều bước tiến đáng kể... 

Đạt được kết quả trên phải kể đến sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, Bộ Chính trị và sự năng động của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên theo sát, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách bộ máy... Đó là nhân tố rất quan trọng để đạt được thành công trong thời gian qua. Mặt khác là sự vào cuộc mạnh mẽ từ khối doanh nghiệp và sự đồng hành của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Tôi cho rằng, các tháng còn lại của năm 2018, các chỉ tiêu kinh tế đều đạt ở mức cao và vượt so với mục tiêu đề ra. 

* Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (đoàn Bắc Giang): Những gam màu sáng 

Đánh giá từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng như năm 2018, tôi cho rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành và nhờ đó các chỉ tiêu kinh tế đạt kết quả cao. 

Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (đoàn Bắc Giang. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Năm 2018, bức tranh kinh tế thực sự sinh động, có nhiều gam màu sáng. Đặc biệt là chỉ tiêu GDP đạt mức tăng trưởng cao, hay như vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế. Đây là bước tạo đà cho nền kinh tế phát triển trong thời gian tới và những năm tiếp theo. 

Tôi cho rằng, kinh tế 2018 có những điểm nổi bật như: ngành nông nghiệp đang tái cơ cấu lại và đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp xây dựng được thương hiệu và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Cụ thể, sản phẩm vải thiều Bắc Giang đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Vụ vải thiều năm nay, Bắc Giang thu về hàng nghìn tỷ đồng từ xuất khẩu vải thiều, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. 

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cùng đã được cơ cấu lại và đặc biệt Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã phát huy hiệu quả, khơi thông được nguồn vốn tồn đọng để đưa vào đầu tư phát triển; thị trường tiền tệ ổn định. 

Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn còn một số vấn đề cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn. Đáng chú ý là tình trạng gian lận trong thi cử của ngành giáo dục đào tạo; một số vụ án kinh tế lớn gây thiệt hại cho nền kinh tế và bức xúc trong dư luận. 

Thời gian tới, Chính phủ cần nỗ lực hơn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt tập trung vào một số vấn đề như tinh giản biên chế bộ máy nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động từ cơ sở. Đồng thời, nâng cao vai trò thực thi của cán bộ công vụ, đạo đức tác phong của người đứng đầu. Về mặt xã hội cũng cần xây dựng nền tảng gia đình, xây dựng đạo đức chuẩn trong trường học, bệnh viện; quan tâm đến đời sống của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thành Trung - Thạch Huê/BNEWS/TTXVN