Đến lượt ô tô Thái chiếm lĩnh thị trường Việt

00:00 12/10/2020

Sau hàng tiêu dùng, với nhiều lợi thế về thuế nhập khẩu, người Thái tiếp tục đẩy mạnh việc "xâm chiếm" thị trường ô tô tại Việt Nam.

Tính đến hết tháng 4/2015, lượng ô tô nguyên chiếc được đưa về Việt Nam từ Thái Lan đã vượt con số 10.000 chiếc. Như vậy, với tổng lượng ô tô được nhập khẩu là hơn 29.000 chiếc, cứ 3 chiếc trong số này thì 1 chiếc có nguồn gốc xuất xứ từ đất nước Chùa Vàng. Với số lượng như vậy, Thái Lan đã vượt qua Hàn Quốc và Trung Quốc để trở thành nguồn xuất khẩu ô tô lớn nhất sang Việt Nam, đáng lưu ý khi kết thúc năm 2015, quốc gia này chỉ đứng thứ 4, sau cả Ấn Độ. Được biết, giá chính là yếu tố quyết định đã làm nên sự tăng trưởng thần tốc của ô tô Thái tại thị trường Việt. Nếu xét trên mặt bằng chung, nguồn cung này đang có mức giá dễ chịu nhất trong số tất cả các quốc gia xuất khẩu ô tô nguyên chiếc sang Việt Nam.
Nhờ sự đa năng, dòng xe bán tải có nguồn gốc từ Thái Lan đang tạo nên xu hướng mua xe mới của người Việt
Nhờ sự đa năng, dòng xe bán tải có nguồn gốc từ Thái Lan đang tạo nên xu hướng mua xe mới của người Việt
Nếu như lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc hay Hàn Quốc đã bị giảm mạnh bởi thuế tiêu thụ đặc biệt có cách tính mới từ đầu năm 2016 thì Thái Lan lại có lợi thế khác giúp người mua giảm đáng kể khoản phí phụ trội này. Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, ngay từ đầu năm 2016, ô tô nguyên chiếc được đưa về từ Thái Lan sẽ được giảm thuế nhập khẩu từ 50% xuống 40%, mức này tiếp tục được hạ xuống 30% vào năm 2017 và chỉ còn 0% vào 2018. Mặt khác, theo quy định Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được Quốc hội thông qua, từ 1/7 tới, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe dưới 2L cũng được thay đổi theo chiều hướng giảm khoảng 5%. Và hầu hết các dòng xe được đưa về từ Thái Lan đều nằm trong dạng được hưởng những mức giảm này. Theo dự đoán, sau thời điểm trên, phần lớn xe nhập từ Thái sẽ có mức giá dưới 1 tỷ đồng. Hiện thị trường cũng đang thể hiện rõ xu hướng "chuộng" hàng Thái khi phân khúc xe cơ nhỏ là sự thống trị của các mẫu xe có xuất xứ từ quốc gia này, với hàng loạt các tên nổi bật và được ưa thích hiện nay như Yaris, Accord, Colorado... Không những thế, thị phần dòng xe bán tải cũng đang dần thuộc hoàn toàn về người Thái cũng như tạo ra một xu hướng mua xe mới của người tiêu dùng Việt. Lợi thế của dòng xe này là đang đang được hưởng nhiều ưu đãi thấp hơn khá nhiều so với các dòng khác khi thuế nhập khẩu chỉ 5%, thuế tiêu thụ đặc biệt 15% và thuế trước bạ chỉ là 2%. Bên cạnh việc hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi khi kinh doanh ở thị trường Việt, tình hình nội tại của Thái Lan cũng đang là động lực để các nhà sản xuất ô tô tại nước này đẩy mạnh quá trình xuất khẩu sang quốc gia khác. Lúc này, quá trình xã hội hóa ô tô tại Thái Lan đã ở mức bão hòa, một chiếc xe chỉ được coi là phương tiện đi lại thay vì tài sản có giá trị như trước đây. Trong khi đó, ở Việt Nam, việc sở hữu một chiếc xe ô tô vẫn đang còn là "giấc mơ" của nhiều người, chính vì vậy đây là thị trường hứa hẹn có mức tăng trưởng mạnh trong cả hiện tại và tương lai. Không những vậy, ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan cũng đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ nước này khi đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất ô tô của thế giới thay vì chỉ bằng lòng với vị  trí số 1 Đông Nam Á như hiện tại. Với hàng loạt các chính sách hỗ trợ cũng như thu hút đầu tư được ban hành mới đây, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chanocha đã khẳng định trên các phương tiện truyền thông rằng nước này xác định sản xuất ô tô sẽ là 1 trong 10 ngành công nghiệp quan trọng nhất và ngành này được xem là “động cơ mới cho sự tăng trưởng”. Ngoài Thái Lan, hàng loạt các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang thể hiện rõ tham vọng chia phần ở thị trường ô tô Việt. Có thể kể đến như Indonesia với kinh nghiệm 10 năm phát triển dòng xe giá rẻ, tiết kiệm nhiên liệu hay Malaysia đang nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa xe sang lên mức 40% nhằm được hưởng các ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang Việt Nam. Như vậy, hầu hêt các phân khúc xe tại Việt Nam đều đã và đang là mục tiêu của các đối tác ngoại. Đây thực sự là vấn đề lớn với ngành công nghiệp ô tô Việt nói chung cũng như các DN sản xuất, lắp ráp trong nước nói riêng. Nếu như năm 2015, Việt Nam bỏ ra 3 tỷ USD để nhập khẩu ô tô nguyên chiếc thì con số này dự kiện sẽ lên đến 10 tỷ USD vào năm 2030. Việc các đối thủ ngoại, mà tiêu biểu là Thái Lan đang dần chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng là một trong những hành động trực tiếp đẩy ngành ô tô trong nước đến bở "vực thẳm". Rất đáng lo ngại khi mặc dù có tuổi đời lên tới hơn 20 năm nhưng ngành này vẫn đang là số 0 tròn trĩnh.
Hà Thanh/Kinhtedothi.vn