Kinh tế ban đêm của châu Á chuyển mình chờ thời

00:00 12/10/2020

Các điểm giải trí, quán bar và nhà hàng ở các thành phố lớn châu Á bị các đợt dịch đánh tơi tả. Chủ nhân của các doanh nghiệp kinh tế ban đêm buộc phải thích ứng nhanh nhạy với dịch vụ “bia mang đi”, chuyển sang hoạt động ban ngày… Tất cả đều cố thích nghi để tồn tại và chờ cơ hội tái khởi, như lời các chủ nhân của các doanh nghiệp năng động này.

Báo The Straits Times của Singapore thực hiện phóng sự về sự chuyển mình “cuộc sống về đêm” ở các thành phố trọng điểm châu Á.

Itaewon là biểu tượng của cuộc sống ban đêm của Hàn Quốc, nhưng cũng là nơi các ổ dịch phát tác tại thủ đô Seoul - Ảnh: KTB

Itaewon: Nhà hàng bán đồ ăn trên mạng và ra siêu thị

Đợt bùng phát lây nhiễm Covid-19 tại khu vực giải trí về đêm Itaewon ở Seoul hồi tháng 5 đã biến nơi này trở thành một thị trấn ma. Tất cả 2.154 câu lạc bộ của thành phố  phải đóng cửa và chỉ được phép mở cửa trở lại vào cuối tháng 6 với nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Tính đến đầu tháng 9, Hàn Quốc có hơn 21.000 ca nhiễm bệnh, khoảng 1/4 trong số này mắc nhiễm trong tháng 8 vừa rồi.

Itaewon là cái nôi của giải trí ban đêm bày sôi động của thủ đô Seoul. Thời gian đợi để có bàn ở nhà hàng nổi tiếng Vatos Urban Tacos thường là 90 phút. Nhưng đợt dịch tháng 2 đã nhấn chìm nhà hàng chuyên món Mexico – Hàn Quốc này. Khi khách bắt đầu quay trở lại vào tháng 7 – thời điểm số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc chỉ còn là một vài ca mỗi ngày, Vatos bị giáng thêm cú nữa. Hôm 30-8, chính quyền ra lệnh các điểm ăn uống và giải trí phải đóng cửa từ 9 giờ tối để phòng sự gia tăng đột ngột các ca lây nhiễm.

Juweon Kim, một trong những chủ nhân của nhà hàng, nói rằng: “Có vẻ như Covid-19 là một kẻ bắt nạt tồi tệ, người đánh gục bạn và không cho phép bạn đứng dậy”.

Để giảm thiểu chi phí, ông Kim phải cắt giảm 60-70% nhân viên và rút ngắn giờ hoạt động của nhà hàng. Ông Kim nói với tờ The Straits Times rằng: “Rất nhiều nhà hàng đã phải đóng cửa nhưng chúng tôi buộc mình phải mở cửa. Điều này giống như một hình thức tiếp thị để mọi người thấy rằng Vatos sẽ luôn mở cửa, ít nhất là bộ phận giao hàng”.

Ông cũng nói thêm rằng doanh số giao hàng đã tăng bởi 20-30%, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho sụt giảm 85-90% doanh thu ăn uống. Đại dịch đã khiến Vatos phải xem xét kỹ lại mô hình kinh doanh của mình và tìm các cách thức thu nhập mới, chẳng hạn như chế biến các món ăn, thực phẩm đóng gói mang thương hiệu Vatos để bán trực tuyến hoặc tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi.

Bangalore sống sót nhờ “bia mang đi”

Itaewon không phải là nơi duy nhất bị thiệt hại. Các trung tâm giải trí về đêm trên khắp châu Á thất thủ khi đại dịch bắt đầu bùng phát ngoài tầm kiểm soát. Theo trang web thu thập dữ liệu Worldometer, Ấn Độ là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Châu Á và nặng thứ ba trên toàn cầu, chỉ sau Hoa Kỳ và Brazil, với hơn 4 triệu ca nhiễm và hơn 69.000 ca tử vong.

Bangalore, thành phố giải trí về đêm của Ấn Độ, đã chịu nhiều tổn thất kể từ tháng 3 khi chính phủ bắt đầu áp đặt lệnh đóng cửa trên toàn quốc. Phần lớn 1.330 quán bar của thành phố phải dừng hoạt động. Một số nhà hàng đã phải nhanh chóng thay đổi cách làm việc để tồn tại, như cắt giảm bớt nhân viên, thương lượng lại giá thuê thấp hơn và thay đổi thực đơn. Để tồn tại, 57 nhà máy bia thủ công của thành phố đã vận động chính quyền địa phương cho phép họ bán bia mang đi, từng bị cấm do các luật lệ phức tạp.

Ông Sibi Venkataraju, người đồng sáng lập Toit - nhà máy bia thủ công nhỏ lâu đời nhất tại Bangalore,  nói rằng: “Chúng tôi đã có thể tiếp tục hoạt động, thông qua việc phục vụ ăn uống tại chỗ và bia mang về”. Từng là một nhà hàng bia sôi động không có chỗ trống vào tối cuối tuần, hiện Toit chỉ còn 1/4 lượng khách hàng quen thuộc trong vòng sáu tháng qua.

Chính phủ Ấn Độ cho phép các quán bar được phép phục vụ rượu bia kể từ ngày 1/9, nhưng các chủ quán bar đã nói rằng nhóm người lớn tuổi, thường uống nhiều hơn, vẫn còn rất miễn cưỡng ra ngoài. Ông Venkataraju cho biết rằng: “Những đám đông trẻ hơn bình thường đang dần xuất hiện. Họ chỉ gọi một số thức ăn và một vài ly mocktail, và sau đó ngồi từ hai đến ba tiếng đồng hồ”.

Kuala Lumpur tập trung vào đồ ăn và rượu bia

Tỉ lệ gần một trong năm nhà hàng, cơ sở giải trí phải đóng cửa và gần 50% lao động bị mất việc làm sau lệnh đóng cửa của chính phủ vào tháng 3. Malaysia hiện ghi nhận hơn 9.300 ca nhiễm bệnh và hơn 130 ca tử vong.

Hầu hết các lĩnh vực được mở cửa trở lại vào tháng 6, nhưng chỉ các câu lạc bộ và quán bar phục vụ đồ ăn với rượu bia mới được phép hoạt động cho đến nửa đêm. Khoảng một nửa trong số 6.600 địa điểm giải trí về đêm trên toàn quốc chỉ phục vụ rượu bia. Ông Cher Ng, Giám đốc điều hành của Trec, nơi có các câu lạc bộ vũ trường như Zouk KL và Iron Fairies, cho biết rằng họ đang tập trung vào việc phục vụ đồ ăn và rượu bia để vượt qua cơn bão Covid-19.

Ông cho biết rằng: “Chúng tôi không thể chơi nhạc đĩa DJ hoặc nhạc sống, cũng như không thể mở nhạc quá to bởi vì chúng tôi đang hoạt động dưới danh nghĩa là một nhà hàng. Điều này đã khiến doanh thu của chúng tôi giảm mạnh bởi khoảng 75%”. Là chủ tòa nhà, Trec hiện đang giúp đỡ các bên thuê nhà bằng cách giảm giá tiền thuê và cung cấp chỗ đậu xe miễn phí.

Khu vực giải trí Lan Quế Phường nổi tiếng của Hồng Kông phải thích nghi nhanh chóng với ba đợt bùng phát dịch ở lãnh thổ này - Ảnh: HKTB

Hồng Kông thích nghi nhanh qua ba đợt bùng phát dịch

Cho đến nay, Hồng Kông đã ghi nhận hơn 4.800 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh, với hơn 90 trường hợp tử vong.
Khi chính phủ yêu cầu các quán bar phải đóng cửa vào giữa tháng 7 do làn sóng lây nhiễm thứ ba ập tới, Beckaly Franks và các cổ đông khác của quán bar Pontiac ngay lập tức mua máy cà phê về. Họ nhanh chóng biến quán bar nhạc rock-and-roll thành quán cà phê có bán đồ ăn nhẹ trong 48 tiếng đồng hồ.

Dịch vụ ăn uống tại các quán ăn vào thời điểm đó chỉ được phép hoạt động từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Và hiện đã được phép mở đến 10 giờ tối kể từ ngày 4-9 sau khi làn sóng thứ ba của đại dịch giảm dần. Trước đó, các quán bar hộp đêm đã bị buộc phải đóng cửa vào cuối tháng 3 đến tháng 4 trong đợt lây nhiễm thứ hai. Vì người dân phải ở nhà trong một thời gian dài nên khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa, khách lại kéo đến đông nghẹt khi các điểm giải trí mở cửa trở lại vào đầu tháng 5.

Nhịp giải trí quen thuộc quay lại nightclub One Third ở thủ đô Bắc Kinh - Ảnh: Straits Times

Bắc Kinh: Cuộc sống về đêm trở lại

Trung Quốc báo cáo hơn 90.000 trường hợp nhiễm Covid-19 và hơn 4.700 người tử vong. Tại Bắc Kinh, ngành công nghiệp giải trí về đêm đang dần hồi sinh sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Sanlitun, một câu lạc bộ ban đêm nổi tiếng, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Ngay sau khi được phép mở cửa trở lại vào tháng 5, thì nó đã bị buộc phải đóng cửa trở lại khi làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát. Mặc dù không có con số rõ ràng nào, nhưng những người trong ngành ước tính khoảng 30-50% các quán bar phải đóng cửa hay phá sản vì đại dịch.

Joe Hou, chủ của Gastrobar với khách nước ngoài là chủ yếu, cố gắng thu hút dân địa phương với menu gồm các món Hoa. Ông nói: “Chúng tôi đã buộc phải giảm người. Tôi làm ở quầy bar, trong khi vợ tôi phục vụ. Nếu không như vậy, không có cách nào để chúng tôi có thể tồn tại”.

Với tình hình dần lắng xuống và Bắc Kinh không phát hiện thêm trường hợp mới nào trong gần một tháng, thì những người thích tiệc tùng bắt đầu dần xuất hiện trở lại. Tại hộp đêm One Third, dấu hiệu duy nhất của đại dịch còn đang diễn ra là những chiếc khẩu trang được những người trẻ đeo ở khuỷu tay khi họ đang lắc lư theo điệu nhạc.

Lê Hiếu – Ricky Hồ