Kinh doanh thắng lớn, bầu Thụy vẫn vay 1.200 tỉ để làm gì?

07:36 30/11/2020

Bất chấp kết quả kinh doanh thắng lớn, chỉ trong vòng 1 tháng Công ty CP Thaiholdings (THD) của đại gia Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) đã vay 1.200 tỷ từ ngân hàng thông qua việc thế chấp các tài sản đảm bảo.

Ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Chủ tịch HĐQT ThaiGroup. Ảnh: T.L.
Ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Chủ tịch HĐQT ThaiGroup. Ảnh: T.L.

Ông Nguyễn Đức Thụy, nhiều người quen gọi là bầu Thụy là Chủ tịch Tập đoàn ThaiGroup. Ông là người mê bóng đá, chơi siêu xe và từng là ông bầu của hai đội bóng thi đấu ở giải vô địch quốc gia Việt Nam. Trên thương trường, ông Thụy được nhiều người biết đến trong các mảng kinh doanh như xi măng, bảo hiểm, chứng khoán và khách sạn.

Riêng trong lĩnh vực nhà đất, ông Thụy nổi danh với nhiều dự án bất động sản, từng thâu tóm những khu đất vàng tại khu vực miền Bắc.

Ngày 21/10 vừa qua, ông Thụy thu hút sự chú ý của nhiều người khi Công ty CP Thaiholdings (THD) công bố kế hoạch vay vốn tại Ngân hàng LienVietPostBank. Theo đó, Thaiholdings sẽ vay 500 tỉ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh thương mại thực phẩm.

ThaiHoldings là một thành viên nằm trong "hệ sinh thái" Thaigroup của bầu Thụy. Trong đó, ông Thụy hiện là Chủ tịch HĐQT Thaigroup và là cổ đông lớn nhất tại Thaiholdings (nắm 20% vốn). Trước đó, ông Thụy cũng là người đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Thaiholdings nhưng đã từ nhiệm từ tháng 2.

Thaiholdings sẽ dùng 819.450 cổ phiếu của Công ty CP Du lịch Kim Liên (chủ sở hữu khách sạn Kim Liên) do công ty sở hữu để làm tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng phát sinh từ việc vay vốn và các giao dịch khác. Số cổ phần khách sạn Kim Liên được Thaiholdings mang ra thế chấp chiếm gần 70% tổng cổ phần mà công ty sở hữu tại khách sạn.

Một tháng sau (20/11), Thaiholdings cũng mở L/C và sử dụng dịch vụ tại ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội - Chi nhánh Thăng Long (Ngân hàng SHB) với hạn mức tín dụng ngắn hạn tối đa là 700 tỉ đồng, thời hạn 12 tháng. Để bảo đảm cho khoản vay, Thaiholdings sử dụng bất động sản tại số 210 Trần Quang Khải & 17 Tôn Đản thuộc quyền sở hữu của Công ty CP Tôn Đản Hà Nội mà Thaiholdings đang nắm giữ 19,52% vốn.

Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, HĐQT Thaiholdings đã thông qua việc vay tới 1.200 tỉ đồng từ ngân hàng để phục vụ hoạt động kinh doanh thực phẩm.

Việc ông Thụy vay vốn “khủng” để đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm trong giai đoạn thị trường còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 như hiện nay là điều đáng chú ý.

Trước khi quyết định đầu tư vào ngành thực phẩm, ông Thụy đã chi hơn 365 tỉ đồng để mua gần 1,2 triệu cổ phiếu (17,2% vốn) của Công ty Kim Liên.

Ông Thụy bước chân vào lĩnh vực bất động sản thông qua việc thâu tóm khu đất vàng Kim Liên tại Hà Nội, và cũng từng dính nhiều dự án tai tiếng tại khu vực miền Trung. Tuy đầu tư bất động sản là thế, nhưng lĩnh vực chính của ông là ngành xi măng.

Sau khi ông Thụy thay bố của mình là ông Nguyễn Xuân Thành ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xuân Thành. Thời gian sau, ông Thụy đổi tên công ty thành Tập đoàn ThaiGroup và thành lập hệ sinh thái 14 công ty thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ chứng khoán, nghỉ dưỡng, du lịch đến xi măng.

Công ty Thaiholdings và Thaigroup đều là doanh nghiệp có liên quan đến bầu Thụy. Ông Thụy hiện là Chủ tịch HĐQT Thaigroup và là cổ đông lớn nhất tại Thaiholdings (nắm 20% vốn). Trước đó, ông Thụy đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Thaiholdings nhưng đã rời chức vụ này từ tháng 2.

Tập đoàn Thaigroup đang đầu tư nhiều dự án lớn gồm khách sạn 5 sao Park Hyatt tại 17 Tôn Đản (Hà Nội). Các nhà máy xi măng gồm Thạnh Mỹ (Quảng Nam), Minh Tâm (Bình Phước), Kaito Hà Tiên (Kiên Giang) , dự án Xi măng Xuân Thành giai đoạn 2 tại Hà Nam với công suất 12.500 tấn clinker/ngày với tổng mức đầu tư cho dự án này của Tập đoàn lên tới gần 11.000 tỉ đồng.

Ngoài ra còn có các Nhà máy phân lân DAP Lào Cai, Khu tổ hợp Town Xuân Thành tại Ninh Bình, Cảng xuất nhập khẩu Ninh Phúc và nhiều công trình lớn khác.

Liên quan tới hoạt động kinh doanh, Thaiholdings cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 với doanh thu hơn 540 tỉ đồng, tăng 288% so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn, công ty ghi nhận khoản lãi gộp gần 45 tỉ đồng trong quý 3, trong khi cùng kỳ lỗ gần 5 tỉ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí liên quan, Thaiholdings ghi nhận 32 tỉ đồng lợi nhuận ròng sau thuế, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm 2019.

Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty, nửa đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện mở rộng thị phần, mạng lưới kinh doanh nên Thaiholdings đã áp dụng chính sách hoa hồng, khuyến mại, chiết khấu tỷ lệ lớn hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề đại lý và các nhà phân phối trong hệ thống.

Đến quý 3, khi hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước được phục hồi, công ty đã điều chỉnh lại chính sách trên nên doanh thu tăng mạnh 288% so cùng kỳ, kéo theo mức lãi ròng tăng 179%.

Lũy kế 9 tháng, Thaiholdings ghi nhận tổng cộng gần 1.009 tỉ đồng doanh thu và 45 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 168% và 38% so cùng kỳ. Tuy vậy, so với kế hoạch 3.500 tỉ đồng doanh thu và 360 tỉ đồng lãi ròng nửa đầu năm 2020, Thaiholdings mới hoàn thành chưa tới 30% chỉ tiêu doanh thu và 12% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

TH