Kiện chống bán phá giá pin: DN "kêu" chưa được hỗ trợ gì

00:00 12/10/2020

Thời hạn để trả lời các bản câu hỏi/nộp bản đệ trình liên quan đến vụ việc pin khô AA bị điều tra chống bán phá giá tại Ấn Độ chỉ còn ít ngày nữa (hạn cuối là ngày 29-11-2015). Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, cho đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ cơ quan quản lý.

Thời hạn cuối để trả lời các bản câu hỏi/nộp bản đệ trình là ngày 29-11. Ảnh internet.
Cuối tháng 10 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) chính thức thông báo: Tổng vụ Chống bán phá giá và chống trợ cấp (DGAD) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm pin khô AA nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Quyết định điều tra của DGAD xuất phát từ việc Hiệp hội các nhà sản xuất pin khô Ấn Độ- đại diện cho ngành sản xuất trong nước đệ đơn. Là một đơn vị liên quan trực tiếp đến vụ kiện này, tại hội thảo “Thông tin thị trường và cơ chế tạo thuận lợi thương mại hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và thương mại” ngày 17-11, ông Võ Khánh Toàn, Trưởng phòng Tài chính kế toán Công ty CP Pin Hà Nội cho biết, doanh nghiệp đã nhận thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh và các cơ quan khác nhưng thông tin nhận được rất chung chung. “Chúng tôi đã liên hệ với Đại sứ quán, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ để tìm kiến sự hỗ trợ nhưng đến thời điểm gần như không nhận được gì ngoài mấy đường link. Trong khi những đường link này chúng tôi tìm trên mạng cũng có. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã cử người trực tiếp đến Cục Quản lý cạnh tranh nhưng đến nay chưa có sự phân công cụ thể nên chưa biết ai hỗ trợ doanh nghiệp xử lý”, ông Toàn khẳng định. Theo ông Toàn, từ kinh nghiệm của các vụ kiện, lời khuyên của chuyên gia phải dựa vào hiệp hội, cơ quan Chính phủ, Bộ Công Thương nhưng chúng tôi là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không nằm trong những ngành hàng “hot” như dệt may, da giày hay thủy sản để có hiệp hội và trông chờ vào nhau. Cung cấp thêm thông tin, ông Toàn cho hay, ở Việt Nam chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất pin, quy mô doanh số chỉ khoảng 500 tỷ đồng. Riêng 2014, Công ty CP Pin Hà Nội đã xuất khoảng hơn 100 tỷ đồng, bằng 1/5 thị trường Việt Nam. Nếu không phải đối đầu với vụ kiện thì doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt, có lợi thế cạnh tranh tốt. Nhưng nếu thất bại trong vụ việc thì cơ hội phát triển thị trường xuất khẩu sẽ khó khăn bởi họ kiện pin xuất xứ từ Việt Nam chứ không kiện bất kỳ một doanh nghiệp nào. Ông Toàn nói thêm: “Chúng tôi chưa nhìn thấy sự hỗ trợ nào từ bất kỳ cơ quan nào trong khi ngành nghề chúng tôi không có hiêp hội. Vai trò của Bộ Công Thương trong việc nâng đỡ các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ như doanh nghiệp này ở thị trường thế giới như thế nào?”. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, bà Nguyễn Chi Mai, Trưởng phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, theo quy định, phía Ấn Độ chỉ thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ về việc khởi xướng còn các thông tin liên quan cần làm rõ vụ việc họ sẽ trực tiếp liên lạc với doanh nghiệp, không liên lạc với Chính phủ Việt Nam. Đây là quy định chung đối với những vụ việc liên quan đến chống bán phá giá. Khi được hỏi về sự hỗ trợ của Cục Quản lý cạnh tranh với doanh nghiệp khi gặp phải các vụ kiện chống bán phá giá, bà Mai khẳng định: “Tùy từng trường hợp, sự hợp tác của doanh nghiệp, sự cung cấp thông tin của doanh nghiệp, tùy sự bảo vệ của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Cục Quản lý cạnh tranh sẽ phụ thuộc vào doanh nghiệp”. Được biết, thời gian để trả lời các bản câu hỏi/nộp bản đệ trình là 40 ngày kể từ ngày ban hành thông báo (hạn cuối là ngày 29-11-2015). Các bên liên quan cũng phải nộp kèm bản trả lời công khai theo quy định. Trong trường hợp không nhận được phản hồi/bản trả lời trong thời gian nêu trên hoặc thông tin nhận được là không đầy đủ hoặc các bên không hợp tác, cơ quan điều tra sẽ dựa trên các dữ kiện có sẵn để đưa ra kết luận về vụ việc. Với thời hạn này, Công ty CP Pin Hà Nội đang rất lo lắng nếu có phán quyết đưa ra.
Phan Thu