Kịch bản nào sau phán quyết của PCA về vụ kiện "đường lưỡi bò"

00:00 12/10/2020

Chỉ vài tuần nữa là phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện “đường lưỡi bò” giữa Manila và Bắc Kinh được đưa ra.

Mỹ và Trung Quốc đều đã và đang ráo riết chuẩn bị để đón đầu bước ngoặt trong diễn biến căng thẳng trên Biển Đông này.
Vị trí bãi cạn Scarborough trên bản đồ.
Vị trí bãi cạn Scarborough trên bản đồ.
Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng dự đoán của các chuyên gia quốc tế: Phán quyết của PCA sẽ bất lợi cho Trung Quốc, và do đó việc Bắc Kinh phủ nhận nó là điều dễ dàng được tiên liệu. Nhưng động thái của Bắc Kinh sau đó mới là điều đáng quan tâm. Như các nhà bình luận Bloomberg nhận định, ở phương án 1, Trung Quốc có thể sẽ tạm thời làm giảm căng thẳng bằng cách tạm ngưng các hoạt động xây dựng trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng trên Biển Đông. Còn ở phương án tiếp theo, Trung Quốc sẽ tăng cường tiếp tục cải tạo bãi cạn chiến lược Scarborough của Philippines. Bãi cạn này dù có diện tích khiêm tốn cũng sẽ là một điểm thứ 3 quan trọng mà Trung Quốc mong muốn để kết nối với các lãnh thổ chiếm đóng phi pháp tại Hoàng Sa và Trường Sa, tạo thành tam giác chiến lược nối liền các cơ sở quân sự để Bắc Kinh có thể kiểm soát một vùng hải phận và không phận lớn trên Biển Đông. Và như vậy sẽ nguy hiểm khôn lường cho những nỗ lực ngăn cản theo đuổi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Do đó, có nhiều lý do để các bên “chạy đua” nhằm giành lợi thế trên bàn cờ Biển Đông để chuẩn bị cho phán quyết của PCA. Một phần quan trọng trong cuộc chạy đua này là ASEAN, tiếng nói thống nhất của nhiều nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Trung Quốc thời gian qua đã tìm mọi cách chia rẽ ASEAN, né tránh việc "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông, khẳng định tranh chấp chỉ nên được giải quyết ở cấp song phương. Ngược lại, Mỹ liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của những phản ứng mạnh mẽ và thống nhất từ phía ASEAN sau phán quyết của PCA. Điều này giải thích việc thời gian qua, Mỹ và Trung Quốc tăng cường các hoạt động ngoại giao trong khu vực này, chồng chéo lên nhau. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tăng cường đến gặp các lãnh đạo Brunei, Campuchia và Lào. Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng vừa thăm Malaysia và Indonesia. Về phía Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel vừa kết thúc chuyến thăm Lào, Việt Nam và Malaysia. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sắp có chuyến công du tới Việt Nam.
Vài tuần trước khi PCA đưa ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Bắc Kinh được cho là đã và đang tăng cường những lời bào chữa cho các hành động của mình. Động thái này bị Mỹ lật tẩy khi ngày 13/5 công bố bản báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc trên những bãi đá ngầm được họ tôn tạo trái phép thành các đảo nhân tạo. Báo cáo gửi Quốc hội Mỹ tiết lộ Trung Quốc đã mở rộng phi pháp thêm 3.200 mẫu đất ở 7 thực thể chiếm đóng trái phép trên Biển Đông suốt 2 năm qua. Theo đó, Lầu Năm Góc khẳng định nỗ lực phi lý của Bắc Kinh nhằm gia tăng đáng kể hiện diện quân sự tại các khu vực này. Có thể nói, từ nay tới khi có phán quyết của PCA, cuộc đua trên mặt trận ngoại giao này sẽ còn nhiều diễn biến bất ngờ.
Cẩm Anh/kinnhtedothi.vn