Khuyến khích,hỗ trợ người dân tham gia cải thiện rừng và giảm nghèo

00:00 12/10/2020

(DNHN):Dự án “Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam” do Bộ Ngoại giao Phần Lan và tổ chức ActionAid Việt Nam đồng tài trợ với tổng số vốn hơn 1 triệu EUR. Từ tháng 11 năm 2014 đến tháng 10 năm 2017, Dự án đã được tổ chức ActionAid Việt Nam kết hợp với Dự án Phát triển Hệ thống Quản lý Thông tin ngành Lâm nghiệp và phối hợp với các đối tác ở địa phương triển khai tại các huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng; huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk; huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, nhằm nhằm tạo ra một không gian mở và tương tác cho người dân cấp cơ sở, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số, giúp họ có cơ hội tham gia vào hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp quốc gia, qua đó cải thiện công tác quản trị rừng và góp phần giảm nghèo ở Việt Nam.

khuyen-khich-trong-rung-giam-ngheo-2

Người dân sử dụng công nghệ thông tin để quản trị rừng và nâng cao nhận thức xã hội… Trong năm 2016, Dự án “Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam” đã tập trung vào 4 mục tiêu chính là nâng cao năng lực cho cộng đồng thông qua các khóa tập huấn; thiết lập cơ sở để cộng đồng có thể tiếp cận thông tin một cách miễn phí; xây dựng các mô hình sinh kế dựa vào rừng và thúc đẩy xây dựng hương ước cộng đồng về quản lý và bảo vệ rừng. Trong đó, hai mô hình sinh kế đã được khởi động thành công là mô hình trồng cây rừng trao đổi cacbon, được thực hiện tại huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng và huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk; Mô hình trồng rừng ngập mặn kết hợp với nuôi tôm và du lịch sinh thái tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu và huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Sau 12 tháng triển khai hoạt động, đã có 384 người dân tham gia dự án được nâng cao nhận thức về hệ thống Quản lý Thông tin ngành Lâm nghiệp; quản lý tài nguyên thiên nhiên, sử dụng bản đồ để lập kế hoạch; hiểu biết về quyền và vai trò của mình trong quản lý rừng tại địa phương, đồng thời nắm bắt được các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc và cuộc sống. Các kiốt thông tin với tủ sách và máy tính có kết nối mạng đã được thiết lập ở các xã có dự án. Nhờ đó, đến nay đã có 150 thành viên cộng đồng có thể tiếp cận dễ dàng và miễn phí các thông tin về kỹ thuật trồng trọt, thị trường, nguồn giống, sinh kế thay thế cùng với công cụ để quản lý lô/khoảnh đất và sinh kế của hộ gia đình mình; 610 hộ đã tham gia vào hai mô hình sinh kế dựa vào rừng.

khuyen-khich-trong-rung-giam-ngheo-1

Người dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng

Theo ông Nguyễn Lân - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk: “Dự án thiết kế nhiều hoạt động giúp người dân trong các cộng đồng nâng cao hiểu biết, thấy rõ hơn vai trò của mình và trở nên chủ động hơn trong quản lý rừng tại địa phương. Lợi ích mà điều này đem lại không hề nhỏ, đặc biệt đối với địa bàn có diện tích rừng cộng đồng lớn và đời sống của người dân còn nhiều khó khăn như huyện Krông Bông. Dự án cũng tổ chức các buổi thảo luận hàng tháng tại xã Hòa Lễ và Hòa Phong nhằm tạo diễn đàn cho bà con chia sẻ và xây dựng các quy ước, hương ước tại cơ sở để cùng quản lý và bảo vệ tốt các cánh rừng ở địa phương”. Bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng Đại diện tổ chức ActionAid Việt Nam chia sẻ: Năm 2017, Dự án “Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam” do Bộ Ngoại giao Phần Lan và tổ chức ActionAid Việt Nam đồng tài trợ sẽ tiếp tục được triển khai. Khi đó sẽ có khoảng 180.000 người dân ở các thôn, buôn, làng, xã được cải thiện quyền kiểm soát rừng cũng như khả năng tiếp cận thông tin quản trị rừng, tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập để ổn định đời sống. Nguyễn Hiếu