Khủng hoảng chăn nuôi lợn: Đừng chỉ khuyến khích suông!

00:00 12/10/2020

Ông Văn Đức Mười – Nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho rằng, trong khi người chăn nuôi đang “chết đứng” vì giá heo (lợn) thì những giải pháp Bộ NNPTNT đưa ra vẫn còn chung chung, mang tính chất “định tính”…

Người tiêu dùng vẫn phải mua thịt giá cao trong khi nông dân đang phải khóc ròng vì giá bán không đủ trả tiền heo giống. Trước tình trạng giá heo giảm sâu trong thời gian qua khiến người chăn nuôi điêu đứng, mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã kêu gọi các doanh nghiệp hạ giá bán các sản phẩm đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống… đồng thời, tăng cường giết mổ cấp đông để giải quyết đầu ra cho nông dân. Về vấn đề này, ông Mười cho rằng, các doanh nghiệp hiện tại vẫn đang thực hiện việc giết mổ, trữ hàng cho việc chế biến kinh doanh dịp tết nguyên đán 2018. Việc giết mổ tạm trữ này vừa hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nông dân vừa cũng nhằm đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp. Vì với tình hình hiện nay, việc nhập khẩu thịt heo sẽ được siết chặt, doanh nghiệp muốn nhập khẩu thịt nguyên liệu cho chế biến cũng sẽ khó khăn hơn. Hơn nữa, sau đợt này, người chăn nuôi chắc chắn sẽ phải giảm đàn, treo chuồng… dẫn tới nguồn cung khan hiếm hơn, thị trường mùa tết chắc chắn sẽ thiếu hụt. Do đó, các doanh nghiệp đang phải tính toán việc tạm trữ cho đợt kinh doanh mùa cuối năm. Tuy nhiên, năng lực tạm trữ, cấp đông của doanh nghiệp thì ở mức hạn chế, ngành chăn nuôi muốn đẩy mạnh việc giết mổ, tạm trữ phải có chính sách cụ thể, không thể chỉ “khuyến khích suông”. “Phải thống kê được năng lực giết mổ của toàn ngành cũng như khả năng cấp đông, tạm trữ, cân đối với tổng lượng nhu cầu cần giết mổ, cấp đông và nhu cầu thị trường… Từ đó, có chính sách cụ thể trên từng đầu heo cần giết mổ, tăng khả năng tạm trữ của doanh nghiệp…”, ông Mười đề xuất. Ngoài ra, đối với lượng heo 40 – 50kg hiện có, có thể giết mổ để chế biến thịt heo quay cho xuất khẩu. Về lâu dài, đây là cơ hội để tái cơ cấu lại toàn ngành chăn nuôi, dù có “đau đớn” nhưng là cơ hội để hạn chế những cuộc khủng hoảng có thể xảy ra lần nữa trong tương lai. Theo đó, doanh nghiệp, người nông dân muốn chăn nuôi heo phải được quản lý, giám sát chặt chẽ, đảm bảo về năng suất, xử lý chất thải ra môi trường… Chỉ có vậy mới có thể đảm bảo được khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam. “Đã có thời Việt Nam xuất khẩu heo sữa rất tốt nhưng sau đó, giá đầu vào cao quá nên doanh nghiệp không thể bám thị trường được, phải bỏ. Bây giờ muốn quay lại xuất khẩu heo sữa sẽ phải tốn thời gian tìm thị trường. Đây cũng là một điểm bất bênh của ngành chăn nuôi trong nước”, ông Mười nhận định. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tham gia “giải cứu” đàn heo cho nông dân. Thông tin từ đại diện truyền thông Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), từ nay đến đầu tháng 5 tới, hệ thống siêu thị Co.opmart và chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food sẽ áp dụng chương trình giảm giá để hỗ trợ đẩy sức tiêu thụ cho mặt hàng thịt heo. Dù giảm giá bán nhưng Saigon Co.op vẫn giữ nguyên giá mua để giúp người nuôi bù chi phí. Cụ thể, sau khi Co.opmart và Co.op Food giảm giá từ 10% đến 20%, hiện tại giá thịt đùi, vai dao động nhẹ quanh mức 60.000 đ/kg, chân giò heo giá 52.800 đ/kg, xương đuôi giá khoảng 66.000 đ/kg, thị heo xay giá khoảng 70.000 đ/kg, xương ống  giá 48.000 đ/kg,... và các sản phẩm chế biến nấu chín, sơ chế sẵn có thành phần thịt heo cũng đều tham gia giảm giá. Theo ông Nguyễn Anh Đức – Phó tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op, tùy theo tình hình thị trường trong những ngày tới, Saigon Co.op sẽ tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho người chăn nuôi. Saigon Co.op không thu mua nguồn thịt trôi nổi không an toàn và cùng phối hợp với ba đơn vị Vissan, Nam Phong và Anh Hoàng Thy trợ giúp người nuôi đẩy mạnh sức tiêu thụ thịt heo đợt này. Theo danviet