Khu kinh tế Vân Phong - Khánh Hòa đã đến giờ cất cánh

10:26 28/11/2020

Khu kinh tế (KKT) Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh và TX.Ninh Hòa có tổng diện tích khoảng 150.000 ha; trong đó, diện tích mặt nước 80.000 ha, diện tích mặt đất 70.000 ha. Ở đây có hệ thống đảo, bán đảo phong phú; cảng nước sâu; lại nằm ở ngã ba các tuyến hàng hải quan trọng như: Châu Âu - Bắc Á, châu Úc - Đông Bắc Á và Đông Nam Á - Đông Bắc Á; là cửa mở hướng ra biển Đông của vùng Tây Nguyên và cả bán đảo Đông Dương... nên nó có một vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội chẳng những của Khánh Hòa mà còn cả nước.

Nhằm sớm phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực này, ngày 25/4/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cho thành lập Khu kinh tế (KKT) Vân Phong. Đây là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác. Thực tế, từ những năm 2000 - 2010, Vân Phong đã xuất hiện một số dự án trọng điểm như đóng tàu, du lịch… nhưng bởi nhiều lý khác nhau, nên việc thu hút đầu tư vào đây vẫn còn bất cập làm cho Vân Phong chưa đạt được như kỳ vọng. Mặc dù vậy, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa vẫn kiên trì mục tiêu xây dựng KKT Vân Phong thành vùng kinh tế động lực của tỉnh với nhiều giải pháp vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Ngày 23/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Khánh Hòa tổ chức điều chỉnh Quy hoạch KKT Vân Phong đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến quy hoạch sẽ hoàn thành vào quý III năm 2021, nhưng thời gian gần đây Vân Phong đang đứng trước thời cơ và vận hội đầy triển vọng.

  Với các điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng thuận lợi, khu vực Nam Vân Phong được quy hoạch làm các khu công nghiệp để phát triển điện khí

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, Vân Phong là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa, do đó tỉnh sẽ tập trung nhiều nguồn lực thực hiện quy hoạch; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; tổ chức xúc tiến kêu gọi đầu tư... Từ một vùng đất hoang sơ, hơn 20 năm qua, tính đến thời điểm hiện tại, KKT Vân Phong đã thu hút 158 dự án đầu tư; tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD; trong đó có 61 dự án đã đi vào hoạt động và 67 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng. Có 8 dự án đã thỏa thuận chủ trương, đang thực hiện thủ tục đầu tư với tổng vốn 10,3 tỷ USD. Thực tế đã có một số dự án lớn đi vào hoạt động đóng góp thiết thực, hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương như Công ty TNHH đóng tàu Hyundai Việt Nam, kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, khu công nghiệp Ninh Thủy... Trong đó, chỉ riêng Công ty TNHH đóng tàu Hyundai Việt Nam năm 2019 đóng mới 16 tàu, doanh thu 458 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động. Ngày 23/11/2020, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, thông qua việc chọn 4 địa điểm trong KKT Vân Phong thuộc địa bàn phường Ninh Thủy và xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa) với tổng diện tích khoảng 1.053 ha đề nghị Bộ Công thương xem xét đưa vào quy hoạch điện, các dự án cảng, kho khí và nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG). Điểm thứ nhất tại Khu Công nghiệp (KCN) Ninh Thủy, diện tích khoảng 41,59 ha, là khu vực đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Điểm thứ hai tại thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước, có diện tích khoảng 100 ha (trong đó diện tích lấn biển khoảng 50 ha). Hiện Tập đoàn Sumitomo thuê sử dụng tạm khu vực này để phục vụ xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, sau tháng 3/2024 sẽ trả lại mặt bằng sạch. Điểm thứ ba là khu quy hoạch Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong tại thôn Ninh Yểng và thôn Mỹ Giang (xã Ninh Phước) có tổng diện tích 311 ha gồm: Đất liền 152 ha, 70 ha nằm trên đảo Mỹ Giang và 88 ha diện tích mặt nước. Điểm thứ tư là khu vực quy hoạch phát triển công nghiệp Ninh Tịnh tại thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước với diện tích khoảng 600 ha. Trong đó, phần diện tích dự kiến thu hút dự án Nhà máy điện khí LNG và kho chứa khoảng 100 ha.

.

Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong, cho biết: Theo định hướng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ xây dựng KKT Vân Phong trở thành cửa mở ra biển và theo hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam. Phía Nam vịnh Vân Phong được định hướng sẽ là những trung tâm công nghiệp lớn và cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp. Khu vực này có độ sâu rất thuận lợi là 20 - 30 m, hiện có cảng tổng hợp Nam Vân Phong, nhà máy đóng tàu Hyundai. Theo Ban Quản lý KKT Vân Phong, dù quy hoạch điện khí tại khu vực Vân Phong chưa được phê duyệt nhưng hiện có 8 nhà đầu tư của các tập đoàn lớn trong nước và Nhật Bản, Mỹ đề xuất làm điện khí. Nhiên liệu khí hóa lỏng sẽ được nhập khẩu từ Mỹ, Nga là chủ yếu, để đốt nhiên liệu chạy các tua bin phát điện. KCN Ninh Thủy hiện có 2 nhà đầu tư là: Công ty J-Power đề xuất nhà máy điện khí có công suất 3.000 MW; Tổ hợp các nhà đầu tư (Công ty CP Tập đoàn HBRE, Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 2, Công ty CP Hoàn Cầu Vân Phong, Công ty TNHH PHOUSY Group) đề xuất xây dựng nhà máy điện khí LNG với công suất 1.500 MW, kết hợp với hệ thống chế biến và kho lạnh bảo quản nông, hải sản. Tại khu vực thôn Ninh Yểng và đảo Mỹ Giang, xã Ninh Phước, trước đây có dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong do 4 đơn vị đề xuất đầu tư,  là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với nhà máy điện khí 6.000 MW trên diện tích khoảng 150 ha; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đề xuất kho khí với 3 triệu tấn LNG/năm, diện tích 50 ha trên đảo Mỹ Giang; Công ty Millennium của Mỹ, đề xuất nhà máy điện khí lên đến 14.400 MW và kho chứa khí lên đến 17 triệu tấn LNG/năm với tổng diện tích 360 ha. Liên danh nhà đầu tư Embark United và Tập đoàn Quan Tum cũng của Mỹ đề xuất xây dựng nhà máy điện khí 6.000 MW, kho cảng tiếp nhận và xử lý LNG với 6 triệu tấn/năm trên tổng diện tích 300 ha.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG).

Ngày 9/9/2020 tại UBND tỉnh Khánh Hòa diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, xúc tiến đầu tư phát triển KKT Vân Phong, các nhà đầu tư cho biết sau khi quy hoạch được điều chỉnh, nhất là khu vực Bắc Vân Phong, Nam Phú Yên, dự kiến sẽ có 200 nhà đầu tư thuộc các lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…đến Vân Phong, với số vốn đầu tư lên đến 60 tỉ USD. Đây là con số vượt kỳ vọng của Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đơn vị tài trợ kinh phí quy hoạch. UBND tỉnh Khánh Hòa cam kết sẽ xúc tiến đầu tư theo quy định của pháp luật và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư. Với những triển vọng to lớn đó, có thể coi KKT Vân Phong đã đến giờ sẵn sàng cất cánh!

Nguyễn Xuân