Không thể truy cứu hình sự người "làm lộ” hồ sơ Chủ tịch Đà Nẵng

00:00 12/10/2020

Hồ sơ kê khai tài sản của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã bị tuồn ra ngoài khiến dư luận xôn xao thời gian qua. UBND TP.Đà Nẵng trong cuộc họp báo chiều qua (27.3), cho biết đang kiểm tra cá nhân nào làm việc này.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho rằng tài sản của ông đã công khai minh bạch, có gì sai sót các cơ quan Trung ương sẽ kiểm tra. Ảnh: Đình Thiên.

Tuy nhiên, căn cứ theo các quy định hiện hành của pháp luật, khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi trên. Trao đổi với PV, luật gia Lê Hồng Sơn, Giám đốc điều hành Công ty Luật hợp danh FDVN cho biết, theo quy định hiện hành, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một trong hai hình thức sau: Niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc công bố tại cuộc họp. Trong trường hợp của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng-Huỳnh Đức Thơ, theo quy định tại Nghị định 78/2013 và Thông tư 08/2013 thì phạm vi công khai là: Công khai trước đối tượng ghi phiếu tín nhiệm để lấy phiếu tín nhiệm hàng năm, gồm lãnh đạo UBND, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc sở, ngành, trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Hội đồng dân nhân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. "Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 78/2013 thì Bản kê khai của  Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng được lưu cùng hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Bản kê khai được sử dụng trong các trường hợp sau: Phục vụ cho việc bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; Phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền trong việc công khai, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; Điều tra, xác minh, kết luận, xử lý về hành vi tham nhũng; Phục vụ yêu cầu khác liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ", luật gia Lê Hồng Sơn cho biết. Cũng theo vị luật gia này, tại điều Điều 11 Nghị định 78/2013 nêu rõ: Khi cần khai thác, sử dụng Bản kê khai đã lưu cùng hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, người thực hiện việc khai thác, sử dụng phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu khai thác, sử dụng, trong đó ghi rõ họ, tên, chức vụ của người đến khai thác, sử dụng và mục đích của việc khai thác, sử dụng. Việc khai thác, sử dụng Bản kê khai được tiến hành tại cơ quan quản lý Bản kê khai; nếu cần thiết phải khai thác, sử dụng tại nơi khác thì phải được sự đồng ý của người có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai và phải có biên bản giao nhận Bản kê khai. Bên cạnh đó, theo Thông tư 11/2012/TT-BNV quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức do bộ trưởng bộ nội vụ ban hành quy định rõ: “Việc quản lý hồ sơ công chức là trách nhiệm của cơ quan quản lý công chức. Nghiêm cấm việc phát tán thông tin trong hồ sơ công chức”. Luật gia Lê Hồng Sơn phân tích, nếu Đà Nẵng kiểm tra được người cung cấp hồ sơ của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng ra ngoài, có thể xử lý theo Khoản 3, Điều 30 Nghị định 78/2013, Luật an toàn thông tin mạng 2015 quy định xử lý trách nhiệm trong xác minh tài sản, thu nhập. Theo đó, quy định này nghiêm cấm “Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân. Người tiết lộ thông tin hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập khi chưa được người có thẩm quyền cho phép thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Về trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy tố về các tội danh liên quan đến hành vi làm lộ bí mật nhà nước theo quy định tại các Điều 263, 264 Bộ luật Hình sự. "Tuy nhiên, với những trường hợp này, rất khó để truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh trên. Bởi lẽ, bản kê khai tài sản của các cán bộ công chức không phải là bí mật nhà nước mà nó được xem là thông tin của cá nhân người kê khai", luật gia Lê Hồng Sơn khẳng định. Cũng theo ông Sơn, trước đây, bản kê khai tài sản là một thành tố của hồ sơ cán bộ, thuộc về tài liệu mật, nhưng hiện nay theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng, Nghị định 78 thì bản kê khai này được lưu cùng với hồ sơ cán bộ, nó không phải là một thành tố của hồ sơ cán bộ, được công khai ở phạm vi nhất định, được các chủ thể, cá nhân nhất định khai thác sử dụng trong công tác phòng chống tham nhũng. "Quan điểm lập pháp của chúng ta cũng cần thay đổi. Mặc dù đây là thông tin của cá nhân người có trách nhiệm kê khai, nhưng do họ là người có chức vụ, quyền hạn nên để bảo đảm các quy định về phòng chống tham nhũng, những thông tin về tài sản của họ cần được công khai. Không chỉ công khai trong phạm vi Luật định hiện nay, mà công khai rộng rãi, để nhân dân giám sát, hạn chế tối đa nguy cơ tham nhũng", luật gia Lê Hồng Sơn chốt lại. Đình Thiên/ theo danviet