"Không thể bắt cuộc sống phải ngồi chờ pháp luật"

00:00 12/10/2020

Nhiều chuyên gia khẳng định tình trạng chậm trễ ban hành nghị định, tạo khoảng trống luật pháp quá lâu, gây “bối rối” cho các cơ quan thừa hành… là tình trạng phổ biến hiện nay và cần chấn chỉnh sớm.

Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, về nguyên tắc luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo.

Quy định là thế nhưng tại cuộc họp báo mới đây, ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết Nghị định quy định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (xây dựng - chuyển giao) chưa thể ban hành do gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến nhiều vấn đề, quy định pháp luật khác như: đầu tư, đất đai, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất để đảm bảo theo giá thị trường, tránh thất thoát.

Nhưng, đáng nói, với đề xuất này, chính quyền địa phương có dự án BT vướng phải nhiều lúng túng khi giải quyết phương án tài chính với các hợp đồng BT ký trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính có hiệu lực. Nhiều nhà đầu tư đã triển khai, thậm chí hoàn thành xong dự án nhưng chưa được bàn giao quỹ đất hoàn vốn như quy định của hợp đồng. Thậm chí, gay gắt hơn, nhiều quan điểm khẳng định quyết định này của Bộ Tài chính sẽ đẩy cả nhà nước, nhà đầu tư vào thế khó.

Dự án đường trục phía nam Hà Nội do Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư, tuyến đường trục này mới chỉ xây dựng được 12km/41km theo cam kết

Nói như GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo của Bộ Tài chính là hoàn toàn “ngược đời” bởi không thể bắt cuộc sống phải đợi pháp luật. Không có quốc gia nào làm như thế. Hợp đồng BT có thể đúng, sai, có mặt tốt và chưa tốt, cần sự phát hiện, điều chỉnh của luật pháp.

“Nếu có nghi vấn thì cơ quan thanh tra, kiểm toán có thể vào cuộc. Nhưng, khi hợp đồng đã được ký thì nhà nước phải làm theo đúng nội dung hợp đồng bởi sau khi ký thì hợp đồng BT chính là nguyên tắc cao nhất được pháp luật cho phép”, GS Đặng Hùng Võ nêu rõ.

Cũng theo GS Võ, trách nhiệm chính trong quản lý các dự án BT thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì các dự án được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư công; các cơ quan, bộ, ngành khác chỉ có nhiệm vụ phối hợp. Như thế, liên quan đến quản lý hợp đồng BT, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chỉ là một trong số nhiều luật có hiệu lực, không thể đặt trên các luật khác. Điều này đồng nghĩa với việc, không thể bắt nhà đầu tư phải chờ đợi nghị định hướng dẫn luật này ra đời khi nhiều dự án đang trong quá trình triển khai hoặc đã hoàn tất.

Vẫn biết rằng, một quyết định chính sách, khi ra đời, khó có thể làm “hài lòng” tất cả các đối tượng liên quan, nhưng vấn đề ở chỗ việc xây dựng, thực thi luật phải tính đến và hướng đến mục tiêu cao nhất: lợi ích quốc gia, sự thuận lợi cho đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Vậy, làm thế nào để một chính sách khi ra đời có thể dung hòa được lợi ích của cả nhà nước, nhà đầu tư và người dân? Làm thế nào để cơ quan quản lý không còn “lúng túng” trước khi giải quyết phương án tài chính với các hợp đồng BT ký trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính có hiệu lực? Và làm thế nào để nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư vào các dự án BT với vòng đời dài và nhiều rủi ro?

Trả lời câu hỏi này, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định, trong trường hợp nếu một chính sách có sai hay khiếm khuyết thì hãy ban hành một chính sách mới, đúng đắn để thay thế, trong đó phải tính đến và dám chấp nhận cả độ trễ của thực thi cái mới lẫn hậu quả từ cái cũ đã xảy ra.

Trong bối cảnh của ngày hôm nay, nhiệm vụ này, dĩ nhiên là không đơn giản nhưng trong bối cảnh của thời đại mới này, các cơ quan lập chính sách buộc phải tự nâng cao năng lực để có thể đảm nhiệm.

Do đó, khi nhìn xa hơn về vấn đề giải pháp cho các dự án BT, ông Lập khẳng định: Trong bối cảnh hiện tại, chính sách cho các dự án BT không nên nhất thời và vụn vặt, hơn thế, nó cần được đặt trong việc xem lại một cách tổng thể chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm với các giải pháp tài chính chuyên nghiệp. Bởi nên nhớ, “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” vốn đã từng và vẫn luôn luôn là giải pháp tình thế chứ không dựa trên cơ sở lý luận nào cả.

Huyền Trang