Không phát triển cây giá trị kinh tế cao theo phong trào

00:00 12/10/2020

Việt Nam đang thực hiện quá trình tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng theo hướng tăng cao giá trị thu nhập cho nông dân. Đây là cơ hội của các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, chúng ta không phát triển theo phong trào như những bài học của một số cây trồng khác trước đó. Phóng viên Tạp chí DN&HN có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc – Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây xung quanh vấn đề này. vnp_mc Thưa Tiến sĩ, xin ông cho biết đôi nét về thực trạng, cơ hội của các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao trong giai đoạn hiện nay?  Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc: Tại Việt Nam có nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao (tính trên một đơn vị diện tích) có thể là cây ngắn và dài ngày, ví dụ chè, cà phê, mắc ca. So sánh hiệu quả kinh tế ba loại cây này cho thấy: về thời gian trồng thì chè sau 3 năm cho thu hoạch, cà phê 4 năm, mắc ca 5 năm; lợi nhuận bình quân sau trừ chi phí: chè đạt 90 triệu đồng/ha, cà phê 58 triệu đồng/ha, mắc ca 146 triệu đồng/ha. Như vậy, giá trị kinh tế của mắc ca cao nhất so với các loại cây khác. Tuy nhiên, không thể so sánh với một số loại cây có giá trị cao khác như tiêu đạt 400-500 triệu đồng/ha. Và các số liệu so sánh chỉ là tương đối vì cây trồng phụ thuộc vào các yếu tố khác như: thị trường, thời tiết. Bởi cây trồng luôn có mối quan hệ khăng khít với yếu tố thời tiết. Với giá trị kinh tế đứng ở vị trí khá cao so với các loại cây trồng khác như vậy, sao đến nay chúng ta vẫn chưa phát triển nhiều diện tích mắc ca?   Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc: Riêng cây mắc ca, thì cơ hội của mắc ca phải xét tổng thể điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn chứ không chỉ xét vấn đề giá cả. Ví dụ, bình quân chi phí một năm hết 45 triệu đồng/ha. Từ năm thứ 6 trở đi mới thu hoạch, hòa vốn và bắt đầu có lãi (thời gian hoàn vốn tính từ năm thứ 6 trở đi). Nói vậy để thấy trong 6 năm đó nông dân trồng mắc ca sống như thế nào? Từ đó mới thấy hết khó khăn, thuận lợi khi trồng mắc ca. Nghĩa là xác định trồng mắc ca là phải đầu tư lâu dài. Hơn nữa, nó còn có đặc tính riêng so với các cây trồng khác là phụ thuộc thời tiết nghiêm ngặt: ra hoa phải cần thời tiết lạnh, khi kết hạt phải cần độ ẩm thấp… Thực tế, so với các loại cây trồng khác đã vào Việt Nam hàng trăm năm, thì mắc ca mới xuất hiện gần 20 năm nay. Vì thế muốn xác định quá trình phát triển ta còn nhiều việc phải làm. Đó là vấn đề vốn, tâm lý nông dân, kỹ thuật, tiếp cận, thị trường, … Phải có quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết để trồng mắc ca. Hiện nay có khá nhiều ý kiến trái chiều về chủ trương phát triển cây mắc ca. Một số chủ trương và ủng hộ thì mệnh danh mắc ca là “nữ hoàng” của các loại hạt, “cây tỉ đô”, “cây vàng”, số khác cũng không ít lý do để do dự và đưa ra cảnh báo: năng suất thấp, khó bảo quản, giá cao nhưng chưa ổn định… Còn ý kiến của riêng ông?  Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc: Câu chuyện này rất bình thường, như trên tôi đã lý giải một phần. Trong sản xuất nông nghiệp, đã là cây trồng dài ngày thì khó dự báo chính xác tương lai. Tuy nhiên, vẫn có thể dự báo tương đối và có cơ sở khoa học cũng như thực tiễn để phát triển. Mắc ca cũng thế, nó là cây dài ngày, có khi cả đời người cũng không tồn tại để chứng kiến hết sự phát triển của nó. Cho nên, chúng ta cần nắm bắt cơ hội phát triển nó trên cơ sở thực tiễn và khoa học, dao động của thị trường… Đồng thời, phải nhìn thấy một điều rằng, muốn làm gì cũng phải có niềm tin và hoài bão mới thành công. Ngoài ra, cũng phải chú ý đến yếu tố rủi ro, bởi khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì cũng nên tính đến rủi ro. Ví dụ, trồng cây phải quan tâm yếu tố thời tiết, vì cây trồng và thời tiết luôn có sự liên hệ mật thiết với nhau.  Vì vậy, mỗi khi phát triển loại cây trồng mới, Nhà nước phải có chính sách tài trợ cho nông dân. Rất cần vai trò của Nhà nước đi tiên phong về kỹ thuật trồng trọt, công nghệ bảo quản chế biến, đầu tư, thị trường và cả niềm tin vào tương lai. Bởi đầu tư vào nông nghiệp khác hẳn với đầu tư vào lĩnh vực khác ở chỗ phải tin vào kết quả dựa trên cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn. Điều quan trọng khi phát triển một loại cây có giá trị kinh tế cao như mắc ca, chúng ta phải tin tưởng nhưng không được nôn nóng, cần có quá trình nghiên cứu và mạnh dạn triển khai. Không nên đốt cháy giai đoạn. Ví dụ có những ý kiến cho rằng đến năm 2030 nước ta phải phát triển đạt 200.000ha mắc ca. Chúng ta phấn đấu để có thể đạt 100.000ha là tốt rồi. Hoặc để Việt Nam trở thành cường quốc về mắc ca trên bản đồ thế giới cũng cần phải có quá trình đầu tư rất lâu dài. Vì vậy, muốn phát triển nhất thiết phải có lộ trình, tiến độ phù hợp: vừa quan tâm phát triển vừa điều chỉnh để đáp ứng được quá trình hoàn thiện quy trình trồng trọt, nguồn giống, quy hoạch để đáp ứng hài hòa với sự phát triển của các loại cây trồng khác.  Như đã nói ở trên, trồng mắc ca đã khó, sau khi thu hoạch, để nâng cao giá trị hạt mắc ca thì khâu bảo quản chế biến còn khó khăn hơn. Như vậy, vấn đề công nghệ bảo quản chế biến mắc ca sẽ cần phải chú trọng cả trước mắt và lâu dài?  Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc: Công nghệ chế biến không phải là yếu tố quyết định phát triển mắc ca trong hiện tại và tương lai nhưng nó là yếu tố quan trọng để phát triển loại cây trồng này. Vì vậy, để đảm bảo mắc ca phát triển bền vững và ổn định, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ngay từ đầu để tạo chuỗi giá trị khép kín: trồng - chăm sóc - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ.  Cuối cùng, để đảm bảo phát triển bền vững cây mắc ca trong hệ thống cây trồng và tính cạnh tranh của loại nông sản này trên thị trường, cần có giải pháp trước mắt và lâu dài thế nào?  Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc: Muốn phát triển mắc ca bền vững và hiệu quả cần bắt tay vào những vấn đề rất cụ thể như sau: Tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh quy trình trồng trọt – chế biến mắc ca tại Việt Nam. Tạo ra giống mắc ca phù hợp điều kiện sinh thái, điều kiện thời tiết khí hậu, tập quán canh tác tại Việt Nam. Hoàn thiện triển khai quy hoạch vùng sản xuất cây mắc ca (điều tra, lập dự án đầu tư, từ đó chọn địa bàn phù hợp, rồi mới thực hiện triển khai). Phải nghiên cứu vấn đề cho nông dân vay vốn để phát triển cây mắc ca. Tạo cơ cấu giống hợp lý, xây dựng quy trình kỹ thuật trồng mắc ca. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển mắc ca. Từ thực tiễn và kết quả nghiên cứu phát triển mắc ca tại Việt Nam và thế giới, chúng ta có thể tin tưởng phát triển cây mắc ca có tính khả thi trong điều kiện Việt Nam. Nhất là khi Việt Nam đang thực hiện quá trình tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng theo hướng tăng cao giá trị thu nhập cho nông dân. Và dứt khoát chúng ta không phát triển mắc ca theo phong trào như những bài học của một số cây trồng khác trước đó. Vì vậy, rất cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với việc phát triển cây trồng giá trị kinh tế cao. Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ! Hoa Anh (thực hiện)