Không phải lỗi của bộ bikini

00:00 12/10/2020

Trong tuần qua, trước thông tin Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Mỹ bỏ phần thi trình diễn bikini để ủng hộ phong trào chống quấy rối tình dục cũng như muốn tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ của người phụ nữ, dư luận đặt câu hỏi, Việt Nam có nên học Mỹ?

                                                                      Ảnh. Minh họa

Cách đây 30 năm, lần đầu tiên cuộc thi Hoa hậu Việt Nam có màn trình diễn bikini. Theo trí nhớ nhà thơ Dương Kỳ Anh – Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, trong lần thi đó sân khấu “chết” 10 phút vì thí sinh không dám thể hiện phần thi áo tắm. Nhà thơ Dương Kỳ Anh coi phần thi trình diễn áo tắm lần đầu tiên đó là cuộc “cách mạng” với phụ nữ Việt; tạo ra cái nhìn cởi mở hơn về phụ nữ, hòa nhập với xu hướng của thế giới.

Đã 30 năm, sau cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1998, trình diễn bikini trở thành phần thi chính và hấp dẫn của các cuộc thi sắc đẹp, không chỉ vì sự phô diễn hình thể của phái đẹp mà còn thể hiện kỹ năng trình diễn của các thí sinh Việt đã được nâng cao.
Thời gian gần đây, không ít người đẹp, thậm chí là Hoa hậu Việt Nam mắc phải những lùm xùm tình ái, lợi dụng vẻ đẹp, danh hiệu để có những phát ngôn bừa bãi, có tư thế hình thể, cách ăn nói kém lịch sự. Nhưng lỗi của sự phản cảm đó không thuộc bộ bikini được người đẹp trình diễn trong các đấu trường nhan sắc; mà ở phông văn hóa, sự hiểu biết cá nhân.

Theo Hoa hậu Việt Nam 2010 Đặng Thị Ngọc Hân, để tạo nên vẻ đẹp toàn diện của các Hoa hậu cần sự đánh giá toàn diện trong cả quá trình của cuộc thi, đặc biệt là kỹ năng ứng xử giao tiếp, trên sân khấu và trong các hoạt động bên lề. Các kỹ năng thực hiện dự án xã hội hoặc sự vươn lên sau cuộc thi của một hoa hậu lại phụ thuộc vào chính môi trường giáo dục của gia đình thí sinh và bản thân mong muốn vươn lên của thí sinh đó. Chính vì thế, nếu muốn có những hoa hậu đạt chuẩn, ban giám khảo tốt nhất cần chọn ra thí sinh có tư chất chứ không nên chỉ chọn theo kiểu ngoan hiền.
Không vì bỏ phần thi bikini, các cuộc thi sắc đẹp sẽ tẻ nhạt, khó đánh giá được vẻ đẹp toàn diện của phái đẹp; mà vì tôn trọng phụ nữ, nói không với quấy rối tình dục là việc của cách nghĩ, cách nhìn chứ không phải việc của bộ bikini. Giảm tránh những lùm xùm của các cuộc thi sắc đẹp cũng không phải nằm trong việc cắt bỏ phần thi bikini, mà ở việc siết chặt cấp phép để đảm bảo chất lượng thí sinh, chất lượng cuộc thi xứng đáng là đại diện cho một vùng, một ngành hay một quốc gia, chứ không phải tổ chức thi và mua danh từ sắc đẹp.                                                                                           Lan Ngọc