Không có vốn: Hãy cứ dấn thân!

00:00 12/10/2020

"Lúc tôi khởi nghiệp, tôi chỉ có hai bàn tay trắng, sự hỗ trợ của xã hội lúc đó gần như không có gì. Nhưng như vậy không thể cản được khao khát khởi nghiệp của chúng ta" - ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Công ty Vinamit chia sẻ tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp khởi nghiệp do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức mới đây.

Không có vốn là thường Theo ông Nguyễn Lâm Viên, câu hỏi nhiều bạn trẻ hay đặt ra là muốn khởi nghiệp nhưng không có vốn lẫn kinh nghiệm. Theo ông Viên, đó là chuyện bình thường của người khởi nghiệp. Nếu chưa có kinh nghiệm, phải đi học, tìm thầy giỏi, lớp học để học kinh nghiệm làm doanh nghiệp. Phải học tới nơi tới chốn, chọn đúng người để họ chỉ dạy. Ông Viên chia sẻ tiếp: “Còn chuyện vốn? Lúc tôi khởi nghiệp, tôi cũng chỉ có hai bàn tay trắng và sự hỗ trợ của xã hội lúc đó gần như không có gì. Nhưng như vậy không thể cản được khao khát khởi nghiệp của chúng ta. Nếu không có vốn, các bạn hãy đi làm, đi bán hàng để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng ước mơ của mình. Xã hội cần nhiều người bán hàng. Dù bán những thứ không liên quan tới dự án khởi nghiệp nhưng nó cũng tích lũy vốn sống, giá trị cho bạn. Lấy ngắn nuôi dài là nguyên tắc cho những ai ít vốn mà muốn khởi nghiệp”. Một điều quan trọng nữa  được ông Viên nói thẳng: “Các bạn phải biết dấn thân. Hãy dũng cảm đối diện và xử lý vấn đề. Làm doanh nghiệp thì có nhiều khó khăn hơn làm chuyện khác, nên nếu không dám làm, không dấn thân, sợ thất bại thì tuyệt nhiên không thể thành công”. Cũng theo ông Viên, nền nông nghiệp Việt Nam luôn có nhiều tiềm năng và triển vọng. Tuy nhiên, hiện nay cạnh tranh trên thị trường thế giới vô cùng lớn. Các sản phẩm nông nghiệp muốn sống được và phát triển phải đi vào thị trường ngách nhỏ. Đó là những sản phẩm hữu cơ, áp dụng công nghệ cao trong trồng trọt và chế biến. Xu hướng, tầm nhìn của người làm doanh nghiệp nông nghiệp là phải khác”. Hãy bắt đầu từ dự án nhỏ Ông Nguyễn Khắc Minh Trí, sáng lập Công ty Mimosa Tech, chuyên cung cấp các giải pháp ứng dựng công nghệ trong nông nghiệp cho biết: “Khi khởi nghiệp nông nghiệp, người sáng lập phải chấp nhận thực tế rằng doanh thu trong thời gian đầu là thấp, sau đó mới dần đi lên. Trong thời gian khó khăn này, phải biết phát triển các mối quan hệ. Tốt nhất, hãy có một dự án với kế hoạch phát triển khả thi và sản phẩm tốt để tìm nhà đầu tư. Khi có người đi cùng mới làm lớn được. Còn không chỉ kinh doanh nhỏ và nhiều hạn chế. Trường hợp của ông Đỗ Văn Dũng - một doanh nhân trăn trở với trái thanh long được mùa mất giá của Bình Thuận đã gồng mình vay mượn, thế chấp cầm cố ngân hàng 20 tỷ đồng để nhập máy móc về làm thanh long sấy khô là một ví dụ. Ông Dũng cho biết: “Phải dấn thân, phải làm mới biết được kết quả. Để làm ra miếng thanh long sấy đầu tiên thành công, tôi phải thử nghiệm hơn chục tấn thanh long tươi. Mấy tháng trời mất ăn, mất ngủ mới được. Ra được sản phẩm giờ lại lo thị trường tiêu thụ. Dù có khó khăn đi nữa, khi khởi nghiệp với ngành này phải mạnh dạn tiến tới”. Bà Vũ Kim Hạnh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết: Ở các nước phát triển, việc khởi nghiệp thất bại là điều bình thường, thậm chí lấy làm vinh dự như ở Isarel việc này diễn ra rất nhiều. Vì khi thất bại, người ta mới học được nhiều kinh nghiệm quý báu mà người dễ thành công chưa chắc có được. Theo Dân Việt