Khởi nghiệp với số vốn 100 đàn ong mật

00:00 12/10/2020

Năm 2002, sau khi học xong cấp III, anh Trần Xuân Phong được gia đình giao cho hơn 100 đàn ong mật làm “vốn” khởi nghiệp. Từ số vốn đó, anh thành lập HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ (thôn Phúc Lộc A, xã An Khang, Tp.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) mỗi năm cho thu hoạch trên 1.000 tấn mật ong các loại, sữa ong chúa và phấn hoa.

Là một trong những mô hình HTX tiêu biểu giúp các thành viên trong HTX làm giàu và là địa chỉ tin cậy cung cấp mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa... trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng như cả nước, HTX của anh Phong đã tạo việc làm cho hàng chục thanh niên địa phương với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, anh Phong thu lãi 1 tỷ đồng từ nghề nuôi ong mà anh vất vả gây dựng hơn chục năm nay.

Khởi nghiệp từ đồng vốn vay mượn

Anh Phong cho biết thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, thiếu vốn và đầu ra cho sản phẩm nên chịu nhiều thất bại. Đúng lúc khó khăn, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là Hội Liên hiệp thanh niên xã, anh Phong tiếp cận được với các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.

Năm 2005, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mua sắm vật tư, con giống, nâng số lượng đàn. Chỉ một năm sau, anh lai tạo thành công giữa con ong vàng của miền Bắc với giống ong Ý của miền Nam thành giống ong mới vừa cho lượng mật cao, vừa chống chọi được với cái lạnh của miền Bắc.

Để có sản lượng mật quanh năm, anh Phong liên tục di chuyển đàn ong đến các vùng miền của đất nước, như Đăk Lăk, Lâm Đồng, Hưng Yên, Hà Giang... Vừa lấy mật, vừa nhân đàn. Từ 50 đàn, đến nay anh đã có trong tay gần 1.500 đàn ong mật lai (lúc cao điểm lên 1.700 - 2.000 đàn).

Nuôi ong có nhiều khó khăn, nếu nuôi chỉ để lấy mật dùng thì khá đơn giản, nhưng nuôi số lượng lớn để làm giàu rất khó, phải am hiểu thời tiết, địa lý. Trong quá trình nuôi, anh đã nắm bắt rõ đặc tính đi lại, ăn uống, quy luật trưởng thành, các loại bệnh có thể xảy ra đối với đàn ong, như: Thối ấu trùng, ký sinh trùng, hội chứng ngộ độc, từ đó mới có thể duy trì và tăng nhanh số lượng đàn ong.

Để tạo điều kiện cho những hộ nuôi ong trong vùng trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm, anh Phong đứng ra thành lập HTX Nuôi ong Phong Thổ, gồm 22 thành viên là những hộ nuôi ong trên địa bàn xã, nâng tổng số đàn ong của HTX lên gần 4.000 đàn.

Đăng ký thương hiệu

Bên cạnh sản phẩm chính là mật ong hoa rừng còn có mật ong hoa bạc hà được những đàn ong của HTX khai thác từ cây hoa bạc hà dại mọc trên đất núi đá của cao nguyên đá Đồng Văn thuộc các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang).

Anh Phong cho rằng “kinh nghiệm mỗi người mỗi ngành, mỗi nghề, nhưng làm nghề gì thì đi sâu vào nghề đó”. Do ngoài Bắc chưa có nhà máy nên sản phẩm mật ong thô anh Phong phải đưa vào Tây Nguyên chế biến trước khi xuất khẩu sang Mỹ. Chi phí vận chuyển cao, lại không phải là thương hiệu mật ong của HTX, vì thế, anh Phong ấp ủ xây dựng nhà máy chế biến mật ong xuất khẩu và vật tư ngành ong, đồng thời đăng ký thương hiệu “Mật ong Tuyên Quang”.

Năm 2013, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, HTX thực hiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm “Mật ong Phong Thổ” tại Cục Sở hữu trí tuệ; đăng ký cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm mật ong với công ty Ong Đăk Lăk, hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm an toàn trên toàn quốc. Do đó sản phẩm mật ong sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó.

Trong số 25 thành viên của HTX, có đến 70% là đoàn viên, thanh niên. Với tổng đàn ong của HTX lên trên 4.000 đàn, năm đầu tiên, doanh thu của HTX đạt con số hết sức ấn tượng: 16 tỷ đồng.

Đánh giá về mô hình này, anh Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng ban Thanh niên nông thôn (Tỉnh đoàn Tuyên Quang), cho biết: “Phong rất khác các bạn thanh niên khác. Các bạn thanh niên khác thì sau khi học xong chỉ muốn thoát ly khỏi quê hương để tìm cho mình một cơ hội, một việc làm làm giàu cho chính bản thân mình, còn Phong dựa trên lợi thế của quê hương, xây dựng mô hình nuôi ong”.

Qua rất nhiều bước, kể cả những khó khăn thất bại thì mô hình nuôi ong của Phong đã phát triển và xây dựng được HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ. Qua đó tạo việc làm cho rất nhiều thanh niên, làm giàu cho họ, giúp họ thấy yêu quê hương, yêu mảnh đất mình sinh sống hơn.

Năm 2014, Trần Xuân Phong vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Giải thưởng Lương Định Của; được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế tỉnh Tuyên Quang.

Hoàng Lê