Khoảng hụt sức cầu của trái phiếu doanh nghiệp?

00:00 12/10/2020

Điểm mới tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 17/6 vừa qua đã chính thức "cấm cửa" các nhà đầu tư không chuyên mua bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ từ ngày 1/1/2021.

Theo Bộ Tài chính, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có sự tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, tỷ lệ thuận với đó là việc nhà đầu tư cá nhân mua TPDN tăng mạnh.

Dẫn chứng cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, nếu như cả năm 2019, trên thị trường sơ cấp TPDN, tổng dư nợ trái phiếu mà nhà đầu tư cá nhân mua chỉ chiếm 8,8% giá trị toàn thị trường, thì 4 tháng đầu năm 2020 đã tăng lên 26,8%.

Sự gia tăng lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp, đồng thời hạn chế về khả năng phân tích, đánh giá doanh nghiệp... sẽ là rủi ro cho chính các nhà đầu tư này.

Nhu cầu phát hành vẫn cao

Theo thống kê của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tổng giá trị phát hành TPDN trong tháng 5 đạt 27.061 tỷ đồng, giảm nhẹ so với tháng 4 (30.121 tỷ đồng). Tuy nhiên, tổng giá trị đăng ký lại tăng mạnh lên mức 65.704 tỷ đồng từ mức 47.997 tỷ đồng trong tháng 4. Điều này thể hiện nhu cầu phát hành TPDN vẫn còn rất lớn. Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt mức 91.616 tỷ đồng.

Trong tháng 5, ngân hàng vẫn là nhóm có tổng giá trị phát hành lớn nhất, đạt 11.512 tỷ đồng (chiếm 42,54%). Trong đó, VPBank phát hành 10 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành đạt 5.800 tỷ đồng, BIDV phát hành 9 lô trái phiếu với tổng giá trị 3.090 tỷ đồng.

Bên cạnh đó còn có HDBank phát hành 3 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành đạt 2.300 tỷ đồng.

Từ 1/1/2021, các nhà đầu tư không chuyên nghiệp sẽ phải dừng "cuộc chơi" trên thị trường TPDN phát hành riêng lẻ (Ảnh: Internet)

Thực tế, nhu cầu về phát hành TPDN để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng có giảm đi nhưng nhu cầu phát hành TPDN các kỳ hạn ngắn vẫn duy trì nhằm tiếp tục huy động để giảm chi phí vốn. Có thể kể đến như HDBank dự kiến tiếp tục phát hành 1 tỷ USD trái phiếu tại nước ngoài trong thời gian tới.

Sau nhóm ngân hàng, giá trị phát hành trái phiếu của loại hình doanh nghiệp dịch vụ và xây dựng tăng cao trong tháng 5/2020. Cụ thể, giá trị phát hành trái phiếu nhóm ngành dịch vụ đạt 5.628 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,8% (tháng 4 đạt 1.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,65%); nhóm ngành xây dựng đạt 2.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,61% (trong tháng 4 đạt 300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1%).

Mặt khác, lĩnh vực bất động sản có sự sụt giảm mạnh trong tháng 5/2020 với giá trị phát hành trái phiếu chỉ đạt 4.750 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,55%. Còn lại, các doanh nghiệp ở lĩnh vực chứng khoán và lĩnh vực khác tham gia vào thị trường trái phiếu với tổng giá trị 2.570 tỷ đồng.

Mặt bằng lãi suất của các TPDN dao động từ 10,5% - 12,5%/năm, trường hợp cá biệt lên tới 15% - 19,5%/năm. Theo luật sư Trương Thanh Đức, đây chính là yếu tố thu hút các nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh lãi suất tiền gửi đang có xu hướng giảm.

Đánh giá mới nhất từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng MSB cho thấy, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào TPDN đã tăng lên gần 30% trong những tháng đầu năm 2020 so với mức 9% trong năm 2019.

Lo ngại từ nhà quản lý

Theo chia sẻ của một chuyên gia chứng khoán, các nhà đầu tư khi quyết định bỏ tiền vào TPDN thường không quá để tâm đến chất lượng hàng hóa cũng như "sức khoẻ tài chính" của doanh nghiệp, mà chỉ quan tâm đến lãi suất.

Nắm bắt được tâm lý, hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đang có xu hướng đẩy mạnh tiếp cận các nhà đầu tư cá nhân để phát hành TPDN riêng lẻ. Từ thực tế này, Bộ Tài chính lo ngại làn sóng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đổ tiền vào TPDN phát hành riêng lẻ dẫn đến rủi ro cho chính họ cũng như thị trường.

Theo Bộ Tài chính, đặc thù của TPDN là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn. Trong khi khả năng trả nợ của doanh nghiệp lại phụ thuộc lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh, trong nhiều trường hợp chưa hẳn đã là huy động vốn để thực hiện các kế hoạch kinh doanh, mà có khi chỉ để cơ cấu lại các khoản nợ.

Các nhà đầu tư có thể phải đối mặt với rủi ro doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả sẽ không thanh toán được đầy đủ đúng hạn gốc lãi của trái phiếu, không thực hiện được cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn..., thậm chí mất trắng số tiền đã đầu tư.

Theo đó, điểm mới tại Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 17/6 đã "cấm cửa" các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường TPDN riêng lẻ.

Bên cạnh những ý kiến đồng thuận với quy định này vẫn còn có những góc nhìn quan ngại bởi việc áp dụng cơ chế mới sẽ ảnh hưởng đến sức cầu của thị trường nếu không có giải pháp thay thế.

Theo ý kiến từ tổ chức tư vấn là công ty chứng khoán, việc hạn chế nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp sẽ khiến việc huy động vốn của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn do sức mua của thị trường suy giảm có thể tạo hiệu ứng đột ngột giảm cầu tác động không tích cực đến sự phát triển của thị trường.

Phản hồi những ý kiến không đồng thuận, đại diện cơ quan quản lý cho rằng để bù đắp cho sự hụt cầu trên thị trường nói trên cần phát triển nhà đầu tư tổ chức. Như thế, vừa để đa dạng cơ cấu nhà đầu tư, vừa gia tăng tính chuyên nghiệp cho thị trường.

Tuy nhiên, với hệ thống pháp luật như hiện nay, đặc biệt là quy định về thuế, nhà đầu tư cá nhân bỏ tiền đầu tư qua quỹ trái phiếu không nhận được các lợi ích cao hơn so với hình thức họ trực tiếp đầu tư, do đó cũng khó để phát triển được nhà đầu tư tổ chức.

Linh Đan