Khó giải bài toán nhái thương hiệu du lịch

00:00 12/10/2020

Lâu nay, nạn nhái thương hiệu du lịch, sao chép sản phẩm du lịch khiến các DN trong lĩnh vực này chịu thiệt hại không nhỏ, còn du khách thì bị... lừa.
Kinh doanh không lành mạnh Thực chất tình trạng nhái thương hiệu du lịch tồn tại lâu nay là hình thức kinh doanh không lành mạnh. Đau đầu vì vấn nạn này, ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch HanoiRedtours cho hay: “Vì cái tên HanoiRedtours đã tạo được uy tín, nên dù đã được bảo hộ, nhưng năm 2015 vẫn có 2 DN thành lập HaiphongRedtours và CanthoRedtours; hay tên miền website của chúng tôi bị nhái với các đuôi khác, cách bài trí cũng na ná nên khách hàng dễ bị nhầm các đơn vị kia là chi nhánh hoặc công ty con của HanoiRedtours. Khi khách hàng đến công ty khiếu nại vì không cung cấp đúng dịch vụ, chúng tôi mới tá hỏa là đã bị nhái thương hiệu”.
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho khách quốc tế về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Linh Anh
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho khách quốc tế về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 
Không chỉ bị nhái tên, một số hãng lữ hành còn ngang nhiên lấy sản phẩm của công ty khác thiết kế để chào bán với giá rẻ khiến DN có công xây dựng tour, tuyến chịu sức ép từ phía khách hàng. Ông Nguyễn Hồng Đài - Tổng Giám đốc Công ty du lịch APT Travel dẫn chứng: Cách đây gần chục năm, APT Travel là DN đầu tiên triển khai mô hình du lịch cộng đồng ở làng chài Việt Hải (huyện Cát Bà, Hải Phòng). Để hình thành tuyến điểm mới, công ty đã bỏ nhiều công sức hỗ trợ người dân biết cách làm du lịch, mua hàng chục chiếc xe đạp, mở đường để du khách đạp xe vòng quanh đảo. Khi bến tàu du lịch Gia Luận chưa hình thành, APT Travel đã cùng cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Cát Bà vận động bà con ủng hộ việc xây dựng bến. Thế nhưng, chưa đầy 2 tháng sau khi tuyến điểm trên được đưa vào khai thác, các công ty khác đã ngay lập tức sao chép y nguyên hành trình của APT Travel thành chương trình của mình. Thậm chí, thản nhiên đưa khách đến và thu tiền với mức giá thấp hơn. Hãy lên tiếng nếu bị lừa Điều đáng buồn là nạn nhái thương hiệu, ăn cắp bản quyền sản phẩm du lịch diễn ra công khai, nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn. Thậm chí, nhiều DN khi được hỏi đã coi đó là chuyện bình thường và chẳng việc gì phải thay đổi. DN có thể tự bảo vệ mình bằng việc đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đây là cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước bảo vệ DN khi xảy ra tranh chấp. Nhưng trên thực tế, nhiều DN cho rằng, đây là việc làm vô ích bởi sản phẩm du lịch không có định lượng, định tính cụ thể, chưa kể mất nhiều chi phí và công sức mà hiệu quả không cao. Về vấn đề này, ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, cần có chế tài nghiêm minh. “Nếu DN vô tình vi phạm thì có thể nhắc nhở lần đầu, nhưng nếu cố tình nhái và nặng hơn là ăn cắp thương hiệu nên có biện pháp rút giấy phép kinh doanh. Trong Luật Du lịch chưa có chế tài xử phạt hành vi này mà chỉ là những quy định chung chung. Do vậy, cần bổ sung thêm thông tư và các điều khoản cụ thể” - ông Kế phân tích. Ngoài ra, giới chuyên môn cho rằng, cần đề cao vai trò của Hiệp hội Du lịch Việt Nam để tổ chức có biện pháp ngăn chặn tình trạng nhái, trộm thương hiệu, sản phẩm du lịch. Với tâm lý “Buôn có bạn, bán có phường”, chế tài “mềm” này sẽ “đánh” trúng danh dự nghề nghiệp của người kinh doanh nên sẽ có hiệu quả. Còn theo ông Nguyễn Công Hoan, khi khách hàng rơi vào tình huống đã rồi, họ thường có tâm lý xều xòa, ngại nói ra nên ngày càng có nhiều người bị lừa đảo. “Do đó, tôi mong khách hàng hãy công bố, công khai các công ty có hành vi lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng để các “thượng đế” khác cảnh giác và cơ quan chức năng kịp thời xử lý”. Đặc biệt, đại diện HanoiRedtours cho rằng: “Đã kinh doanh là phải cạnh tranh, nhưng phải cạnh tranh lành mạnh, có văn hóa bằng sản phẩm, dịch vụ của mình chứ đừng chơi xấu đối thủ và lừa đảo khách hàng”. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát, thanh lọc những “con sâu” đang làm tổn hại sự trong sạch môi trường kinh doanh du lịch Việt Nam.
(theo ktdt.vn)