Khó đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020?

00:00 12/10/2020

Mặc dù Chính phủ luôn nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh song mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 vẫn khó hoàn thành.

DN thành lập mới có xu hướng giảm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến 1/7/2018, cả nước có 702.710 doanh nghiệp (DN) đang tồn tại thuộc diện quản lý thuế của Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, chỉ có 560.417 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh hoặc có chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh; có 80.948 DN đang tồn tại nhưng không có kết quả sản xuất kinh doanh (doanh thu bằng không và không phát sinh chi phí sản xuất, chỉ có chi phí để duy trì DN, như: nộp thuế môn bài)… và có 33.394 DN ngừng hoạt động chờ giải thể.

Như vậy, nếu so với con số DN thành lập mới trung bình trong những năm gần đây thì để hoàn thành mục tiêu có 1 triệu DN vào 2020, mỗi năm phải có khoảng 150.000 – 200.000 DN thành lập mới. Mục tiêu này rất khó khả thi bởi thực tế qua các năm gần đây, năm 2016, DN thành lập mới chỉ đạt 120.000 DN và năm 2017 là gần 130.000 DN.

10 tháng qua, cứ 1 DN được thành lập mới thì cùng với đó, có xấp xỉ 1 DN chuẩn bị hoặc đã rời bỏ thị trường (Ảnh minh hoạ)

Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng DN mới đang có xu hướng chững lại, dự báo cả năm 2018 có khoảng 130.000 DN thành lập, chỉ tăng 2,5% so với năm 2017. Trong khi đó, DN tư nhân vẫn có xu hướng nhỏ đi về quy mô, tỷ lệ DN làm ăn có lãi vẫn thấp, mức độ kết nối của DN tư nhân vào nền kinh tế toàn cầu còn nhiều hạn chế.

Thống kê của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh, Bộ KH&ĐT cho thấy, 10 tháng qua, cả nước có 109.611 DN thành lập mới. Tuy nhiên, cùng với đó lại có tới 91.711 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, DN hoàn tất thủ tục giải thể. Như vậy, 10 tháng qua, cứ 1 DN được thành lập mới thì cùng với đó, có xấp xỉ 1 DN chuẩn bị hoặc đã rời bỏ thị trường.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện Việt Nam mới chỉ có 600.000 DN đang hoạt động. Do đó, để đạt được mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, trong 2 năm tới, mỗi năm, phải có thêm ít nhất trên 200.000 DN mới ra đời.

“Nhiệm vụ gần như là bất khả thi. Bất khả thi vì tốc độ thành lập các DN mới đang giảm dần và trên 5 triệu hộ kinh doanh lại “không muốn lớn”, trong khi xét về bản chất kinh tế, khu vực này đã là DN, đang đóng góp tới 30% GDP và là đội dự bị hùng hậu nhất của cộng đồng DN”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Nhiều điểm nghẽn

Lý giải tình trạng một tỷ lệ lớn DN rời thị trường, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, theo quy luật cạnh tranh, quy luật đào thải, các DN yếu không còn khả năng tồn tại sẽ bị loại khỏi thị trường, thay vào đó là những DN tốt và mới, có điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất như vốn, công nghệ, đất đai, lao động, chi phí logistics đang rất khó khăn.

“Việc các DN sau một thời gian hoạt động không hiệu quả phải tự rút lui khỏi thị trường là không thể tránh khỏi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Theo ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, chỉ đạo các ngành như Thuế, Hải quan, Ngân hàng… trong hỗ trợ DN. Tuy nhiên, kết quả trên thực tế vẫn không được như mong muốn.

“Môi trường kinh doanh có tốt lên, nhưng chưa hẳn là môi trường có đủ điều kiện để thúc đẩy DN thành lập mới, đặc biệt là những DN đổi mới sáng tạo”, ông Tô Hoài Nam nhận định.

Ông Nam cho biết, các DN thành lập mới rất khó khăn khi bước vào khởi nghiệp vì không có nhiều vốn, chỉ có ý tưởng kinh doanh nên ít nhận được hỗ trợ. Về tiếp cận tín dụng, nhiều năm qua việc DN vay vốn tín dụng bằng tín chấp chưa được bao nhiêu, trợ giúp cho DN bằng quyền tài sản của DN chưa thực hiện được nhiều, chống hàng giả hàng nhái chưa được như mong muốn.

“Chứng nhận quyền tài sản liên quan sở hữu, sáng chế chưa thực thi để bảo vệ DN và chưa được coi là tín chỉ để ngân hàng cấp tín dụng. Mặt bằng sản xuất kinh doanh rất khó và nhiều khó khăn khác nữa. Môi trường kinh doanh như vậy rất khó cho DN khởi nghiệp, thành lập mới, cũng không tạo nên sự cuốn hút để hộ kinh doanh thành lập DN”, ông Nam cho biết thêm.

Bên cạnh đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, ngoài các chi phí chính thức do thực hiện các thủ tục hành chính, tuân thủ pháp luật thì các chi phí không chính thức vẫn đang phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh gây tốn kém và phiền hà cho DN.

“Khi DN phải chịu đựng các thủ tục hành chính nặng nề thì sẽ phát sinh cả những chi phí chính thức và không chính thức. Đặc biệt, chi phí về thời gian, chi phí về cơ hội là vô cùng lớn và không thể tính toán được”, ông Lộc nói.

Để khai thông điểm nghẽn về thể chế cho DN, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh những nỗ lực cải cách quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là trong việc cắt bỏ giấy phép con và các thủ tục hành chính, Chính phủ cũng nên nghiên cứu trình Quốc hội luật sửa đổi các luật về kế toán, thuế để có thể áp dụng một chế độ kế toán và thuế thật đơn giản, dễ áp dụng cho các DN nhỏ, siêu nhỏ và khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển lên thành DN. Đây sẽ là giải pháp đột phá để đạt được mục tiêu.

“Cần triển khai hỗ trợ các chính sách, chương trình của DN theo Luật Hỗ trợ DNNVV. Cùng với đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa, tạo điều kiện cho DN dễ dàng tiếp cận các yếu tố đầu vào, tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho DN. Đồng thời, cần khuyến khích phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích phát triển DN lớn trong nước để là đầu tàu, lôi kéo, tạo sức lan tỏa. Với các giải pháp này, tôi tin rằng, mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 có thể đạt được”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định./.

Theo VOV