Khó chớp cơ hội từ thương chiến

00:00 12/10/2020

Do năng lực xuất khẩu có hạn, phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, các doanh nghiệp Việt rất khó có thể chớp cơ hội "lỗ hổng thương mại" từ thương chiến Mỹ – Trung đang leo thang.

Nhiều ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng do năng lực xuất khẩu (XK) của các doanh nghiệp (DN) Việt còn nhiều hạn chế nên khó có thể "đón sóng" cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung dai dẳng và đang leo thang căng thẳng như hiện nay khi Mỹ nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%.

Không dễ "đón sóng"

Như thừa nhận của Ts Trần Toàn Thắng (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia – Bộ KH&ĐT), việc tận dụng "lỗ hổng thương mại" từ thương chiến Mỹ – Trung là điều không dễ dàng với thực lực XK của DN nội hiện nay.

Một tín hiệu tích cực là XK của Việt Nam sang Mỹ đã tăng gần 30% trong 4 tháng đầu năm nay với kim ngạch 17,8 tỷ USD trong bối cảnh căng thẳng thương chiến Mỹ – Trung kéo dài. Tuy nhiên, việc đóng góp của các DN nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước vào số kim ngạch này vẫn khá khiêm tốn.

Theo PGs.Ts Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, với 97 – 98% DN nội là DNNVV thì khó có năng lực để thay đổi trước "cú sốc kinh tế" như thương chiến Mỹ – Trung. Tuy nhiên, khả năng để DN Việt tận dụng thị trường Trung Quốc lại cao lên.

Ông Thiên nhấn mạnh trong trường hợp tốt nhất nên bắt đầu từ những chính sách vĩ mô, định hướng cho DN Việt đi vào thị trường Trung Quốc bằng quỹ đạo chính ngạch, còn nếu "hò reo" theo tiểu ngạch thì không những không nâng cấp cho DN Việt mà còn mang lại rủi ro lớn.

Bởi lẽ, trong thương chiến Mỹ – Trung, một khi Trung Quốc thiệt hại thì họ sẽ lấy thiệt hại ấy làm cơ sở trong xu thế đa cấp. Nếu DN Việt vẫn ở cấp thấp lẹt đẹt, duy trì lúc khó để giữ khu vực thấp, khi DN Trung Quốc ở tầm cao hơn thì bản thân DN cấp thấp sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

"Cho nên, cách tiếp cận là phải chuyển thương mại Việt Nam – Trung Quốc sang đẳng cấp cao hơn, và lấy điều đó làm áp lực cạnh tranh cho cải cách các DN trong nước tốt lên, đừng hy vọng lúc họ khó mà mình đi "kiếm chác" thì khả năng bị đẩy khỏi cuộc chơi sẽ rất cao", ông Thiên nói.

Giới chuyên gia cho rằng trước việc leo thang thương chiến Mỹ – Trung, các chính sách vĩ mô ở trong nước đang hướng tới sự ổn định. Với sự ổn định này, ưu thế trong việc tận dụng "lỗ hổng thương mại" để XK vẫn là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chứ chưa phải là các DNNVV nội.

Quan sát ở góc độ DN từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Rạng Đông, cho biết qua đánh giá của các hiệp hội ngành nghề cũng như các tập đoàn lớn, Việt Nam chưa chuẩn bị tốt cho việc này. Cơ hội rất nhiều nhưng để thực hiện được đòi hỏi phía DN phải có sự chuẩn bị chu đáo.

chop-co-hoi-tu-thuong-chien-3957-1557758

Phần lớn DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa

Khả năng có hạn

Trên thực tế, có những sản phẩm XK của Trung Quốc không phải là sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, giá trị không lớn nhưng lại lớn về diện rộng và Trung Quốc không xuất trực tiếp mà thông qua các công ty đa quốc gia.

Đặc biệt, các công ty lớn ở Mỹ thường đặt hàng các công ty gia công ở Trung Quốc, nhưng hiện nay, các công ty đó có xu hướng chuyển dịch dần sang Việt Nam. Để chuyển dịch như vậy thì phải có độ trễ và có thời gian để thực hiện. Vấn đề là DNNVV muốn chớp cơ hội kết nối với các công ty đa quốc gia đòi hỏi tính cam kết và tiêu chuẩn rất chặt chẽ.

Trong khi đó, dù muốn tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại nhưng khả năng XK "có hạn" của DNNVV của Việt Nam có thể thấy rõ ở tính kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu, khi ở giai đoạn hiện tại, các DNNVV chủ yếu là nhà cung cấp cấp ba, được mô tả như là ngành sản xuất các nguyên liệu đầu vào nguyên liệu đơn giản và ít giá trị gia tăng hoặc các linh kiện đơn giản.

Các nhà cung cấp cấp ba này cũng không liên kết được với các công ty đầu chuỗi (hoặc thậm chí là các nhà cung cấp cấp một) – là những công ty có công nghệ và kiến thức để giúp DN tăng năng suất vì họ chỉ là các nhà cung cấp gián tiếp cho các công ty đầu chuỗi, do đó không có liên hệ trực tiếp với các FDI này.

Một điểm đáng lưu ý, như đánh giá từ các chuyên gia quốc tế, dữ liệu cho thấy các DN Việt Nam đang cố gắng cải tiến sản phẩm và quy trình sản xuất của mình không kém gì các DN cùng ngành ở các nước khác trong khu vực nhằm tăng tính cạnh tranh XK, nhưng lại hiếm khi giới thiệu những sản phẩm mới và có những chức năng hoàn toàn mới so với các sản phẩm hiện có ra thị trường.

Về đổi mới sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh khi muốn chớp cơ hội từ các cú sốc kinh tế, theo một cuộc khảo sát, khoảng 23% DN Việt Nam tuyên bố đã giới thiệu một sản phẩm hay dịch vụ mới hoặc được cải thiện đáng kể trong vòng ba năm qua. Các nhà phân tích nhận định đây là mức trung bình khi so sánh với các quốc gia trong khu vực, ví dụ Campuchia và Philippines có trên 30%.

Có thể nói, nhìn từ thương chiến Mỹ – Trung đang tiếp tục căng thẳng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam để có thể chớp cơ hội từ các "cú sốc kinh tế" lớn như vậy là bài toán không đơn giản. Thực lực XK của các DN trong nước có thể không quá thấp, nhưng để bước lên tầm cao nhằm tận dụng các "lỗ hổng thương mại" thì còn nhiều việc phải làm.

Thế Vinh