Khi Vlog dẫn đầu xu hướng kinh doanh thế giới

00:00 12/10/2020

Kinh doanh theo các phương thức truyền thống như bán tại cửa hàng, phát quảng cáo, tờ rơi… đã dần trở nên lạc hậu. Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến một giải pháp tích cực hơn, nhanh chóng, tiện lợi và vô cùng hiệu quả với tên gọi Vlog. Phương thức kinh doanh này không ch ỉ đơn thuần xuất hiện tại Việt Nam những năm gần đây mà hiện tại còn được coi là xu hướng dẫn đầu trên thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vlog là gì và tại sao trở nên phổ biến?

Theo định nghĩa đầy đủ trên trang Wikipedia, một video blog hay video log, gọi tắt là vlog là một dạng của blog cũng như truyền hình web, trong đó sử dụng phương thức truyền tải thông qua video. Các vlog được kết hợp từ liên kết video cùng với nội dung được phong phú hóa bằng những từ ngữ và hình ảnh hấp dẫn.

 Hiểu đơn giản, một Vlog thường bao gồm một người nói chuyện với khán giả bằng cách sử dụng máy quay, máy ảnh về một chủ đề nhất định. Thay vì đưa ra một đoạn văn bản từ 800 đến 1.000 từ nhàm chán dưới dạng blog, các Vlogger (người làm Vlog) sẽ quay lại chính hình ảnh của họ, trò chuyện trực tiếp về những vấn đề mà người xem quan tâm. Các loại video log này được chia sẻ trên các trang web nhằm mục đích phân phối rộng rãi video khắp mạng Internet, cho phép tự động tải, phát lại trên các thiết bị di động hay máy tính cá nhân. Và đây được đánh giá như một phương thức giao tiếp cấp độ cá nhân với khán giả. Vlog đang ngày càng chiếm ưu thế trên các “mặt trận trực tuyến”, dần trở thành một hiện tượng, một xu hướng mới.

Theo nghiên cứu của Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Cicso, dạng thức video sẽ chiếm tới 82% tổng lưu lượng truy cập Internet vào năm 2021, tăng 73% so với năm 2016. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, 44% người dùng Internet toàn cầu hiện nay đều xem Vlog mỗi tháng, phổ biến nhất trong độ tuổi khán giả trẻ. Vậy điều gì làm nên “thời đại Vlog” như hiện nay? Dưới đây là một số lý do khái quát cho hiện tượng này:

Thứ nhất, người xem thích quan sát một cuộc sống khác với đời sống của họ. Theo dõi cuộc sống của người khác dường như cũng là một cách thoát khỏi những rắc rối và căng thẳng của chính bản thân mình.

Thứ hai, nội dung gần gũi của các Vlog thu hút lượng lớn khán giả quan tâm tới những tình huống mà các Vlogger yêu thích của họ gặp phải. Người xem thậm chí có thể áp dụng vào quyết định của mình từ những gì họ thấy và học được trên Vlog.

Thứ ba, thông qua vlog, các Vlogger có thể xây dựng cộng đồng xung quanh mình. Khi người xem cảm thấy như các Vlog đã trở thành một phần cuộc sống cũng chính là lúc các Vlogger xây dựng thành công liên kết giữa họ và khán giả. Suy cho cùng, Vlog là phương tiện truyền thông ghi lại xã hội của mỗi người, là tài liệu về cuộc sống của chính chúng ta cũng như những người xung quanh và hiển nhiên điều này trở thành tiền đề thúc đẩy Vlog ngày càng phổ biến không chỉ trong đời sống mà còn vươn ra mạnh mẽ các hoạt động khác, một trong số đó phải kể đến hoạt động doanh nghiệp.

 Doanh nghiệp thế giới đón nhận vlog như thế nào?

Vài năm trở lại đây, Vlog vô cùng được ưa chuộng tại Việt Nam và được áp dụng ngày càng nhiều trong kinh doanh. Thế nhưng sự thật là ngay từ khi trang Youtube được phát triển rộng rãi, trước khi phổ biến tại nước ta, giám đốc điều hành của các doanh nghiệp trên thế giới đã đặt ra xu hướng kinh doanh thông qua hình thức này như một cách thức quảng bá sản phẩm từ việc hòa nhập với xã hội và dưới đây là một số cái tên tiêu biểu.

Tom Dickinson, nhà sáng lập và là giám đốc điều hành của BlendTee, một công ty sản xuất thiết bị gia dụng và thương mại chuyên về máy xay. Công ty này cho ra mắt sê ri Will It Blend thử nghiệm máy xay đối với các đồ gia dụng. Loạt video này đạt được thành công lớn với gần 131 triệu lượt xem vào thời điểm bấy giờ, gây được tiếng vang lớn cho công ty.

Big C Commerce là một nền tảng thương mại điện tử được đồng sáng lập và điều hành bởi Mitchell Harper nhằm giúp các doanh nghiệp ra mắt các cửa hàng trực tuyến chuyên nghiệp. Mitchell đã đăng các video ít nhất một tuần một lần, biến chúng trở thành mối quan tâm hàng ngày đối với khách hàng của công ty là những chuyên gia thương mại điện tử. Bằng cách làm này, Harper dường như đã gia tăng giá trị cho cả cộng đồng và doanh nghiệp của mình. Tim O’Reilly, giám đốc điều hành O’Reilly Media, một công ty truyền thông hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách, tạp chí, trang web về các chủ đề công nghệ máy tính. Với hơn 1.000 video và 2,5 triệu lượt xem tại thời điểm đó, kênh youtube O’Reilly Media được xem như là cửa hàng trực tuyến bán chạy và cập nhật tốt nhất của công ty.

Tập đoàn tài chính cá nhân Intuit đã có những bước đi thuận lợi trong cộng đồng trực tuyến khi quyết định thực hiện các video hướng dẫn người dùng sử dụng sản phẩm của mình. Họ chọn lọc các video thay vì đăng tải nhiều thứ cùng một lúc, đôi khi các video chỉ đơn giản cung cấp những  điều cơ bản nhất cho khách hàng và tất nhiên, loạt video này thực hiện được đúng mục đích cũng cấp thông tin có giá trị về sản phẩm. Một công ty khởi nghiệp phát triển ứng dụng mạng xã hội cho các trang như Twitter… chạy trên web, thiết bị di động, máy tính có tên Seesmic do Loic Le Meur sáng lập là một gương mặt hiện diện tích cực trên youtube với hơn 700 video, 1,9 triệu lượt xem, hơn 3.000 người đăng kí tạo nên một lượng lớn khán giả trở thành khách hàng của công ty.

Mối quan hệ giữa doanh nghiệp - vlogger - vlogging

Thông qua các ví dụ trên có thể thấy Vlog chính là xu hướng mới chủ đạo mà các doanh nghiệp cũng như bản thân CEO hướng tới. Câu hỏi đặt ra là tại sao các doanh nghiệp, CEO lại cần tới Vlog ? Điều này mang lại lợi ích gì cho công ty? Việc kết hợp từ ba phía doanh nghiệp, người làm Vlog và Vlog sẽ tạo ra hiệu quả kinh doanh như thế nào? Xin được trích dẫn ngắn gọn một bài chia sẻ trên Tạp chí Forbes trả lời cho câu hỏi tại sao CEO và doanh nghiệp nên sử dụng Vlog.

“Là một giám đốc điều hành, tôi cảm thấy mình nên làm những điều khác biệt nhưng để xác định làm thế nào để trở nên độc đáo một cách hiêu quả và được đón nhận thì không dễ dàng chút nào… Các nhà điều hành luôn cố gắng thu hẹp khoảng cách với cấp dưới - cầu nối với khách hàng bằng các báo cáo số liệu hàng năm nhưng điều này không hiệu quả vì chẳng mấy người đọc chúng. Vì vậy tôi bắt đầu quay mỗi tuần một Vlog. Tôi sử dụng chúng để giải thích những gì đang diễn ra trong doanh nghiệp của mình, kết nối nhân viên với khách hàng; chia sẻ cho khách hàng tiềm năng những thông tin miễn phí mà tôi học được trong những năm qua. Tôi cố gắng tập trung vào thông tin dễ tiếp nhận với cơ sở dữ liệu không lớn, dưới 200 địa chỉ email… Khi một công ty muốn thay đổi nhận thức hay tăng doanh số, CEO phải rời khỏi văn phòng và hướng về phía trước. CEO sẵn sàng hiện diện trước công chúng, làm bộ mặt của công ty mang lại hiệu quả chân thực và tăng mức độ tiếp xúc xã hội. Tôi cho rằng, CEO + Vlog = Một tổ chức thành công hơn, được công nhận, đáng tin cậy và có lợi nhuận. Việc xây dựng Vlog riêng tạo ra không gian kết nối chính thức nơi các nhân viên, khách hàng trong quá khứ hay hiện tại, tương lai đều có thể tham gia.”

Mối tương quan về việc giám đốc điều hành làm video dẫn tới sự gia tăng lớn trong kinh doanh nghe có vẻ khó tin nhưng điều này đã được chứng minh trong thực tế. Đối với các thương hiệu lớn, họ thường gặp khó khăn trong kết nối quá nhiều nhân viên, Vlog là một cách truyền đạt tầm nhìn của CEO. Bên cạnh đó khi có quá nhiều thương hiệu cùng cạnh tranh, người xem sẽ thông qua Vlog để đưa ra đánh giá trực quan nhất về sản phẩm của thương hiệu. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể hướng đến sản xuất Vlog không chỉ nhằm phân biệt với các thương hiệu lớn mà còn mang lại một khởi đầu tiết kiệm. Vlog có giá cả phải chăng, giúp doanh nghiệp nhỏ tiết kiệm chi phí, tối đa hóa thông điệp tới khách hàng. Quan trọng nhất, dù quy mô doanh nghiệp lớn đến đâu cũng cần phát triển kết nối với khán giả. Lòng tin không phải thứ người tiêu dùng dễ dàng cho đi vì vậy nội dung vlog cho phép cá nhân hóa tầm nhìn, thể hiện cá tính thương hiệu, bắt đầu phát triển mối quan hệ với khách hàng.

Tăng cường lợi nhuận vlog thông qua hợp tác với vlogger

Với độ phủ sóng truyền thông rộng hắp, các Vlogger nổi tiếng như Zoella (hơn 11 trệu người đăng ký) hoặc PewDiePie (gần 50 triệu người đăng ký) được chọn làm nơi “chọn mặt gửi vàng” của các thương hiệu và đều mang lại lợi nhuận khổng lồ. Các ngôi sao Vlog đem lại mối quan hệ trực tiếp hơn với người xem, hành vi của họ có khả năng ảnh hưởng tới quyết định người tiêu dùng và tăng cường độ nhận diện thương hiệu. Có ngày càng nhiều các chủ đề khác nhau mà Vlogger hướng tới như trò chơi điện tử, vẻ đẹp, lối sống… hay có cả các kênh cho đối tượng trưởng thành riêng biệt.

Mỗi kênh Vlog, mỗi Vlogger đều thu hút một độ tuổi nhất định tạo nên phân khúc thị trường rõ ràng cho doanh nghiệp hay đơn giản là nắm bắt niềm tin khách hàng đến cho công ty. Hiện có rất nhiều các thương hiệu và chiến dịch làm việc với người tạo lập Vlog như Unilver, Samsung, Pizza hut hay cả hãng xe Volkswagen,… Ví dụ như hãng mĩ phẩm Estess Lauder đã được Zoella giới thiệu trong một video làm đẹp giúp hãng này xuất hiện tần xuất cao trên thanh tìm kiếm Google; Unilever đã thành lập kênh Vlog “All Things Hair” và hợp tác với một số Vlogger trò chuyện, cùng nhau thử sản phẩm. Kết quả mang lại không nằm ngoài dự kiến khi doanh số mua hàng tăng chóng mặt, nhất là những sản phẩm trong video. Với vô vàn lợi ích như trên vậy thì còn có lí do nào để không bắt tay với một Vlogger ngay bây giờ? Câu hỏi đặt ra, làm thế nào để Vlog giúp bạn phát triển doanh nghiệp? Một cách khái quát, sau đây là những cách thức thúc đẩy kinh doanh từ Vlog.

Thêm một “liên lạc cá nhân” – Đối với các doanh nghiệp nhỏ, những công ty khởi nghiệp hay những người tạo thu nhập từ đam mê, lợi ích cơ bản của Vlog là cung cấp một “khuôn mặt” nhận diện cho công ty. Có nghĩa là bạn có thể cung cấp cho khách hàng trải nghiệm cá nhân hơn, mang lại cho họ cảm giác rằng họ đang mua hàng của bạn với tư cách người bán lẻ chứ không phải là một trang web vô tri.

Thể hiện chuyên môn của bạn – Vlog là một phương thức tuyệt vời để thể hiện bản thân như một chuyên gia trong lĩnh vực làm việc riêng biệt, cho khán giả biết bạn đang nói về điều gì, xây dựng niềm tin của họ bằng các thông tin có giá trị, cho họ biết thêm về doanh nghiệp và sản phẩm từ đó có xu hướng kinh doanh với bạn nhiều hơn.

 Mở rộng phạm vi đối tượng tiếp cận – Trang xem video trực tuyến Youtube được coi là công cụ tìm kiếm số 2 trên thế giới và ngày càng có nhiều người sử dụng trang này và các web video để tìm kiếm thông tin sản phẩm. Vậy nên việc các video của bạn xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng này cũng đồng nghĩa sản phẩm của bạn đã tiếp cận được tới nhiều đối tượng hơn, làm tăng sự hiện diện trực tuyến tổng thể.

Trên tất cả, Vlog ngày càng phổ biến với người tiêu dùng và khẳng định được một ý nghĩa nhất định đối với hoạt động doanh nghiệp. Dự đoán trong tương lai, các thương hiệu sẽ đẩy mạnh sử dụng Vlog như một chiến lược tiếp thị. Doanh nghiệp học được cách làm chủ phương tiện truyền thông xã hội cũng như đẩy mạnh công việc của mình. Kinh doanh sử dụng Vlog chính là sự thay đổi mô hình kinh doanh, một lần nữa, trao quyền cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều như các doanh nghiệp quy mô lớn và thậm chí có thể còn nhiều cơ hội hơn thế nữa.

Lê Thu