Khi phụ nữ dân tộc thiểu số đồng hành cùng nhà khoa học

00:00 12/10/2020

Những kết quả nghiên cứu trong dự án được phụ nữ dân tộc thiểu số chia sẻ cùng nhau. Những người phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể (Bắc Cạn) không bao giờ nghĩ có một ngày mình sẽ là “cán bộ nghiên cứu” nhưng điều đó đã diễn ra. Qua những bỡ ngỡ ban đầu, Dự án Tăng cường sự tham gia và tiếng nói của phụ nữ DTTS đã thu được những kết quả bước đầu và tiếp tục được đẩy mạnh. Tăng cường sự tham gia và tiếng nói của phụ nữ các dân tộcđược thực hiện tại hai xã Phúc Lộc và Bành Trạch, huyện Ba Bể (Bắc Cạn). Dự án này được Liên minh EU tài trợ, các tổ chức CARE Việt Nam và Viện nghiên cứu Xã hội Kinh tế Môi trường (iSEE) phối hợp thực hiện từ tháng 7-2015 và sẽ kéo dài đến tháng 6-2018. Qua việc áp dụng phương pháp Đồng nghiên cứu- có sự tham gia của những thành viên cộng đồng (đóng vai trò chủ thể thực hành, người phát hiện vấn đề) cùng với các nhà khoa học (làm các công tác tập huấn, hướng dẫn, tổ chức và hỗ trợ) - những phụ nữ DTTS tham gia Dự án được tập huấn, rèn luyện kỹ năng nhận thức và trình bày những vấn đề cần giải quyết tại chính cộng đồng mình đang sống. Bằng cái nhìn chân thực từ cuộc sống hằng ngày tại thôn bản của mình, họ sẽ tự nêu những khó khăn đang gặp phải, những điều mong muốn, những “phương án” giải quyết của mình tới các cấp quản lý. Khi công cụ giao tiếp là tiếng phổ thông nhiều người còn chưa thạo thì chiếc máy ảnh lại là công cụ đắc lực. Chị em được các cán bộ Dự án trao máy ảnh, hướng dẫn phương pháp photovoice - cách chụp và kể những câu chuyện đi cùng với những bức ảnh của mình. Sau khi đã tập hợp được những bức ảnh do các thành viên nhóm nghiên cứu tự chụp, những kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin, chia sẻ, học hỏi và kết nối sẽ được vận dụng. Sau đó là việc tổ chức những cuộc họp, trình bày, tham vấn và có thể đưa ra những phương án giải quyết ngay các vấn đề tại cộng đồng dựa trên kết quả nghiên cứu. Ở cấp cao hơn là các hội thảo, hội nghị chia sẻ kết quả nghiên cứu với các nhà quản lý, các cơ quan ban hành chính sách và phát triển phương pháp này ở các địa phương khác. Mới chỉ sau sáu tháng “nhập cuộc”, chị em phụ nữ các dân tộc ở xã Phúc Lộc đã có thể chia sẻ những kết quả Đồng nghiên cứu đầu tiên của mình. Từ những bước đầu bỡ ngỡ, thậm chí nhiều chị còn rụt rè cho rằng nghiên cứu là việc của các cán bộ, những nghiên cứu từ cộng đồng đã phát hiện và nêu được những vấn đề của chính họ: Môi trường bị ô nhiễm do người dân chưa có ý thức giữ gìn, vứt rác, xác động vật khắp nơi; những ưu điểm của giống lợn đen đang được bà con nuôi ít dịch bệnh, thịt ngon nhưng chậm tăng cân; chuyện bọn trẻ hiện nay không biết đọc tiếng Tày, không biết hát lượn, không biết dệt vải và làm sao để lưu giữ được những bản sắc này ?... Những ý kiến của những người dân bình thường tham gia nghiên cứu mang lại hình ảnh chân thực nhất về cuộc sống đang diễn ra tận ngọn nguồn của nó. Họ là những người hiểu rõ nhất những vấn đề của cộng đồng mình và có thể nêu những cách giải quyết tốt nhất những vấn đề đó. Họ cũng trở thành hạt nhân thu hút những thành viên khác của cộng đồng cùng tham gia vào việc phát triển thôn bản của mình. Chị Sằm Thị Xinh, dân tộc Mông ở xã Phúc Lộc, kể rất hồn nhiên: “Em lúc nào cũng mang máy ảnh đi theo, lúc lấy rau cho lợn, cho bò cũng mang theo, thấy cái gì hay hay thì chụp. Có người ngại chụp nhưng cũng có người thích được chụp, muốn em cho xem lại ảnh sau khi chụp. Nhóm em quan tâm đến vấn đề giáo dục vì trong cộng đồng ai cũng bỏ học sớm. Em muốn tìm hiểu vì sao các em bỏ học và làm thế nào để các em đến trường nhiều hơn”. Phương pháp nghiên cứu cùng cộng đồng mang lại hiệu quả “kép” - vừa thu thập được thông tin chân thực ở mức tối đa vừa xây dựng năng lực cho cộng đồng khá hiệu quả. Những “nghiên cứu viên” bản địa không phụ thuộc vào các cán bộ khoa học mà tự quyết định nghiên cứu về những chủ đề mà họ cho là quan trọng. Họ cũng đã đủ tự tin để trình bày những kết quả nghiên cứu của mình tại các diễn đàn, với những nhà quản lý, thậm chí cả với những người hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô. Chị Hạng Thị Sa, một phụ nữ dân tộc Mông tham gia một Dự án Đồng nghiên cứu năm 2015 ở xã Tả Phìn, thị trấn Sa Pa (Lào Cai), cho biết: “Trước đây lên gặp chính quyền tôi thấy khó như cái nhà hai tầng không thể vượt qua. Bây giờ, những khó khăn chỉ còn như cái hàng rào, chúng tôi có thể vượt qua được”. Việc quan tâm, tôn trọng những ý kiến của cộng đồng làm cho ý nghĩa của ý tưởng nâng cao năng lực và tiếng nói của những người trong cuộc - đặc biệt là với những nhóm xã hội yếu thế - trở nên mạnh mẽ và thiết thực hơn Theo báo Nhân dân