Khi đồ ăn nhanh... “khó nuốt”

00:00 12/10/2020

Sau 8 năm “ồ ạt” ra nhập thị trường Việt Nam, các đại gia thức ăn nhanh dường như đang bước vào giai đoạn chững lại sau khoảng thời gian “làm mưa làm gió”

Theo ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập Pizza Home, thị trường thức ăn nhanh sau thời gian bùng nổ đã có sự sàng lọc nhất định. Không ít thương hiệu nước ngoài được mua và triển khai tại thị trường Hà Nội nhưng sau đó phải đóng cửa.

 Pizza Home đã phải đóng cửa cả 5 cửa hàng tại TP HCM. Còn tại Hà Nội, Pizza Home đã sắp xếp lại chuỗi, chỉ giữ lại 5 cửa hàng hiệu quả nhất. (Ảnh: Pizza Home 28 Đại Cổ Việt, Hà Nội)

“Bản thân Pizza Home đã phải đóng cửa cả 5 cửa hàng của mình tại TP HCM. Còn tại Hà Nội, chúng tôi đã sắp xếp lại chuỗi, chỉ giữ lại 5 cửa hàng hiệu quả nhất. Kinh doanh phải có lãi chứ không cần quá tập trung vào quy mô", ông Tùng cho biết.

Không chỉ riêng Pizza Home, thị trường cũng chứng kiến sự đóng cửa nhiều cửa hàng trong chuỗi Burger King của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP).

Hàng loạt chuỗi thức ăn nhanh khác như Lotteria, Jollibee, Pizza Hut, The Pizza Company, Dominos Pizza, Popeyes… cũng rơi vào điệp khúc lỗ triền miên từ khi gia nhập thị trường Việt Nam. Trong đó, Lotteria có mức lỗ lũy kế đến năm 2017 là 433 tỉ đồng, xếp ngay sau là Jollibee lỗ 400 tỉ đồng, gần bằng vốn điều lệ công ty. Đến cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Pizza Hut cũng đã hơn 334 tỉ đồng.

Nguyên nhân của tình trạng này, các doanh nghiệp cho biết, chi phí bán hàng quá cao, chi phí nguyên liệu, thuê cửa hàng và chi phí nhân viên trong lĩnh vực này cũng lớn hơn những mô hình kinh doanh ẩm thực khác.

Ông Nguyễn Hồng Lam - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Jollibee Việt Nam cho biết: "Sự phát triển mạnh mẽ của các chuỗi bán lẻ khác dẫn đến tình trạng khan hiếm mặt bằng tại Việt Nam và chi phí cho mặt bằng lên rất cao".

Có cùng quan điểm, Chủ tịch IPP nhận định, mặt bằng quyết định thành bại của cửa hàng đồ ăn nhanh nhưng giá thuê mặt bằng tại các đô thị lớn của Việt Nam đang cao ngất ngưởng, ăn hết lợi nhuận. “Mặt bằng ở khu vực trung tâm quận 1 chiếm đến 60% tổng chi phí, càng mở nhiều càng lỗ nặng. Vì vậy, không riêng chúng tôi mà nhiều doanh nghiệp đang tạm ngưng mở rộng chuỗi, sắp xếp lại theo tiêu chí hiệu quả và bảo đảm số lượng cửa hàng theo đúng hợp đồng với đối tác nhượng quyền", ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Thực tế, không riêng tại Việt Nam, thực trạng “xuống dốc” của ngành thức ăn nhanh đã bắt đầu từ 6 năm trở lại đây, tốc độ phát triển của ngành này trên thế giới có phần chững lại, phần lớn là do tốc độ phát triển thấp tại một số thị trường lớn như Ấn Độ, Nhật Bản và cả ở thị trường châu Mỹ la tinh. Trong khi đó, hai ngành mới nổi là mô hình ẩm thực đường phố dạng kiosk di động và mô hình giao hàng tận nơi lại tăng tốc. 

Thy Hằng