Khi chính trị gia “làm kinh tế”

00:00 12/10/2020

Thế giới vận động không ngừng, song có lẽ bức tranh kinh tế thế giới sẽ không trở nên đặc biệt như ngày hôm nay nếu thiếu đi các “mảng màu” đắt giá: Kinh tế Nhật Bản được dẫn dắt bởi “thuyền trưởng” Shinzo Abe, kinh tế Canada thuộc sự hướng dẫn của vị tướng trẻ Justin Trudeau, nền kinh tế Mỹ được cho là sẽ “thay máu” dưới thời tổng thống tỷ phú; trong khi kinh tế CHDCND Triều Tiên vẫn vậy, luôn là một ẩn số với cách vận hành riêng, kín đáo… Mỗi nền kinh tế có tính chất và mục tiêu phát triển riêng, song luôn mang đậm dấu ấn của người đứng đầu. Nền kinh tế dẫn đầu thế giới Mỹ hiện đang được kỳ vọng sẽ đổi mới dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Donald Trump. Dự báo này có cơ sở, bởi ông Trump là một trong số ít những nguyên thủ có bề dày kinh nghiệm thương trường. Tốt nghiệp cử nhân Khoa học Kinh tế vào năm 1968, ông Trump gia nhập công ty của cha “Elizabeth Trump & Son”, kinh doanh chủ yếu mảng nhà thuế dành cho giới trung lưu. Sau khi tiếp quản hẳn cơ ngơi trên, ông bắt đầu xây dựng nhiều khách sạn, sân golf và các công trình khác... Theo ước tính của tạp chí Forbes, giá trị khối tài sản Tổng thống Trump sở hữu tính đến tháng 9/2017 đạt 3,1 tỷ USD, trong đó gồm 1,6 tỷ USD bất động sản tại thành phố New York, 200 triệu USD mảng kinh doanh thương hiệu, 290 triệu USD tiền mặt và tài sản cá nhân, 570 triệu USD tài sản trong mảng câu lạc bộ golf và khu nghỉ dưỡng… Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã chính thức trở thành vị tổng thống giàu có nhất trong lịch sử nước Mỹ, “soán ngôi” của George Washington, Tổng thống đầu tiên của nước này. Với tư chất của một doanh nhân, góc nhìn của một doanh nhân, các khẩu hiệu ông đưa ra đánh trúng tâm lý của người Mỹ, hứa hẹn giải quyết được các vấn đề mấu chốt của nền kinh tế vốn đã phát triển ở bậc nhất trong nhiều năm.

Tổng thống Donald Trump

Nhắc tới người lưu lại dấu ấn trong nền kinh tế các nước, không thể bỏ qua nhà lãnh đạo Nhật Bản Shinzo Abe. Nhật Bản từ trước tới nay luôn được đánh giá là nền kinh tế vững mạnh của thế giới, song sẽ không giữ được thể trạng này nếu không có những động thái mạnh mẽ từ “thuyền trưởng” Abe. Ngay sau khi lên nắm quyền, vào tháng 12/2012, Thủ tướng Abe đã đưa nước Nhật vào một khuôn khổ mới. Mục tiêu của chính sách mới nhằm đưa kinh tế Nhật thoát khỏi tình trạng giảm phát – vốn bắt đầu từ sau giai đoạn bùng nổ kinh tế những năm 1980. Tất cả nhiệt huyết của ông được dồn góp vào chính sách kinh tế “Abenomics”, là sự kết hợp giữa tên của ông “Abe” và “economics”, kể từ khi được đưa ra đã dần mang “ánh sáng” đến cho nền kinh tế Nhật Bản: Đồng yên đã bước đầu tăng so với đồng USD, chấm dứt chuỗi ngày dài tỷ giá (đối với đồng USD) ở mức thấp; hàng hoá Nhật Bản ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu và bắt đầu khôi phục niềm tin từ các nhà đầu tư vào đất nước; thị trường bất động sản Nhật Bản vốn đang ảm đạm đã hồi sinh… Những thuận lợi khác từ chính sách Abenomics còn là đầu tư hạ tầng phát huy hiệu quả, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng xã hội, lạm phát dần hạ thấp.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe Câu chuyện dài nhất có lẽ dành để nói về Lý Quang Diệu – cố Thủ tướng Singapore. Lãnh đạo đất nước trong hơn 31 năm, ông chính là người có công đưa Singapore từ một quốc gia tầm tầm thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, xoá đi tất cả các rào cản về diện tích hay tài nguyên thiên nhiên. Sau ngày nhậm chức Thủ tướng, Lý Quang Diệu đã ngay lập tức đưa ra kế hoạch dài hạn, cùng một lúc kêu gọi công nghiệp hoá, cải cách giáo dục, tăng quyền cho nữ giới, hiện đại hoá đô thị… Căn cứ vào thực lực của nền kinh tế lúc bấy giờ, Lý Quang Diệu nhanh chóng triển khai kế hoạch đưa Singapore thành một nước xuất khẩu các sản phẩm hoàn thiện, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tập trung hướng tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ông Lý Quang Diệu – cố Thủ tướng Singapore

Các biện pháp tổng lực khi đó đã mang tới cho đất nước sự thịnh vượng chưa từng có, nâng thu nhập bình quân đầu người của Singapore trong những năm 1980 lên mức cao thứ hai Đông Nam Á, đồng thời biến đảo quốc thành trung tâm tài chính của khu vực. Lý Quang Diệu – một trong những “người khổng lồ” của châu Á, với cá tính mạnh mẽ đã nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Singapore lên mức 55.000 USD, cao hơn 100 lần từ năm 1960, đưa đảo quốc trở thành một trong các trung tâm lọc dầu xuất khẩu hàng đầu thế giới, cảng trung chuyển trên biển lớn nhất thế giới. Singapore được xếp hạng đầu về hiệu quả của nền kinh tế. Singapore trỗi dậy và trở thành một trung tâm tài chính là nhờ sự quan sát tinh tế của Lý Quang Diệu, thực sự đã tạo ra được phép màu mà bất kỳ nước nào cũng muốn có. Kim Dung