Khảo sát đánh giá lại toàn bộ khối trường đại học ngoài công lập

00:00 12/10/2020

Bộ GD&ĐT đang thành lập tổ công tác để khảo sát, đánh giá lại hội đồng của các trường đại học ngoài công lập trong 9 vấn đề.Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã cho biết như vậy tại hội thảo các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển hệ thống trường ĐH,CĐ ngoài công lập ngày 22/12 tại Hà Nội.

Dùng dằng chuyển đổi sang tư thục Tại hội thảo, đại diện các trường đại học ngoài công lập tiếp tục đưa ra quan điểm tranh luận về trường lợi nhuận và phi lợi nhuận mà đã bàn ở nhiều hội thảo trước đó. GS Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho rằng, sự thành công của một trường đại học không phụ thuộc vào những người có nhiều vốn góp, mà phụ thuộc vào những người có tâm và có tài. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn nguyên tắc “mỗi cổ đông/một phiếu biểu quyết”, không phân biệt vốn góp nhiều hay ít. Nguyên tắc này cho phép bầu vào cơ quan lãnh đạo của Trường những người có tâm và có tài. Sự phát triển ổn định của Trường nhờ đó mà được bảo đảm.

tran-phuong

GS Trần Phương

GS Trần Phương khuyến nghị: "Nên khuyến khích mô hình tư thục phi lợi nhuận". Theo thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, hiện nay 9 trường đại học dân lập chưa chuyển sang được loại hình tư thục, mặc dù thời gian chuyển ra đã quá hạn 10 năm. Đến nay Bộ đã ban hành thông tư 20, rồi sửa đổi thành thông tư 45 dù đã nhận được phản hồi tốt từ các trường là làm được nhưng cũng chỉ có 5 trường chuyển được, còn kẹt lại 9 trường, Bộ đã ra giới hạn cuối cùng là tháng 12/2016 các trường phải thực hiện. Theo Luật giáo dục đào tạo hiện nay, chỉ có các trường công lập và trường tư thục, không có loại hình trường dân lập, vì vậy những trường dân lập không có một hệ thống văn bản, pháp luật nào điều tiết cả. Vì vậy tất cả những trường dân lập còn lại phải chuyển sang tư thục để hoạt động hợp và có hành lang pháp lý rõ ràng để vận hành. GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết, hiện trường đang nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình trường tư thục theo yêu cầu của Chính phủ; phấn đấu hoàn thành chuyển đổi trước 30/12/2016, nhằm tạo sự ổn định giúp Nhà trường phát triển. Tuy nhiên, GS Nghị, kiến nghị, để tạo bình đẳng giữa sinh viên các trường ngoài công lập và công lập kiến nghị nhà nước chỉ rót kinh phí cho các trường hoặc các ngành trọng điểm mà nhà nước có đặt hàng đào tạo theo một số lượng nhất định với các yêu cầu cụ thể; kiên quyết chấm dứt tình trạng: trường trọng điểm và được cấp kinh phí đào tạo nhưng yêu cầu tuyển sinh đầu vào thấp hơn cả đầu vào cùng ngành của trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, phải cho các trường ngoài công lập được vay vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp để các trường có nguồn lực đầu tư cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo bình đẳng trong giáo dục. Có cơ chế chính sách rõ ràng, khuyến khích mạnh mẽ các trường ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận; đảm bảo các trường như vậy được hưởng ưu tiên ưu đãi như các trường công lập. Đặc biệt, GS Nghị, đề nghị, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cá nhân lãnh đạo cơ quan quản lý các cấp của Nhà nước nếu phân biệt đối xử với sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập, vi phạm điều 65 Luật Giáo dục. Lê Trường Tùng, trường ĐH FPT cho hay, nếu như vẫn có ý định phát triển trường đại học tư, thì theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, giải pháp quan trọng nhất là thu hẹp hệ thống trường công, có thể thực hiện theo cách giảm chỉ tiêu các trường công mỗi năm 5% trong 7 năm để tạo thị trường (và qua đó là chất lượng) cho các trường tư. Theo đó, cũng cần gỡ bỏ các quy định tài sản chung bất hợp lý và quy định trích quỹ tối thiểu 25%. Và theo kinh nghiệm của ĐH FPT, để tránh xung đột nội bộ, các trường tư nên quản lý theo mô hình một thành viên, tức là có một công ty hoặc một quỹ quản lý toàn bộ vốn của trường. Trong bản phát biểu gửi tới hội thảo, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho biết, để tạo lập và nuôi dưỡng loại hình ĐH tư thục không vì lợi nhuận ở nước ta thì nhà nước sớm có chính sách ưu đãi khuyến khích các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Theo đó, bà Bình kiến nghị, việc thành lập các trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận không bị hạn chế về số lượng theo quy hoạch mạng lưới hiện hành, cũng không bị đòi hỏi vốn điều lệ và đất đai ở mức cao như đối với các trường vì lợi nhuận; mặt khác các trường này nên được Nhà nước ưu tiên cho mượn đất dài hạn; sinh viên được hưởng quyền bình đẳng với sinh viên của các trường công lập về các chế độ học bổng và vay tiền dài hạn... Đồng thời phải xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tài trợ cho các trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận, chẳng hạn miễn thuế cho phần kinh phí tài trợ và vinh danh các nhà tài trợ. Tạo cơ chế thuận lợi để các trường ĐH dân lập hoặc tư thục vì lợi nhuận được chuyển đổi qua loại hình trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận nếu nhận được sự đồng thuận của quá bán số thành viên chủ chốt của trường. Luôn đối xử công bằng với các trường ngoài công lập Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ luôn nhất quán đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tức là tăng cường các trường ĐH ngoài công lập. Bộ vẫn chủ trương trong bối cảnh hiện nay không cho thành lập các trường đại học công lập nữa nhưng những trường đại học tư thục có đầu tư lớn, chất lượng cao và không vì lợi nhuận vẫn được trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Đó là một chủ trương Bộ rất khuyến khích những nhà đầu tư chất lượng, không vì lợi nhuận.

le-truong-tung

Ông Lê Trường Tùng - trường ĐH FPT

Thứ trưởng Ga cho rằng, Bộ luôn xem các trường đại học công lập và ngoài công lập bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt đối xử nào trong tất cả các cơ chế, chính sách. Trong đào tạo cán bộ giảng dạy, đề án 911, Bộ vẫn dành xuất đào tạo giáo viên cho các trường ĐH ngoài công lập như các trường ĐH công lập. Tuy nhiên, tâm lý xã hội vẫn có sự phân biệt đối xử với trường ngoài công lập, ví dụ một số ngành do các trường ngoài công lập đào tạo thì dư luận phản ứng nói những ngành đó dân lập không đào tạo được. Dư luận không hề biết trường ngoài công lập đầu tư rất tốt, tốt hơn nhiều so với các trường công lập, vậy không có lý gì họ không thể mở chuyên ngành đào tạo theo đúng quy định. "Dư luận cũng nên đối xử công bằng với các trường ngoài công lập để họ có thể phát triển trong hệ thống giáo dục nói chung" - Thứ trưởng Ga bày tỏ. Thứ trưởng Ga cho biết, để hoàn thiện hệ thống văn bản sắp tới, Bộ GD&ĐT hiện nay đang thành lập tổ công tác, tổ công tác này sẽ khảo sát, đánh giá lại hội đồng của các trường ngoài công lập trong 9 vấn đề là: Cơ chế chính sách: phù hợp/bất cập/đề xuất thay đổi; Đội ngũ GV; Đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên; Cơ cấu tổ chức và chinh sách phát triển trường; Đất đai, khả năng tài chính; Đầu tư cơ sở vật chất: giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm...; Tình hình tuyển sinh; Quy mô đào tạo, tốt nghiệp; Nghiên cứu khoa học; Hợp tác quốc tế. Trên cơ sở đánh giá như vậy, tổ công tác sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ về những điều chỉnh cần thiết để xây dựng lại hệ thống các quy định liên quan đến các trường ĐH ngoài công lập về phát triển lâu dài. " Bộ GD&ĐT sẽ đề nghị các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương tiếp tục hỗ trợ các chính sách cần thiết để các trường ĐH ngoài công lập phát triển, ví dụ như chính sách đất đai, thuế,… tạo điều kiện cho các trường ĐH ngoài công lập tiếp cận với các khoản vay ưu đãi để có thể phát triển. Đề nghị Bộ tài chính hỗ trợ tài chính cho các trường thông qua việc hỗ trợ cho sinh viên trường công lập hay ngoài công lập đều được hỗ trợ như nhau, có như vậy, sự công bằng mới được thực hiện bền vững hơn" - Thứ trưởng Ga cho hay. Về phía các trường, Thứ trưởng Ga đề nghị các trường thực hiện đầy đủ cam kết đầu tư phát triển nhà trường trong dự án thành lập trường, bởi việc này thể hiện việc đảm bảo chất lượng. Các trường phải xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, tạo thương hiệu để tuyển sinh cho tốt. Bộ luôn tạo điều kiện cần thiết để các trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh. Tất cả các đề xuất của Hiệp hội, Bộ đều xem xét, cân nhắc và tiếp thu.

thay-ga

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

"Các trường phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về các trường ĐH ngoài công lập, đặc biệt là việc chuyển đổi từ dân lập sang tư thục để hoạt động trong hành lang pháp lý. Chúng ta phải xây dựng hệ thống quản trị đại học đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến hoạt động lâu dài của nhà trường" - Thứ trưởng Ga nhấn mạnh. Được biết, sau khi có kết quả khảo sát, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị các trường đại học ngoài công lập vào khoảng tháng 3/2017 để đánh giá đúng thực trạng, thảo luận về định hướng phát triển và cơ chế chính sách... để xác định các giải pháp tổng thể, thực sự cần thiết để phát triển hệ thống trường NCL trong thời gian tới. Hồng Hạnh/dantri.com.vn