Khánh thành trung tâm công nghệ giày Việt-Ý

00:00 12/10/2020

Chiều tối ngày 12-7, Thương vụ Ý, Hiệp hội Quốc gia các nhà sản xuất thiết bị và công nghệ cho ngành da giày Ý (ASSOMAC), Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) đã khai trương Trung tâm công nghệ giày Việt – Ý tại tỉnh Bình Dương.

Khách mời tham quan trung tâm công nghệ giày Việt – Ý tại buổi khai trương - Ảnh: Hùng Lê.

Ngành da giày luôn là lĩnh vực được các doanh nghiệp Ý quan tâm đầu tư tại thị trường Việt Nam. Với kinh nghiệm của một quốc gia phát triển trong ngành da giày, Ý sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm qua việc hợp tác và cho ra đời Trung tâm công nghệ giày Việt – Ý nhằm chuyển giao công nghệ, tư vấn và hỗ trợ đào tạo giảng viên nguồn cho ngành công nghiệp sản xuất da giày Việt Nam.

Cụ thể, sau khi đi vào hoạt động tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển da giày Việt Nam, Trung tâm công nghệ giày Việt – Ý sẽ phối hợp với Trường Cao đẳng Công thương TPHCM tổ chức các chương trình đào tạo, phổ biến những xu hướng thiết kế và sản xuất hàng đầu trên thế giới cho đội ngũ quản lý sản xuất, thiết kế và phát triển sản phẩm của doanh nghiệp da giày Việt Nam. Trung tâm được trang bị máy móc thiết bị hiện đại – công nghệ mới nhất được nhập khẩu trực tiếp từ Ý và châu Âu giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ngành da giày Việt Nam có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch LEFASO, ngành da giày Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng cường quan hệ thương mại với Ý nói riêng và thị trường Liên minh châu Âu (EU) nói chung. “Ý là trung tâm thời trang của thế giới, việc mở rộng quan hệ thương mại Việt Nam – Ý trong lĩnh vực da giày là rất cần thiết và trao đổi thương mại trong thời gian qua đã có bước phát triển khá tốt”, ông Kiệt nói.

Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm da giày sang Ý đạt kim ngạch hơn 380 triệu đô la Mỹ, chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU. Với sự tài trợ, hợp tác của Thương vụ Ý, ASSOMAC và các đối tác, LEFASO thành lập Trung tâm công nghệ giày Việt – Ý nhằm góp phần thúc đẩy sự nghiên cứu và phát triển sản phẩm da giày Việt Nam; đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật cao, ứng dụng máy móc hiện đại – công nghệ tiên tiến hàng đầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực thiết kế, sản xuất giày dép của Việt Nam có sức cạnh tranh mang tầm quốc tế.

Ý tưởng thành lập Trung tâm công nghệ giày Việt – Ý được hình thành từ hai năm trước trong buổi họp song phương Ủy ban Liên chính phủ giữa Ý và Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. Trung tâm ra đời nhờ sự hợp tác giữa Hiệp hội ASSOMAC với Hiệp hội LEFASO, Trường Cao đẳng Công thương TPHCM (HITC), Thương vụ Ý và PISIE – một tổ chức phi chính phủ ở Ý chuyên phụ trách kỹ thuật và các hoạt động đào tạo trong ngành dệt may, da và giày cũng như các sản phẩm liên quan.

Hùng Lê