Khai thác đá ở các tỉnh Bắc Trung Bộ: Nhức nhối!

00:00 12/10/2020

Nhiều vụ tai nạn chết người đã xảy ra trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… do khai thác sai thiết kế, không đúng quy trình, khai thác hàm ếch, đá treo. Tuy vậy, những bài học nhãn tiền đó không được các doanh nghiệp rút ra mà vẫn cố tình vi phạm. Hiểm họa luôn rình rập người lao động tại các mỏ đá, khiến cho các cơ quan chức năng đau đầu…

Chênh vênh trên vách đá, không dây an toàn, không bảo hộ lao động… là những cảnh tượng được Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường ghi nhận tại hầu hết các mỏ khai thác đá ở Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Tân Kỳ, Quỳ Hợp (Nghệ An), Yên Định, Vĩnh Lộc, Đông Sơn, Như Thanh, Như Xuân (Thanh Hóa)… trong thời gian qua.
Hiện trường vụ tai nạn mỏ đá chiều ngày 16/10 khiến 3 người chết ở Quỳ Hợp
Hiện trường vụ tai nạn mỏ đá ở Quỳ Hợp chiều ngày 16/10, khiến 3 người tử vong.
Có mặt tại mỏ đá của DNTN Phước Thủy (xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên) vào những ngày cuối tháng 10, chúng tôi ghi nhận phía dưới chân mỏ, nhiều xe và công nhân đang tấp nập làm việc. Phía đỉnh mỏ là những công nhân đang treo mình bên sườn núi, để khoan đá nổ mìn, khiến cho những ai chứng kiến đều được một phen bủn rủn chân tay. Theo ghi nhận, mỏ đá này khai thác theo hướng thẳng đứng, bạt đá từ phía dưới lên. Vì thế, những vỉa đá hàm ếch, đá treo lởm chởm sẵn sàng đổ xuống bất cứ lúc nào như những cái bẫy tử thần thử thách “lòng dũng cảm” của những phu đá. Cách đó khoảng vài trăm mét, mỏ đá của Công ty CP khoáng sản Godlen City cũng khai thác theo phương thức tương tự.
Hầu hết các mỏ đá trên địa bàn Nghệ An đều khai thác không đúng thiết kế
Hầu hết các mỏ đá trên địa bàn Nghệ An, đều khai thác không đúng thiết kế
Người dân xóm Xô Nổ, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên phản ánh, thời gian qua, hoạt động nổ mìn khai thác đá Công ty CP Khoáng sản Golden City  tại mỏ đá Golden City không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn, gây chấn động mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Đồng thời, khai thác sai thiết kế nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Có mặt tại khu vực này, chúng tôi ghi nhận những phản ánh của người dân là có cơ sở. Không khí nơi đây, thật sự ngột ngạt; những chiếc xe tải nườm nượp chở những khối đá ra đường lớn; tiếng máy xay đá vẫn vang lên đều đặn. Phía trên đỉnh mỏ, những công nhân hì hục khoan lỗ nổ mìn phá đá. Nằm khuất sâu trong khu dân cư, cách trung tâm huyện Quỳnh Lưu khoảng 15km về hướng Tây Bắc, mỏ đá tại Thung Buồng thuộc địa phận xóm 6, xã Quỳnh Tân của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Bình An được khai thác theo “quy trình” ngược. Theo thiết kế được các cơ quan chức năng phê duyệt, phải khai thác theo hướng bóc dần từ đỉnh mỏ xuống, nhưng tại đây,khai thác theo kiểu “hàm ếch”. Phía trên là những tảng đá khổng lồ nằm chênh vênh, phía dưới, những tốp công nhân, thợ khoan vẫn vô tư làm việc còn 'tử thần' đang treo lơ lửng trên đầu.
Hiểm hoạ rình rập tại các mỏ đá
Hiểm họa rình rập tại các mỏ đá
Tương tự, mỏ đá của Công ty CP Xây lắp và Sản xuất vật liệu 99 khai thác tại lèn Mười Hai Thung, thuộc xã Trù Sơn (Đô Lương) cũng bất chấp quy trình khai thác theo thiết kế đã được phê duyệt ban đầu. Mặc dù, được cấp phép khai thác 10 năm (2013 – 2023) với diện tích 20 ha nhưng vẫn chọn hướng khai thác theo kiểu “ăn xổi”, không đầu tư cho an toàn lao động. Tại địa bàn huyện Đô Lương, hiện nay, còn có 2 đơn vị khai thác đá xây dựng theo kiểu quy trình ngược, không thực hiện nghiêm túc so với phê duyệt thiết kế ban đầu được phê duyệt. Các đơn vị như: Công ty CP Phả Ngọc khai thác tại mỏ đá Trù Sơn ngay sát QL 15A, Công ty TNHH Nguyễn Bá Lương khai thác tại mỏ đá Lèn Khùa, xã Giang Sơn Tây.
Mỏ đá của Công ty Tân Sơn ( Vĩnh Lộc) sau khi đưa về trạng thái an toàn đã sản xuất trở lại
Mỏ đá của Công ty Tân Sơn (Vĩnh Lộc) sau khi đưa về trạng thái an toàn đã sản xuất trở lại
Theo ghi nhận, các mỏ khai thác đúng quy trình trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ông Ba Ten (chuyên gia Ấn Độ), làm việc tại Công ty khoáng sản Á Châu cho biết: “Hiện nay, ở Nghệ An, việc khai thác đá đúng quy trình, theo thiết kế được phê duyệt rất ít vì tâm lý sợ tốn kém cũng như không có kỹ thuật. Công ty chúng tôi từ khi mới đầu tư đã tiến hành khai thác theo đúng quy trình đã được phê duyệt. Biết là sẽ tốn kém nhưng sẽ có rất nhiều lợi ích về lâu về dài”. Được biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động dẫn đến chết người ở các mỏ đá. Mới đây, khoảng 17 giờ ngày 16/10, trong lúc nhiều người đang làm việc tại khu vực mỏ khai thác đá của Công ty CP Khoáng sản Cường Hải ( xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp), bất ngờ một khối đá lớn từ trên cao đổ sập xuống. Ba người đã tử vong tại chỗ, 1 người thương nặng.
Mỏ đá của Công ty Tân Sơn ( Vĩnh Lộc) sau khi đưa về trạng thái an toàn đã sản xuất trở lại
Mỏ đá của Công ty Tân Sơn (Vĩnh Lộc) sau khi đưa về trạng thái an toàn đã sản xuất trở lại
Ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Nghệ An cho biết: “Dù Sở cũng như các địa phương luôn quan tâm kiểm tra, nhắc nhở các chủ mỏ đá về vấn đề khai thác đúng quy trình cũng như đảm bảo an toàn lao động. Thế nhưng, thời gian qua, tai nạn vẫn xảy ra khiến cho nhiều nạn nhân tử vong. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra an toàn lao động ở tất cả các mỏ đá trên địa bàn tỉnh”. Cũng vì khai thác theo quy trình “ngược” hàm ếch, nên đầu năm 2016, thảm họa đã xẩy ra với Công ty Tuấn Hùng, 8 công nhân đã bị hàng trăm tấn đất đá đổ sập chôn vùi. Trước thực trạng đau lòng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các Sở TN&MT, Xây dựng, LĐ, TB&XH, Công Thương rà soát lại hàng trăm mỏ đá đang khai thác trên địa bàn. Ngày 16/8/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 9064/UBND-CN đồng ý với Sở TN&MT về việc dừng toàn bộ hoạt động khai thác đá với 17 mỏ do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác đá, như: chưa lập thiết kế khai thác mỏ; khai thác không đúng theo thiết kế được duyệt; khai thác hàm ếch, nhiều đá om, đá treo; Không có giám đốc điều hành mỏ; chưa thực hiện các nội dung về an toàn, vệ sinh lao động… Đối với 62 mỏ đá khác, yêu cầu các chủ mỏ hoàn thành các thủ tục có liên quan để đưa về trạng thái an toàn trong thời hạn 90 ngày Trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Hoành, Trưởng Phòng Khoáng sản - Sở TN&MT Thanh Hóa khẳng định: Việc Sở TN&MT đi kiểm tra và tham mưu cho UBND tỉnh tạm đình chỉ một số mỏ để đưa về trạng thái an toàn là cần thiết, qua kiểm tra, nhiều mỏ khai thác sai thiết kế, hàm ếch, đá treo. Sau khi các mỏ thực hiện xong, đưa mỏ về trạng thái an toàn, Sở đi kiểm tra thấy đáp ứng yêu cầu, đề nghị tỉnh cấp lại Giấy phép. Việc các mỏ phản ánh vì chiều dài mỏ quá ngắn khi đưa công nghệ cắt dây vào khai thác gây khó khăn, Sở khẳng định việc xin cấp quyền là do doanh nghiệp tự quyết định, còn một số mỏ do đã cấp quyền cho các doanh nghiệp khác trước, mỏ xin sau, sẽ ít hơn. Chúng tôi thấy việc bất cập nhất khi các mỏ bị tạm dừng khai thác để đưa về trạng thái an toàn, đồng nghĩa với việc dừng Giấy phép vật liệu nổ. Sở cũng nhiều lần đề nghị Sở Công Thương và UBND tỉnh xem xét lại, vì nếu dừng Giấy phép vật liệu nổ, các mỏ lấy thuốc nổ đâu để nổ mìn, tháo gỡ hàm ếch, đá treo để đưa về trạng thái an toàn? Trước thực trạng trên, đề nghị các cơ quan chức năng cần rà soát và có biện pháp cứng rắn đối với các mỏ đá mất an toàn, coi thường tính mạng của người lao động, tránh những thảm họa đáng tiếc xảy ra. (Theo baotainguyenmoitruong.vn)