Khách mất vài nghìn đồng, doanh nghiệp mất cả thương hiệu

00:00 12/10/2020

Chúng tôi - người tiêu dùng, một tháng mất cho nhà mạng vài nghìn đến vài chục nghìn đồng vì những dịch vụ “ngầm”, những chiêu trò “móc túi”, các anh – doanh nghiệp bị phạt vài trăm triệu đồng để thu về tiền tỷ. Nhưng có lẽ không phải vậy, chúng tôi mất niềm tin, còn các anh đã mất thương hiệu, các anh vẫn tồn tại chỉ vì chúng tôi đang phải tự bảo vệ mình mà thôi!

lua-dao-hach-hang

Hình ảnh minh họa

Ngày 19/11, tại bài báo “5 nhà mạng bị xử phạt hơn 1 tỷ đồng”, nhà báo Hà Nguyễn dẫn nguồn thông tin riêng cho biết, Mobifone, Viettel, Gtel, Vietnamobile và VinaPhone đã bị Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra và xử phạt với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng vì vi phạm quy định về giá cước và khuyến mại. Những hành vi vi phạm được kết luận là: Không thông báo hoặc không đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại, không đăng ký giá cước, khuyến mại vượt mức quy định, bán giá cước dịch vụ thấp hơn giá thành. Như vậy, nói đến tuân thủ quy định về giá cước và khuyến mại, nhà mạng nào đang hoạt động tại Việt Nam cũng đều vi phạm, từ những nhà mạng lớn, tên tuổi đến những nhà mạng nhỏ, phải chật vật tìm đủ chiêu trò thu hút khách hàng, giành giật từng phần nghìn thị phần. Đáng nói là, việc vi phạm vẫn xảy ra tại một số nhà mạng sau thời điểm 28/10 khi 5 nhà mạng đã cam kết triển khai một số biện pháp để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý thuê bao di động trả trước. Trung bình, mỗi nhà mạng chịu phạt 200 triệu đồng, so với hàng tỷ đồng mà các nhà mạng có thể thu được từ mảng kinh doanh dịch vụ gia tăng hàng năm thì khoản nói trên bị chê là “ít”, không thấm là bao. Có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân khiến, cứ sau mỗi đợt kiểm tra, cơ quan chức năng chưa ban “lệnh” phạt thì doanh nghiệp đã sẵn sàng nộp phạt để rồi lại… vi phạm tiếp. Có chủ doanh nghiệp (dù không hoạt động trong lĩnh vực viễn thông) nhưng đã chia sẻ rằng: Trên góc độ người kinh doanh, nếu coi “nộp phạt” là một khoản chi phí thì việc vi phạm cũng như một hoạt động kinh doanh kèm rủi ro, các ông chủ sẵn sàng dự phòng để nộp phạt để đổi lại là doanh thu mang lại từ vi phạm cao hơn nhiều so với chi phí bỏ ra. Đã nói làm ăn kinh doanh, đương nhiên rồi, người ta phải tính toán để sinh lợi! Nên chăng, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa, các nhà làm luật ngồi lại tính toán kỹ hơn nữa, quy định kín kẽ hơn nữa, để mỗi lệnh phạt lúc ban hành ra phải thực sự mang tính răn đe, thực hiện đúng nghĩa là thiết lập lại kỷ cương thị trường, bảo vệ người tiêu dùng. Để tạo nên một môi trường kinh doanh lành mạnh, tuân thủ pháp luật với chỉ 5 đơn vị gia nhập, có lẽ là không đến mức bất khả thi! Nhà báo Mạnh Quân trong bài báo “Nhà mạng "móc túi" khách hàng, kiểm tra, phạt, tái diễn, lại kiểm tra...” cho hay, không chỉ vi phạm về khuyến mại, nhiều nhà mạng hoặc các đối tác của họ vẫn âm thầm, cài đặt các dịch vụ giá trị gia tăng để lừa dối, khiến hàng triệu khách hàng phải trả tiền cho các dịch vụ không mong muốn. “Trước cuộc thanh tra nói trên của Cục Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tiến hành thanh tra và phát hiện chỉ trong 3 năm (từ tháng 1/2013 đến tháng 1/2016), hơn 93 vạn khách hàng của 3 nhà mạng: Vinaphone, Mobifone, Viettel, Vietnammobile đã phải chi trả dịch vụ (không đúng) cho Công ty Sam Media cung cấp với số tiền 230 tỷ đồng”, bài báo viết. Không rõ các nhà mạng có nhận thức hết được mức độ nghiêm trọng của cụm từ “lừa dối khách hàng” hay không? Đã có bao nhiêu doanh nghiệp hô khẩu hiệu (slogan) rằng “bán niềm tin để mua lòng khách” nhưng thực sự có làm được như tuyên bố hùng hồn nói trên? Tôi - một người tiêu dùng, có thể vô tình đánh rơi 100 nghìn trên đường không thấy ấm ức, có thể vào uống cà phê và trả tiền típ cho người phục vụ số tiền hơn cả mức giá cà phê nếu cảm thấy vui, nhưng cảm giác “bị lừa”, “bị qua mặt”, “bị ăn cắp” dù chỉ là vài trăm đồng, vài nghìn đồng cũng khiến tôi có thể cạch mặt với nhà cung cấp. Tôi - một người tiêu dùng, cũng đã từng “được” nhà mạng “cài hộ” cho một vài dịch vụ giá trị gia tăng mà mình không hề biết. Nhưng khi ý thức của cả 5 nhà mạng trong việc chấp hành quy định Nhà nước đều có vấn đề tôi dù muốn “cạch mặt” thì sẽ phải dùng điện thoại ra sao?" Rất buồn cho sự trung thực mà nhẽ ra cần phải là những phẩm chất, yếu tố then chốt để các doanh nghiệp tồn tại trên thương trường, nay lại trở nên thật hiếm hoi… Bích Diệp/nguồn dantri.com.vn