“Kéo lại” 3 tỷ USD mà người Việt mua nhà ở Mỹ?

00:00 12/10/2020

Vẫn có nhiều người chọn đầu tư ở trong nước thay vì chuyển tiền ra nước ngoài mua bất động sản. Dù vậy, nhà nước vẫn cần cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi để người dân tin tưởng đầu tư. TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển. Đề cập tới hiện tượng một lượng lớn nguồn lực đang được chuyển ra nước ngoài để mua bất động sản (theo ước tính khoảng hơn 3 tỷ USD năm 2016), TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng việc này có liên quan tới môi trường đầu tư, kinh doanh ở trong nước. Theo ông Hồ, mức tăng trưởng kinh tế không được cao như trước đây, môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn là những lý do khiến tiền, vàng được chuyển ra nước ngoài. Mặc dù vậy, xu hướng chuyển tiền về nước vẫn luôn diễn ra. Chỉ tính riêng năm 2016, hơn 9 tỷ USD kiều hối được chuyển về nước. Cùng với 500 tấn vàng trong dân (theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam), ông Lưu Bích Hồ cho rằng việc cần lưu tâm lúc này là làm sao có thể huy động nguồn lực trong dân để phát triển của đất nước. Tuy nhiên, qua làm việc với các sở, ban ngành TP.Hồ Chí Minh, ông Lưu Bích Hồ nhận thấy cách làm hiện nay chưa rõ ràng. Khả năng huy động đôla vào ngân hàng là rất thấp vì liên quan tới lãi suất (hiện đang ở mức 0%). Ngoài ra, quyết tâm chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, ông Lưu Bích Hồ cho rằng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một giải pháp khả thi hơn cả. “Khi điều kiện kinh doanh thuận lợi, kích thích hơn, người dân sẽ đổi vàng thành tiền rồi trực tiếp đầu tư vào nền kinh tế”, ông Lưu Bích Hồ nói. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 cũng sẽ có những tác động tích cực nếu thực hiện tốt việc huy động nguồn lực trong nhân dân. Hiện tại, Chính phủ đang quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 mà Quốc hội đã đề ra. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 một lần nữa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động nguồn vốn vàng, ngoại tệ nhàn rỗi trong dân để phục vụ đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, NHNN đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối trong năm 2016. Phần lớn lượng tiền này là nguồn ngoại tệ nắm giữ trong dân đã được chuyển hóa sang đồng Việt Nam thông qua việc gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, việc người dân không sử dụng USD để mua vàng và không “đổ xô” mua vàng đã giúp tiết kiệm nguồn lực ngoại tệ, đồng thời chuyển hóa tiền mua vàng, USD vào nền kinh tế. Theo Trí thức trẻ/Tienphong.vn