“Kéo” doanh nghiệp đến với nông nghiệp - Cách nào?

00:00 12/10/2020

Nông nghiệp luôn đóng góp từ 55 - 75% vào GDP. Đầu tư vào nông nghiệp được coi là an toàn, thế nhưng đến nay, bức tranh doanh nghiệp (DN) đầu tư vào địa hạt này vẫn chưa khởi sắc. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để “kéo” được DN đến với nông nghiệp?

Ảnh minh họa
Đầu tư vào nông nghiệp không phải là “mốt” Tại cuộc gặp các nhà đầu tư mới đây, đại diện Tập đoàn FLC - chuyên về bất động sản đã làm các nhà đầu tư không khỏi ngỡ ngàng khi tuyên bố sẽ đầu tư sang địa hạt nông nghiệp với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. “Trước mắt, chúng tôi sẽ chọn lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, qua việc hợp tác với một đối tác đến từ Israel”, đại diện Tập đoàn FLC khẳng định. Như vậy, bên cạnh các DN lớn đã tạo được tên tuổi như Vinamilk, Công ty Thủy sản Minh Phú, TH True Milk, Dabaco, HAGL… thì nay đến lượt Hòa Phát, FLC- những cái tên hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực nông nghiệp cũng đã chọn mảng kinh doanh này. Điều đó chứng tỏ việc “trông giỏ bỏ vốn” vào nông nghiệp hoàn toàn nghiêm túc, chứ không phải là mốt nữa. Nhưng các số liệu cho thấy, một mặt khác khi mà tỷ trọng DN đầu tư vào lĩnh vực này năm 2014 mới chỉ chiếm hơn 1% trong tổng số DN cả nước, đa phần là các DN có quy mô vốn nhỏ (50% có vốn dưới 5 tỷ đồng). Riêng trong giai đoạn 2008 - 2013, chỉ có 3.486 DN thành lập mới, với số vốn 126.470 tỷ đồng, nhưng đồng thời cũng có 475 DN (chiếm 15%) bị giải thể. Để doanh nghiệp mặn mà hơn Theo chuyên gia Lưu Đức Khải - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lĩnh vực hoạt động kinh doanh của DN nông thôn ở Việt Nam hiện nay ngày càng đa dạng, và DN dân doanh chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong DN nông thôn. Ông Khải thẳng thắn chỉ ra những ảnh hưởng của môi trường đầu tư đến phát triển DN ở nông thôn nói riêng cũng như việc “kéo” DN về nông thôn nói chung. Tựu trung có mấy nguyên nhân: Hệ thống hành chính còn nặng nề, làm tăng chi phí cho DN; DN gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai; cơ chế giải quyết tranh chấp và cưỡng chế thực thi hợp đồng kém hiệu quả, hạn chế việc ký kết hợp đồng kinh doanh giữa các DN; thủ tục phá sản chưa thực sự đơn giản để giúp DN thất bại rút khỏi thị trường dễ dàng... Riêng chuyện đất đai, theo ý kiến nhiều DN thì đây đúng là vướng mắc lớn nhất trong việc làm giảm sức hấp dẫn cho môi trường kinh doanh ở nông thôn nói chung và nông nghiệp nói riêng. Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco (Thái Bình) - than thở, hiện nhiều nơi nông dân bỏ ruộng rất nhiều, nhưng DN chẳng thể nào đàm phán được với hàng nghìn hộ nông dân một lúc để tập hợp được đất sản xuất. Ngay chính ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng phải công nhận, nhiều DN nản lòng đến ngán ngẩm với môi trường kinh doanh ở nông thôn, nguyên nhân chính vẫn là đất đai. Bởi đất nông nghiệp nằm trong dân để thu hồi giao cho DN vô cùng khó khăn. Từ kinh nghiệm của mình, ông Simon Bell - chuyên gia cao cấp Nhóm Ngân hàng Thế giới - chia sẻ, ở nhiều quốc gia có đầu tư mạnh mẽ trong nông nghiệp cho thấy, Chính phủ thành lập hẳn một hội đồng tư vấn quốc gia về đầu tư vào nông nghiệp do lãnh đạo Chính phủ phụ trách. “Việt Nam đã đến lúc cũng nên có mô hình này” - ông Simon Bell nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải: Nguồn đất có thể giao cho DN đầu tư tập trung quy mô lớn vào nông nghiệp sẽ ngày càng khó khăn. Trong tình hình đó, hình thức DN liên kết với nông dân vẫn là hợp lý và khả thi nhất, thông qua các tổ chức sản xuất như HTX. Đây cũng sẽ là hướng hướng ưu tiên của Chính phủ, mặc dù sẽ rất khó khăn.

Quang Lộc