ISO14001:2015: Chìa khóa cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới

00:00 12/10/2020

(DNHN). Hiện nay, trong quá trình hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia đang muốn mở rộng hoạt động và tiếp cận thị trường đông dân của Việt Nam và khu vực ASEAN. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, mở rộng hợp tác kinh doanh và trở thành một phần trong chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Phát triển bền vững, đảm bảo uy tín doanh nghiệp là điều  kiện cần thiết trong việc ký kết giao thương, do đó chứng chỉ ISO 14001:2015 chính là chìa khóa hội nhập cho doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp trong quá trình hội nhập với kinh tế khu vực và quốc tế thì sản xuất, phát triển bền vững luôn gắn với bảo vệ, hướng tới môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001: 2015

ISO 14001: 2015: Chìa khóa vạn năng

Tuy nhiên, để làm được điều này ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, tay nghề và trình độ kỹ thuật, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường thể hiện trách nhiệm xã hội và môi trường như một yêu cầu không thể thiếu khi hợp tác kinh doanh với các đối tác.

Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại& Công nghiệp Việt Nam(VCCI): Quá trình hội nhập doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh và tăng cường uy tín thương hiệu gắn với trách nhiệm xã hội và môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm thiểu chất thải đạt được lợi thế cạnh tranh và sự tin tưởng, sự tín nhiệm của các bên liên quan khi hội nhập kinh tế quốc tế.

ISO 14001 là một trong những tiêu chuẩn về quản lý môi trường phổ biến nhất trên thế giới. Trên cơ sở soát xét lại nhằm đảo bảo tính phù hợp với yêu cầu trong tương lai, phiên bản ISO 14001:2015 đã đạt sự đồng thuận quốc tế trong việc đưa ra các yêu cầu đối với một hệ thống quản lý môi trường. ISO 14001: 2015 chứa đựng các cải tiến, cải thiện trong một số điểm chính sau: Cam kết của bộ phận lãnh đạo; Sự gắn kết với đường lối chiến lược; Bảo vệ môi trường, tập trung vào các sáng kiến chủ động; Giao tiếp hiệu quả thông qua các chiến lược truyền thông; Suy nghĩ trên cơ sở vòng đời của sản phẩm, dịch vụ; cân nhắc từng giai đoạn, quá trình từ lúc xây dựng, phát triển cho đến khi kết thúc.

Đối với doanh nghiệp, yêu cầu đối với tiêu chuẩn quản lý môi trường, ISO 14001: 2015 là một trong những tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và là một công cụ kinh doanh quan trọng để hội nhập kinh tế khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Ông Thành nhấn mạnh.

Những lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001: 2015 bao gồm: Ngăn ngừa ô nhiễm, tiết kiệm chi phí đầu vào, chứng minh sự tuân thủ pháp luật, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng nước ngoài, gia tăng thị phần và xây dựng niềm tin giữa các đối tác và các bên liên quan với nhau.

Bà Anne-Marie Warris- Chủ tịch Ban Kỹ thuật ISO/TC 207/SC1 (chịu trách nhiệm xây dựng và soát xét tiêu chuẩn ISO 14001): ISO 14001:2015 có thể được áp dụng bởi bất kỳ tổ chức, bất kể quy mô hoạt động hoặc lĩnh vực. Nó đưa ra những tiêu chí cho một hệ thống quản lý môi trường và có thể được chứng nhận; Hoạch định ra những khuôn khổ hành động cho một công ty hay tổ chức có thể làm theo để thiết lập một hệ thống quản lý môi trường hiệu quả. ISO 14001:2015 không quy định các tiêu chí hoạt động môi trường cụ thể nên tổ chức, doanh nghiệp có thể sử dụng toàn bộ hoặc một phần Tiêu chuẩn tương ứng, phù hợp để cải thiện hệ thống quản lý môi trường của mình, bao gồm cả việc giúp quản lý các vấn đề môi trường một cách toàn diện”.

“Trong thời gian tới, phiên bản mới sẽ giúp tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các vấn đề môi trường và suy nghĩ, kế hoạch về chiến lược hành động của tổ chức. Tôi có thể thấy trước rằng, quan điểm về vòng đời và các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng được đề cập đến trong ISO 14001: 2015 sẽ trở nên ngày một mạnh mẽ trong tương lai. ISO 14001: 2015 là một công cụ có nhiều khả năng mang lại lợi ích kinh tế, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh và giúp các tổ chức, doanh nghiệp cải thiện năng suất, chất lượng”. Bà Anne-Marie Warris nhấn mạnh.

ISO 14001:2015 cần thiết đối với doanh nghiệp khi hội nhập

Một trong những bài học mà Việt Nam học được từ các nước là việc quản lý chất lượng là một nhu cầu cấp thiết hiện nay, chất lượng tăng trưởng phải được nhấn mạnh chứ không phải tốc độ tăng trưởng. Việc tăng trưởng kinh tế cần đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan bao gồm xã hội và thiên nhiên.

Theo ông Võ Tân Thành: ISO 14001: 2015 hướng đến phát triển bền vững thông qua việc giảm thiểu chất thải, sử dụng tiết kiệm năng lượng và sử dụng vật liệu mới thân thiện môi trường. Việc giảm chất thải tức là sẽ giảm lượng nước thải, khí thải hoặc chất thải rắn. Nhiều trường hợp nồng độ ô nhiễm của nước thải, khí thải hoặc chất thải rắn được giảm về căn bản. Nồng độ và chất thải thấp thì chi phí xử lý sẽ thấp. Nhờ đó, giúp cho việc xử lý hiệu quả hơn và ngăn ngừa được ô nhiễm.

Không chỉ vậy, chứng chỉ ISO 14001: 2015 chứng minh thực tế tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu luật pháp về môi trường mang đến uy tín cho tổ chức, doanh nghiệp. Nó như tấm vé thông hành khi hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh cho tổ chức, doanh nghiệp và tăng thị phần hiện tại trong quá trình hội nhập.

Bên cạnh đó, ISO 14001: 2015 cũng giúp thỏa mãn nhu cầu của các khách hàng nước ngoài và xây dựng niềm tin của các bên liên quan. Điều này rất hữu ích đối với các tổ chức hướng đến việc xuất khẩu. Niềm tin của khách hàng giúp tổ chức, doanh nghiệp tăng thêm nguồn lực từ công chúng và những tổ chức tài chính (quốc gia cũng như quốc tế).

Để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Chính vì thế, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng là hướng đi tất yếu, cần thiết. Các doanh nghiệp cần xác định rõ ISO chi phí  áp dụng tiêu chuẩn 14001: 2015  là kinh phí đầu tư chứ không phải kinh phí mất đi. Ông Thành nhấn mạnh.

Tại Việt Nam các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của thực hiện trách nhiệm xã hội hướng tới phát triển bền vững. Có khoảng 95% doanh nghiệp nhất trí rằng sáng kiến, dự án sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất thiết thực và hữu ích. Nhiều doanh nghiệp đã đưa vào áp dụng hệ tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001: 2015.

Tập đoàn Dow Chemical, một điển hình tiêu biểu, đi đầu trong việc áp dụng và phổ biến các tiêu chuẩn chất lượng ở Việt Nam. Tập đoàn đã sử dụng giải pháp, công nghệ của mình để giải quyết các thách thức trong đời sống người dân sinh sống tại vùng sâu, vùng xa. Điều này đã mang lại hiệu quả thực sự về mặt tổ chức, điều hành, thương mại cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Bên cạnh việc các doanh nghiệp chủ động áp dụng thì các hoạt động tập huấn, phổ biến cho doanh nghiệp về hệ tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO cũng được đẩy mạnh và tổ chức rộng rãi. Trung tâm phát triển bền vững (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- Sdfor/VCCI) đã triển khai nhiều khóa tập huấn nhằm cung cấp các công cụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhận thức và quản lý mọi tác động về môi trường để ngăn ngừa ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Khóa đào tạo “Hướng dẫn áp dụng ISO 14001: 2015 vào doanh nghiệp” do Sdfor/VCCI tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM thời gian vừa qua là một trong những hoạt động của chương trình “Dự án đào tạo sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải cho các doanh nghiệp tại Việt Nam giai đoạn 2. Các hoạt động này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp hành động và tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp và xã hội.

Cùng với đó, doanh nghiệp tiêu biểu như Dow Chemical luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp , xây dựng các sáng kiến và hỗ trợ các donh nghiệp nhằm chung tay bảo vệ môi trường như: Tập đoàn Dow đã tài trợ tổ chức triển 31 khóa tập huấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại hơn 30 tỉnh, thành trên toàn quốc về “Áp dụng kỹ thuật sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải trong doanh nghiệp. Ngoài ra, Dow Chemical đã cung cấp các chuyên gia tham gia vào các hoạt động như: Chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp kỹ thuật chuyên môn, là diễn giả các hội thảo, diễn đàn và là chuyên gia hướng dẫn tập huấn.

Ông Nguyễn Hoài Sơn- Giám đốc quan hệ đối ngoại (Tập đoàn Dow Chemical) cho biết: Phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc trong hội nhập và sử dụng các công cụ hệ tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001: 2015 là xu thế tất yếu đối với các quốc gia.Việt Nam rất cần những khóa tập huấn và những doanh nghiệp như Dow Chemical để nhân rộng mô hình nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng.

Thông qua các khóa tập huấn, các doanh nghiệp sẽ được Dow chia sẻ, nâng cao nhận thức về những lợi ích của sản xuất sạch và quản lý chất thải mang lại cho doanh nghiệp như: Cải thiện được sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, giảm các rủi ro mà doanh nghiệp có thể phải hứng chịu, đặc biệt về mặt pháp lý, nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp, tăng cường các điều kiện để đảm bảo sức khỏe và an toàn người lao động. Ông Sơn cho biết thêm.

Với tất cả những nỗ lực đó, Dow Chemical được Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Amcham) trao tặng giải thưởng Amcham CSR 2015 vì những chương trình trách nhiệm xã hội doanh nghiệp sáng tạo đã thực hiện nhiều năm qua tại Việt Nam.

                                                                                                      Bình An (VP. Doanhnghiephoinhap phía Nam)