IPP2: Chương trình đối tác, đổi mới sáng tạo thiết thực với doanh nghiệp Việt Nam

00:00 12/10/2020

Trong năm 2015, Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ so với các quốc gia có quy mô kinh tế tương đồng; xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 19 bậc, đứng thứ 52/141 quốc gia; xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu tăng 12 bậc, xếp thứ 56/140 quốc gia. Tuy nhiên, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế còn thấp, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn ở cận dưới của mức trung bình thấp. Mô hình tăng trưởng dựa vào gia tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo đã không còn thích hợp và nếu không có các giải pháp phát triển đột phá, đặc biệt là dựa vào nhân tố khoa học & công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam khó có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thậm chí khó vượt khỏi mốc quốc gia thu nhập trung bình thấp trong tương lai gần.

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Quốc Khánh tại FINAL DEMO DAY, Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) và chứng kiến các thành quả quan trọng ban đầu của chương trình sau gần 2 năm thực hiện.

IPP2 với Việt Nam khi hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới 

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: “Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới, tác động đa chiều của toàn cầu hóa, tự do hoá thương mại và sự phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết của khoa học & công nghệ thế giới sẽ mang lại cơ hội đồng thời là thách thức rất lớn cho các quốc gia đi sau như Việt Nam. Việc đàm phán gia nhập các Hiệp định thương mại tự do đa phương như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (VN - EUFTA), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cùng hàng loạt các Hiệp định Thương mại Tự do khác sẽ mở ra cơ hội với thị trường rộng lớn, nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt đối với nền kinh tế đặc biệt đối với các doanh nghiệp Việt Nam”.

ipp2

“Bối cảnh trong nước và quốc tế đã và đang đặt ra thách thức rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Việt Nam cần một lực lượng doanh nghiệp mạnh, được hỗ trợ phát triển trong một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thuận lợi, lành mạnh. Nhận thức rõ điều này, trong những năm gần đây, Bộ Khoa học& Công nghệ đã nỗ lực hoàn thiện môi trường chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam; khuyến khích tư nhân thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm tạo môi trường pháp lý và tài chính thuận lợi thúc đẩy phát triển các vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp, đào tạo khởi nghiệp và hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trẻ hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tăng trưởng cao. Chương trình IPP2 đã và đang hỗ trợ tích cực Bộ Khoa học & Công nghệ trong việc thiết kế và hiện thực hóa các chính sách và hoạt động quan trọng này”. Ông Khánh nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Thu Hương- Giám đốc dự án IPP2, cho biết: “Thời gian qua, 12 học viên vừa hoàn thành khóa đào tạo do IPP2 tổ chức để trở thành các chuyên gia tư vấn đổi mới sáng tạo đủ năng lực trợ giúp cho hoạt động khởi nghiệp của doanh nghiệp; cùng với đó 22 nhóm dự án đổi mới sáng tạo được IPP2 tài trợ đã hoàn thành chương trình huấn luyện tăng tốc đổi mới sáng tạo và đặc biệt đã bước đầu tự tin phát triển các sản phẩm, dịch vụ của mình trên thị trường. Trong năm 2016, với việc tăng cường quy mô tài trợ cho một số dự án xuất sắc năm 2015, chính thức kêu gọi tài trợ đợt mới cho các dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và triển khai hợp tác với các trường đại học trong đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”.

“Các học viên được IPP2 đào tạo sẽ thực sự trở thành các hạt nhân nòng cốt về đổi mới sáng tạo của Việt Nam cả ở khu vực công và tư, liên kết thành mạng lưới và nhân rộng trong quá trình phổ biến các tri thức, kỹ năng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp khởi nghiệp và các liên doanh phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo được IPP2 tài trợ sẽ phát triển thành công, tạo việc làm, mang lại giá trị gia tăng cao cho xã hội và nền kinh tế. Chương trình IPP2 sẽ ngày càng mang lại nhiều giá trị đích thực trong việc khởi nghiệp, tác động mạnh mẽ và tích cực tới sự hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp lành mạnh đối với doanh nghiệp Việt Nam”. Bà Hương nhấn mạnh.

Nộp đề xuất cho Chương trình hỗ trợ phát triển đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan, Giai đoạn 2 (IPP2) là Chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) được chính phủ Việt Nam và Phần Lan đồng tài trợ.

IPP2 ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam còn hướng tới các trường đại học và các tổ chức giáo dục đào tạo trong việc nộp đề xuất cho chương trình hỗ trợ phát triển đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

0ng-Lauri-Laakso-Co-van-truong-IPP-tai-viet-nam

Với mục tiêu thúc đẩy vai trò của các các cơ sở giáo dục đào tạo trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia, trong chương trình hỗ trợ này, IPP2 sẽ cung cấp các hỗ trợ bao gồm chương trình đào tạo tập trung cho giảng viên nguồn, cung cấp học liệu và nội dung đào tạo kèm với các hỗ trợ nâng cao năng lực, giới thiệu các chuyên gia và tổ chức đối tác quốc tế. Đây là chương trình đào tạo mở và sẽ được tiếp tục phát triển theo nhu cầu của mỗi đơn vị đối tác.

Chương trình dành cho các trường đại học và các cơ sở giáo dục đào tạo, không phân biệt công lập hay tư nhân. Nếu là cơ sở đào tạo nước ngoài cần có giấy phép hoạt động chính thức tại Việt Nam.

IPP tập trung hỗ trợ xây dựng năng lực cho các trường bao gồm: Các hỗ trợ về chuyên môn, đào tạo và huấn luyện trong thời gian triển khai khoá đào tạo ToT2.

Chương trình hợp tác này không phải là một gói tài trợ, vì vậy IPP chỉ hỗ trợ có giới hạn về mặt tài chính để tạo điều kiện cho các trường đối tác tham gia Chương trình giảng dạy về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp và thực hiện các hoạt động đào tạo khác dựa trên chương trình giảng dạy này, chẳng hạn như tổ chức các hội thảo, các khoá tập huấn tại trường.

IPP có thể cân nhắc hỗ trợ nhất định về mặt tài chính đối với những hoạt động do các trường đối tác thực hiện trong quá trình phát triển, áp dụng chương trình giảng dạy.

Để biết thêm thông tin chi tiết và tải về mẫu đề xuất vui lòng truy cập trang web của IPP. Ngoài ra, đề xuất phải được viết bằng tiếng Anh, bản mềm gửi đến hòm thư : info@ipp.vn, bản in gửi đến văn phòng IPP qua đường bưu điện muộn nhất là ngày 9/5/2016.

Bài và ảnh: Anh Đức (Văn phòng Đại diện phía Nam)