Huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk: Vững bước trên đường đổi mới

00:00 12/10/2020

Trung tuần tháng 1 năm 2019, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk tròn 35 năm hình thành và phát triển. Trong quãng thời gian ấy, từ một địa phương còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đã luôn giữ vững mối đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vươn lên xây dựng huyện phát triển mạnh về kinh tế - văn hóa, bảo đảm quốc phòng - an ninh, ngày càng vững bước trên đường đổi mới.

Ông Trương Văn Chỉ, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar.

Huyện Cư M’gar được thành lập ngày 23 tháng 1 năm 1984 theo Nghị định số 15 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Khi mới thành lập dân số toàn huyện có khoảng 41.000 người, gồm 3 dân tộc sinh sống ở 8 xã; có 5 nông trường quốc doanh, 12 HTX nông nghiệp và 49 tập đoàn sản xuất. Đến nay, dân số toàn huyện đã có trên 176.000 người, với 24 dân tộc anh em cùng chung sống ở 17 xã, thị trấn. Sau 35 năm thành lập, huyện Cư M’gar ngày nay đã có sự phát triển khá về nhiều mặt so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

“Trong những qua, Đảng bộ, chính quyền của huyện đã biết phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã có những định hướng lớn, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, chúng tôi đã đề ra mục tiêu tổng quát rất lớn đó là xây dựng huyện Cư Mgar thành huyện nông thôn mới vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu tổng quát đó, chúng tôi có 4 định hướng lớn, một là công tác cán bộ, hai là phát triển nông nghiệp chất lượng cao, ba là phát triển công nghiệp; bốn là phát triển thương mại, du lịch trên địa bàn huyện và đã có những giải pháp đi kèm” - Ông Trương Văn Chỉ, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Thời gian qua, dưới với sự lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk, đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc huyện Cư M’gar luôn thể hiện tốt tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất và đời sống, đồng thời giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong 3 năm trở lại đây, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng huyện vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 10%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 42 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế của huyện đang dần chuyển dịch theo hướng hiện đại. Năm 1984, kinh tế của huyện chủ yếu là thuần nông, với tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên 85%. Đến cuối năm 2018, nông nghiệp của huyện chỉ còn chiếm 44% cơ cấu kinh tế; công nghiệp - xây dựng chiếm 20%; thương mại - dịch vụ chiếm 36%. Thời gian qua, Đảng bộ huyện Cư Mgar đã có nhiều chủ trương, giải pháp để lãnh đạo phát triển nông nghiệp của huyện theo hướng, bền vững. Bên cạnh những loại cây trồng chủ lực gồm 37.847 ha cà phê, 7.363 ha cao su, 3.025 ha hồ tiêu và nhiều loại cây nông sản ngắn ngày, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình cây ăn trái, như: bơ, bưởi, sầu riêng… cho hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, không ít mô hình xen canh, sản xuất theo hướng bền vững, bước đầu đã ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đa dạng, có giá trị và chất lượng, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Một góc trung tâm thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar

Đến nay, huyện Cư Mgar có 66.316 ha đất gieo trồng, tăng gần gấp 10 lần so với ngày đầu thành lập huyện. Tổng sản lượng lương thực năm 2017 của huyện đã tăng gấp 6,5 lần so với năm 1984, với trên 83.800 tấn. Công nghiệp và xây dựng của huyện cũng đã có bước phát triển đáng kể. Ban đầu, huyện chỉ có 1 xưởng sản xuất nước chấm; 37 nhà máy xay xát lúa, 40 lò sản xuất đường bằng phương pháp thủ công. Đến nay, huyện đã có 783 cơ sở sản xuất, chủ yếu là những ngành nghề chế biến nông sản; cơ khí; sản xuất các mặt hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng. Năm 2018, giá  trị sản xuất công nghiệp và xây dựng của huyện đã đạt 2.090 tỷ đồng. Hiện tại, huyện cũng đã có 34 Hợp tác xã, trong đó có nhiều hợp tác xã thực hiện mô hình thương mại công bằng, với quy mô hàng ngàn hecta đất, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra giá trị kinh tế cao và các chương trình dân sinh được đảm bảo. Bên cạnh đó, toàn huyện còn có 47 trang trại sản xuất nông nghiệp và  18 trang trại chăn nuôi. Hầu hết các trang trại đều phát triển theo mô hình nông - lâm kết hợp. Đi liền với đó là sự gia tăng về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, huyện có 10 doanh nghiệp nhà nước và 237 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Các Hợp tác xã, các trang trại và nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất v.v... nhờ đó đã tạo được hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.

Những năm qua, để tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển, Đảng bộ huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng lãnh đạo xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Đến nay, 545 km đường huyện, xã, liên xã và 2 thị trấn của huyện đã được đầu tư nhựa hóa và bê tông hóa. Bên cạnh đó, từ việc huy động và tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, bố trí vốn hợp lý và lồng ghép các chương trình, dự án như: 135, 168... huyện đã xây dựng các trung tâm cụm xã; các công trình thủy lợi; các trường học trên địa bàn v.v... với tổng nguồn vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đến nay, tất cả các thôn, buôn của huyện Cư M’gar đều đã có điện; 100% hộ dân trên địa bàn huyện đều đã được sử dụng điện; 88,5% dân cư đã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.

Trong xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, huyện Cư M’gar đã huy động được tổng nguồn vốn 261,5 tỷ đồng để thực hiện chương trình. Trong đó, người dân trên địa bàn huyện đã đóng góp 78,5 tỷ đồng, ngoài ra còn hiến 60.500 m2 đất để xây dựng chợ, trường học, đường giao thông v.v... Đến nay, huyện đã có 10 xã đạt 19 tiêu chí; 3 xã đạt từ 15 đến 17 tiêu chí và 2 xã đạt từ 12 đến 14 tiêu chí. Với những kết quả đạt được, huyện Cư M’gar đã trở thành điểm sáng trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Đắk Lắk.

Trải qua 35 năm thành lập, đến nay lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục của huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cũng đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng. Từ một huyện chỉcó 33 trường với 338 phòng học, trong đó có 4 phòng học bán kiên cố còn lại là phòng học tạm bợ với 12.000 học sinh, đến nay đã có 91 trường học với 42.560 học sinh từ mầm non đến THPT. Cơ sở vật chất trường học đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Huyện đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở đúng độ tuổi và 45 trường học trong huyện đã được công nhận trường chuẩn cấp quốc gia. 

Người dân xã Cư Suê, huyện Cư Mgar tích cực đóng góp tiền và ngày công làm đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới

Năm 2018, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện Cư M’gar tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho ngành y tế tiếp tục được đầu tư. Đội ngũ chuyên môn tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Huyện đã có 56 bác sĩ và 160 giường bệnh; 100% số xã, thị trấn đã có bác sĩ; 100% thôn, buôn, tổ dân phố đã có nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Đến nay, 17/17 xã, thị trấn của huyện đã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn dưới 16,3%.

Với 24 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn, ngày nay, huyện Cư M’gar có nền văn hóa khá đa dạng, phong phú và độc đáo. Nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương chú trọng. Phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của huyện luôn được duy trì và phát triển rộng khắp, thu hút được đông đảo người dân tham gia. Cuối năm 2018, huyện đã có hơn 28.700 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 80% tổng số hộ trên địa bàn; 6 xã của huyện đã được công nhận đạt các tiêu chí về văn hóa. Ông Trương Văn Chỉ, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm: “Bên cạnh sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, những năm gần đây huyện đã chú trọng hơn về chất lượng cuộc sống thông qua việc thực hiện quyết liệt đồng bộ việc tạo cảnh quan và vệ sinh môi trường, tạo được diện mạo nông thôn mới một cách thực thụ trên địa bàn huyện. Hiện nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Cư Mgar đã có Chỉ thị chuyên đề về nội dung này để lãnh đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn thực hiện. Quá trình phát triển kinh tế phải quan tâm đến bảo vệ môi trường. Có như vậy phát triển mới bảo đảm ổn định lâu dài...”

Trong chặng đường 35 năm kể từ ngày thành lập đến nay, để kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, vai trò lãnh đạo của Đảng trên địa bàn huyện Cư M’gar luôn được coi trọng và phát huy. Khi mới thành lập, Đảng bộ huyện chỉ có 326 đảng viên, đến nay Đảng bộ đã có 49 tổ chức cơ sở Đảng, với 3.765 đảng viên. Chất lượng sinh hoạt của các chi bộ chuyển biến tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên đã được nâng lên, thể hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ luôn gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” cùng với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ chính trị, góp phần xây dựng Đảng bộ huyện ngày càng trong sạch vững mạnh.

Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn và thử thách, nhưng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, cùng với nền tảng 35 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết cùng với ý chí kiên cường, không ngừng sáng tạo, đổi mới, phấn đấu xây dựng huyện ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

Nguyễn Hiếu