Hương Giang - Cái tên sẽ làm nên một phần lịch sử người chuyển giới Việt

00:00 12/10/2020

Không chỉ bởi những thành công trong nghiệp ca hát, hay chiếc vương miện Hoa hậu chuyển giới Quốc tế…, chính thái độ sống, năng lượng sống tích cực từ Hương Giang Idol đã và đang giúp cô tạo dựng niềm tin, để cả cộng đồng người chuyển giới ủng hộ cô và thúc đẩy nhà nước sớm có khung pháp lý bảo vệ quyền được sống, được hạnh phúc của họ…

Một biểu tượng sống đẹp

Hương Giang “từng” là con trai duy nhất của bố mẹ. Từ bé, “cô” gái đã mê búp bê, mê làm đẹp, mê ca hát… và phải trải qua một tuổi thơ với bao sự bỉ bai. "Bê đê”, hai tiếng tưởng chừng rất ngắn ngủi đó nhưng có thể chạm đến tận cùng nỗi đau của những người trót mang thân phận ấy. Đôi khi tôi lại nghe người đời gọi mình bằng hai tiếng ấy và rồi nước mắt định chực trào ra nhưng lại nén lòng trong đớn đau. Mình hay những người như mình còn quá nhỏ bé để có tiếng nói giữa xã hội thật khắc nghiệt…", cô trải lòng trong tự truyện của mình.

Khi mà xã hội còn nặng khắc nghiệt, Hương Giang thời là sinh viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã đi tới một quyết định táo bạo nhưng đầy mạo hiểm: Phẫu thuật chuyển giới.

Cô đã bắt đầu tìm hiểu về quá trình chuyển giới, đã thực hiện tiêm hormone từ năm 2011, tích cóp tiền bạc để sẵn sàng cho cuộc "thay đổi" gần một năm sau đó. Cô đã một mình khăn gói sang Thái Lan, lập tức lên bàn mổ sau vài tiếng có mặt trên đất Thái vì không đủ tiền lưu trú dài ngày. Hàng loạt cuộc phẫu thuật đã được thực hiện trong suốt hai năm sau đó – hai năm mà Hương Giang cho rằng, dài nhất cuộc đời cô, với rất nhiều đau đớn về thể xác, thấp thỏm về kết quả của những chuỗi ngày tưởng như chết đi sống lại ấy. Cô đã thật may mắn vì đã thức dậy từ bàn mổ, đã trở nên xinh đẹp, nữ tính và quyến rũ, bước vào showbiz Việt bằng rất nhiều nỗ lực và say mê.

                                 Hương Giang: "Chọn phẫu thuật là chọn đồng hành với nguy hiểm"

Đã có rất nhiều lo lắng, bởi những cuộc phẫu thuật liên tiếp có thể cướp đi của cô mạng sống. Bởi trước khi phẫu thuật, Hương Giang đã sẵn gương mặt sáng và thanh tú hơn người, phẫu thuật có thể khiến cô đẹp hơn song lại phải trải qua quá nhiều đau đớn, nhiều mối nguy hiểm rình rập khi phẫu thuật. Bài học, hậu quả của những người đi trước cô từng phẫu thuật khiến cô hay mọi người có quyết định phẫu thuật chuyển giới đều lo lắng không nguôi, khoảnh khắc quyết định đó giống như cuộc chiến “sinh- tử”, đớn đau của chính bản thân mình.

Một bước tiến vì mọi người

Hương Giang đến với sân khấu Vietnam Idol, cho ra mắt hàng loạt sản phẩm âm nhạc được đầu tư bài bản… có thể đơn giản một điều - chỉ vì bản thân, vì niềm  đam mê ca hát mà cô say mê và có năng khiếu từ bé.

Nhưng hàng loạt các chương trình giải trí sau đó, là "Bước nhảy hoàn vũ", "The Remix", hàng loạt show truyền hình thực tế, là "Sao nhập ngũ" phiên bản nữ, "Giải mã cơ thể", nhất là "Cuộc đua kỳ thú"… kể cả những nỗ lực luyện tập, chuẩn bị cho cuộc thi hoa hậu Chuyển giới Quốc tế cũng đã khẳng định thêm một điều rằng: Một cô gái chuyển giới xinh đẹp, tài năng không chỉ luôn sống vui, sống khỏe, mà còn có mong muốn và có khả năng lan truyền năng lượng sống tích cực cho cộng đồng người chuyển giới.

                          Hương Giang: "Tôi muốn cùng các bạn lan truyền năng lượng sống tích cực"

Dấu ấn mãi không quên của tháng 3/2018, tại cuộc thi sắc đẹp Miss International Queen 2018 (Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế) tại Thái Lan, Hương Giang vượt qua 27 thí sinh nặng ký để chạm tay vào vương miện. Tại cuộc thi có tầm cỡ quốc tế này, cô ca sĩ người Việt đã thực sự nổi bật và tự tin, thể hiện vẻ đẹp hình thể, khả năng ca hát, ngoại ngữ và ứng biến tài tình. 

Hương Giang đã khiến cộng đồng chuyển giới ở Việt Nam hay những người ủng hộ như vỡ oà, như vừa vượt qua được một mốc quan trọng, của sự thừa  nhận, ghi nhận… Và, kể cả những người chưa có nhiều thông tin về người chuyển giới, những người từng thờ ơ cũng đã ít nhiều có cái nhìn khác hơn, thiện cảm hơn và thấu hiểu hơn về những người chuyển giới.

Cộng đồng LGBT dường như xao động và tự hào. Họ, cũng như bao chàng trai cô gái chúng ta, có thể không ban cho sắc vóc hơn người khi mẹ sinh ra; có thể không đủ điều kiện về thể trạng, sức khỏe và tài chính để trải qua hàng loạt cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, đều đang rất tự hào về một cô gái chuyển giới đã được thế giới tôn vinh, trân trọng và ngưỡng mộ và xem cô như một tấm gương. 

Không phải ai cũng hội tụ nhiều điều kiện như Hương Giang (về tài năng,  tài chính, sức khoẻ…) nhưng đã và đang dám sống thật với giới tính mình mong muốn. Họ đang được truyền cảm hứng để cố gắng và không ngừng vươn tới.

Đó phải chăng là cảm hứng không thể định giá, không thể đong đếm mà Hương Giang mang tới cho cộng đồng, cho những ai đang quyết tâm vì một xã hội công bằng, văn minh và tiến bộ?

Một cánh cửa hi vọng đã… mở

Thành công của Hương Giang liên tiếp những năm qua đã gợi nhắc về Dự án Luật Chuyển đổi giới tính, vốn được Bộ Y tế bắt đầu xây dựng từ năm 2016.

Ngày 12/5 vừa qua, hội thảo tham vấn ý kiến cộng đồng đối với dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự án Luật Chuyển đổi giới tính, do Bộ Y tế tổ chức đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, bởi nó là bước tiến để đảm bảo quyền được sống với con người thật, được hạnh phúc của trên dưới 400 nghìn người Việt có mong muốn chuyển đổi giới tính, được sống với giới tính mà mình mong muốn.

Tại hội thảo, vấn đề được quan tâm nhất đã được TS Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) đưa ra, là 03 giải pháp để công nhận các trường hợp chuyển đổi giới tính trong dự thảo, gồm: Điều trị nội khoa bằng sử dụng hormone; Sử dụng hormone và điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) và giải pháp cuối là không can thiệp gì về mặt y tế (sử dụng hormone hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền ghi rõ nguyện vọng muốn được xác nhận là người chuyển đổi giới tính thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

                  Tinh thần và sự lan tỏa năng lượng sống của Hương Giang dành cho cộng đồng LGBT sẽ thúc đẩy                                                     sự hợp pháp hóa chuyển đổi giới tính ở Việt Nam.

TS Nguyễn Huy Quang nghiêng về giải pháp thứ ba, cộng thêm yêu cầu "đã sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng hai năm trở lên) hoặc can thiệp ngoại khoa" thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính. Ông cũng thông tin: Trong 61 quốc gia cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính, chỉ Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi, Israel… cho phép công nhận giới tính mới mà không phải trải qua phẫu thuật.

Các phương án trên tiếp tục gây nhiều tâm tư cho cả các nhà làm luật, giới y học và cộng đồng LGBT. Bởi không phải người nào cũng đủ điều kiện tài chính (có thể tới vài chục ngàn USD) để chi trả cho phẫu thuật; không phải người nào cũng đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe để trải qua phẫu thuật; Không phải người nào cũng đủ điều kiện và nhu cầu để can thiệp hóc môn... Nên các điều kiện can thiệp y tế sẽ khó nhận được nhiều đồng thuận.

Quay lại câu chuyện với Hương Giang. Sau khi thành Hoa hậu, cô trải lòng: "Giang sẽ thu thập chữ ký, những ý kiến hay hoàn cảnh để xúc tiến việc thay đổi giới tính trên giấy tờ của người chuyển giới…". Nỗ lực và thành công của cô, hành động của cô sẽ là một phần của lịch sử phát triển xã hội Việt Nam văn minh, tiến bộ. Hy vọng, sự khởi đầu không phải từ Hương Giang song tinh thần và sự lan toả năng lượng sống của Hương Giang dành cho bản thân và cộng đồng LGBT sẽ thúc đẩy việc hợp pháp hoá chuyển đổi giới tính ở Việt Nam. Bởi cô hay cộng đồng nỗ lực để xã hội hiểu mình, lắng nghe mình, chú ý đến mình thì cũng một vài năm tới những người chuyển giới tại Việt Nam vẫn chưa được hợp pháp hoá.

Tại các hội thảo gần đây, các chuyên gia cũng đã trao đổi về rất nhiều vấn đề, từ độ tuổi được chuyển đổi giới tính; tình trạng hôn nhân trước khi can thiệp y học; bảo hiểm y tế cho người muốn chuyển giới... Và nếu sớm được đưa vào chương trình của Quốc hội, lộ trình đến năm 2019, Luật có thể sẽ được Quốc hội xem xét thông qua.

Kiên Giang