Hưng Yên: Các cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

00:00 12/10/2020

Thôn Minh Khai (làng Khoai) thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên), từ lâu đã có nghề thu gom, tái chế phế liệu. Trong mấy năm gần đây, làng nghề được mở rộng thêm quy mô và công suất hoạt động ngày càng lớn, kéo theo đó là hệ lụy về tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng trầm trọng. Làng Khoai, khắp chốn đều là chỗ tập kết hàng  Chung sống cùng khí thải độc hại Đặt chân đến địa phận thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, mùi nhựa tái chế, mùi phế liệu, nilon khi bị đốt bốc lên khét lẹt, bủa vây, hòa lẫn vào không khí khiến những người chưa từng đặt chân tới đây đều cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Vào sâu bên trong, những vũng nước lênh láng từ các cơ sở chế biến, rửa túi nilon khiến nước chảy tràn ra đường, do hệ thống đường ống dẫn nước chưa kịp chảy hết. Nước tại các cống thoát có màu đen kịt. Những bột, cặn, khi rửa túi nilon, bao tải, nhựa qua công đoạn sơ chế được chảy trực tiếp ra các đường ống, dẫn thoát nước nhiều đến nỗi bị tắc, gây ứ đọng, bốc mùi nồng nặc. + Những vũng nước lênh láng chảy ra đường tại làng Khoai  Trước kia, người dân thôn Minh Khai trồng nhiều hoa và các loại rau, nhưng giờ hầu như không còn, nhà nào không có xưởng thì xây nhà trọ cho thuê, nhà nào không điều kiện thì đi làm thuê; hoa màu không trồng được, vì khí thải với nguồn nước nhiễm độc tại đây... Nguyên vật liệu được phân loại tại đây Chị Đinh Thị Vượng cùng chồng là anh Đinh Văn Thành, người dân tộc Mường, bản Xuyên Búa (Lam Phong, Sơn La) đã tìm xuống đây, xin làm công nhân. Mỗi ngày, tại xưởng, chị làm 10h, thu được 100.000 đồng, công việc của chị là tạo hạt để thổi làm túi bóng. Khi được hỏi về môi trường làm việc đã “quen” chưa, chị thú nhận, mới đến vài hôm thực sự chị cũng đau đầu và ngột ngạt khó thở. Nhưng cứ chịu khó đeo khẩu trang vào thì cũng đỡ, giờ quê chị chỉ chông chờ vào cây lúa mà cứ mất mùa, mưa bão triền miên nên chị cũng phải cố gắng lên đây làm ăn, ở nhà còn con nhỏ, biết là không khí ở đây khó chịu, ô nhiễm, nhưng vẫn phải cố. Còn người chồng thì lương cao hơn đôi chút, nhưng lại làm công việc cũng đòi hỏi sự nguy hiểm hơn, anh đứng máy trông và đẩy các sản phẩm phế liệu vào guồng quay và ấn phế liệu vào. Công việc như của anh, nhiều người cũng ngại làm vì mức độ nguy hiểm, chỉ một chút sơ ý là máy cuốn vào mất bàn tay; có người đã từng mất vài ngón tay... Ô nhiễm đã nhiều năm nay, người dân đã nhiều lần đệ đơn lên xã, lên huyện và huyện cho người về kiểm tra rồi lại... đi. Đã bao lần kêu gọi sự quan tâm từ các cơ quan chức năng, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra và chưa có biện pháp nào để khắc phục, vì thế, nhiều người dân ngao ngán. Nguồn nước ô nhiễm trầm trọng Bà Nguyễn Thị Nết, một người dân ở thôn Minh Khai cho biết, từ nước thải sinh hoạt đến nước thải sơ chế của các cơ sở tái chế nhựa ở khu vực đều đổ dồn vào vào một con kênh (kênh Dù) chảy qua thôn. Trước kia, con kênh khá rộng nên việc chảy thoát nước khộng bị ứ đọng, nhưng do một hộ gia đình đã lấn chiếm đất nên con kênh này bị thu hẹp lại và gây ra ứ đọng như bây giờ. Mùa nóng, người dân phải ngửi mùi hôi thối, bốc lên nồng nặc,  thi thoảng lại phải hô hào nhau đi khơi thông kênh mượng, vớt hết cặn bã từ lòng kênh lên. Cũng theo bà Nết, nước thải ở đây  thay đổi màu liên tục và thường xuyên đen kịt, có hôm dòng nước lại đỏ au khắp con kênh. Cũng chính vì lo lắng về nguồn nước bị ô nhiễm nên nhiều gia đình, từ lâu đã không dùng nước từ con kênh cho việc tưới tiêu đồng ruộng, không dám sử dụng nguồn nước giếng khoan trực tiếp, mà tất cả đều phải mua máy lọc nước và máy khử ozon về sử dụng. Biết là tốn kém, họ vẫn "cắn răng" mua và phải thay củ lọc liên tục vì sợ bệnh tật. Bà Nết ngậm ngùi: “Chả nói gì đâu xa, bà chị gái tôi vừa mất do ung thư phổi. Giờ không khí ở đây đã ô nhiễm lắm rồi...”. Nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng Ông Lê Văn Thành, một người dân ở đây cũng chung niềm âu lo như bà Nết. Ông cho biết, hàng ngày cứ vào khoảng chiều tối, khi từ trên tầng thượng nhà ông nhìn xung quanh thì toàn bộ là một màu khói đen kịt của những cơ sở chế biến nhựa đốt lên, bao phủ cả vùng không khí quanh thị trấn Như Quỳnh. Ông Thành bức xúc: “Bà con vô cùng lo lắng về không khí, nguồn nước, lo thiếu hụt nguồn nước ngầm; gửi đơn từ tới các cơ quan chức năng nhiều rồi mà không thấy ai về giải quyết”. Đem những bức xúc của người dân nơi đây, trao đổi với ông Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh, ông Thắng cho biết: Làng nghề, mặc dù nằm trên địa bàn thị trấn Như Quỳnh, nhưng lại không thuộc sự quản lý của thị trấn mà do bên cơ quan công tác làng nghề của huyện quản lý và giải quyết. Vì thế, ông Thắng không thể cung cấp thông tin gì thêm cho chúng tôi. Mặc dù, làng Khoai "nằm trọn" trên địa bàn thị trấn Như Quỳnh, nhưng lãnh đạo thị trấn lại nói "không quản lý làng nghề"? Vậy chính quyền địa phương mà cụ thể trong trường hợp này là UBND thị trấn Như Quỳnh quản lý những gì, có vai trò ra sao hay đó chỉ là câu trả lời nhằm đùn đẩy trách nhiệm?
Được biết, hầu hết các cơ sở chế biến, thu gom, tái chế rác thải tại đây đều là những cơ sở tự phát của người dân. Đa số không có giấy phép kinh doanh và không có biện pháp bảo vệ môi trường, vì vậy đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng.
(Theo thuonghieucongluan.com.vn)