Hợp tác với doanh nghiệp ngoại để kích cầu

00:00 12/10/2020

Sự thông thoáng của Luật Kinh doanh BĐS 2014 cho phép người nước ngoài được mua và kinh doanh BĐS tại Việt Nam đã tạo đà cho thị trường này phát triển thêm một bậc.

 

Chuyên gia BĐS Nguyễn Thành Tiến

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia BĐS Nguyễn Thành Tiến nhận định, việc hợp tác giữa chủ đầu tư trong nước với các công ty môi giới BĐS ngoại là tất yếu trước xu thế toàn cầu hóa.

Việc nhiều chủ đầu tư hợp tác với các công ty tư vấn ngoại để thực hiện dịch vụ BĐS có phải là một chiến lược hút khách hàng nước ngoài không, thưa ông?

- Việc các DN BĐS lớn chọn đối tác ngoại để phân phối các sản phẩm là chuyện bình thường. Bởi các công ty tư vấn BĐS nước ngoài có mặt tại Việt Nam đều là những tập đoàn rất lớn, nhân lực hàng chục ngàn người và doanh thu mỗi năm 6 - 10 tỷ USD. Họ cũng đã làm việc với các khách hàng toàn cầu từ hàng chục năm nay. Một công ty môi giới ngoại tập trung nhiều chất xám để đưa ra rất nhiều ý tưởng tiếp thị, tư vấn cho mỗi khách hàng tiềm năng không chỉ trong thị trường Việt Nam mà rộng hơn là toàn thế giới. Trong khi, DN Việt Nam với lượng khách hàng ít, khó có thể đủ tài chính nuôi những đội ngũ nhân sự lớn như vậy.

Nhưng dường như thị trường có sự phân định rõ ràng các dòng sản phẩm BĐS. Nếu DN ngoại chuộng BĐS cao cấp, hạng sang (hoặc có chủ đầu tư nước ngoài phát triển dự án) thì DN nội vẫn còn dư địa rộng lớn từ các sản phẩm BĐS tầm trung, cao cấp đến từ thương hiệu Việt?

- Lằn ranh phân chia đó hiện tại không hoàn toàn chính xác, bởi các công ty nước ngoài rất nhanh nhạy. Khi nhận thấy thị trường đang dần chuyển biến phục hồi, ít còn tình trạng đầu cơ, các công ty BĐS nước ngoài nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh. Sau một thời gian dài chỉ trung thành với phân khúc cao cấp, hạng sang, DN ngoại đã dần mở rộng sang thị phần nhà ở giá bình dân để tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu của số đông khách hàng. Như Savills đã ký kết hợp tác chiến lược với một trong những công ty BĐS trong nước uy tín và giàu kinh nghiệm, đặc biệt trong phân khúc BĐS giá rẻ và trung bình – Công ty CP BĐS Danh Khôi. Mở đầu cho sự hợp tác này là việc ký kết hợp đồng phân phối độc quyền dự án căn hộ Dream Home tại Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. 

Xu hướng này xuất hiện tại nhiều dự án khác khi CBRE, JLL cũng đồng loạt nhận điều hành, quản lý các dự án tầm tầm bậc trung để cạnh tranh với các công ty quản lý chuyên nghiệp trong nước.

Vậy theo ông, các DN phân phối BĐS nội cần làm gì để đón "sóng" khách nước ngoài?

- Để đón đầu cơ hội này, các công ty phân phối BĐS trong nước, ngoài sự am hiểu tâm lý khách hàng, cần nâng cao trình độ, hướng đến những thị phần tiềm năng như: Tư vấn, quản lý, điều hành… Đã và đang triển khai kế hoạch mở nhiều văn phòng giao dịch tại nước ngoài, nhiều DN phân phối tiếp thị BĐS trong nước đã khẳng định chiến lược toàn cầu hóa mang tầm quốc tế. Mới đây, Công ty CP BĐS Thế Kỷ (Cenland) khai trương văn phòng quốc tế đầu tiên tại Hàn Quốc - CEN Korea vào đầu năm 2018 cho thấy những bước đi vững chắc trong chiến lược toàn cầu hóa hệ thống tiếp thị và phân phối BĐS của DN Việt. Đó chính là sự chủ động, linh hoạt trong việc tiếp cận thị trường mới quốc tế nhằm xuất khẩu BĐS, thu hút đầu tư, mang ngoại tệ về cho đất nước.

Hoạt động này không chỉ thu hút khách hàng, giúp các DN, dự án gia tăng uy tín, vị thế thương hiệu mà còn tạo cú hích quan trọng giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung, BĐS nói riêng với các nhà đầu tư quốc tế. Gần đây nhất, sàn phân phối Đất xanh cũng đang lên kế hoạch triển khai thành lập nhiều văn phòng đại diện tại Nhật Bản, Singapore và các thị trường lớn khác. Điều này cho thấy sự thay đổi về cả “chất và lượng” của DN nội, không thua kém DN ngoại trong động thái thu hút khách hàng nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh chính sách về BĐS ngày càng cởi mở. Sự bứt phá này mở ra cơ hội đầu tư BĐS hai chiều bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Gia Tuấn