Họp khẩn ứng phó với bão số 3 “Thần Sét“

00:00 12/10/2020

Vị trí, hướng đi của cơn bão Thần Sét. Ảnh: Trung tâm DBKTTV Trung ương.

Cuối giờ chiều 17.8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) đã có cuộc họp khẩn cấp về phòng chống cơn bão số 3 có tên gọi là Thần Sét. Tin mới nhất cuối giờ chiều cho biết, bão Thần Sét đang mạnh dần lên và sẽ đổ bộ vào Việt Nam vào ngày 19.8.2016 với những diễn biến nguy hiểm, khó lường

Bão Thần Sét gây gió giật cấp 14 kèm sạt lở đất, lũ quét
Theo TS Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vị trí tâm bão lúc 4 giờ chiều 17.8 ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10-11. Dự báo đến 4 giờ chiều mai (18.8), vị trí tâm bão sẽ có mặt trên bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 11-12. Khu vực Bắc biển Đông, vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) và vùng ven biển Bắc Bộ có mưa dông và gió giật mạnh.
Khi vào Vịnh Bắc bộ rất nhiều khả năng bão sẽ mạnh hơn, khi vào Vịnh Bắc bộ bão sẽ mạnh cấp 10, cơn bão này rất phức tạp, khả năng bão đổi hướng cũng có thể xảy ra. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 19.8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Nghệ An. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/h), giật cấp 12-14.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều tối 18.8 ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10, giật cấp 12-14, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh. Từ sáng 19.8, hoàn lưu bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
  Theo cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 3 gây ra mưa lớn trút xuống Bắc Bộ, Bắc Trung bộ từ chiều 18.8 đến hết ngày 20.8 sẽ xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với lượng mưa từ 200-300mm, có nơi trên 500mm. Lũ sẽ xuất hiện trên hệ thống sông Hồng -Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Bằng Giang, với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu từ 2-3m, đỉnh lũ ở mức báo động I đến báo động II. Thượng lưu các sông Mã, sông Cả, sông Chu, sông La lên mức báo động I đến báo động II, hạ lưu lên mức báo động I và trên báo động I.
Từ ngày 18.8.2016: Cấm ngư dân đi biển
Trước thông tin về mức độ nguy hiểm của cơn bão Thần Sét, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo: Tình hình diễn biến bão số 3 hết sức phức tạp cấp độ, năng lượng hướng đi diễn biến khó lường. Vùng dự báo tác động trực tiếp từ Bắc Trung bộ trở ra, đây là vùng đã chịu tác động lớn từ 2 cơn bão trước đó. Cơn bão này khả năng gây mưa lớn ở những nơi đã ngậm nước nhiều, công tác ứng phó hết sức chú ý đến điểm này. Triều cường tác động ở mức cao tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, vấn đề ứng cứu sản xuất, ứng cứu đê kè cần hết sức chú ý. Dự kiến lượng mưa do cơn bão sẽ lớn, khả năng tác hại đến các địa phường là rất lớn nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Công tác chuẩn bị đối phó cơn bão số 3 ở mức cao nhất đối với các tỉnh ở Bắc miền Trung trở ra.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn liên tục bám sát diễn biến, có những cảnh báo kịp thời để các địa phương và người dân chủ động ứng phó trên phương châm 4 tại chỗ. Lực lượng biên phòng phối hợp với các địa phương tổ chức hướng dẫn tàu thuyền vào bờ an toàn, yêu cầu người dân tại các lồng bè vào bờ khẩn trương để đảm bảo an toàn tính mạng. Đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo EVN đảm bảo điện lưới, nguồn điện, vì điện có vai trò hết sức quan trọng trước, trong và sau bão.
Các địa phương khẩn trương đưa ra các kịch bản đối phó với quyết tâm cao nhất để hạn chế thiệt hại về tài sản, tránh thiệt hại về người. Yêu cầu các địa phương trong vùng bão cấm biển từ ngày 18.8.
Đối với sản xuất nông nghiệp, tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi bơm tiêu nước. Chuẩn bị lực lượng để có giải pháp kỹ thuật, có nguồn giống dự phòng cho sản xuất từ thủy sản, hoa màu để hỗ trợ người dân khi tình huống xấu xảy ra.
Ông Lê Thanh Sơn - Đại diện Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng cho biết: “Hiện nay trên biển vẫn còn 6.547 tàu thuyền và 2.857 lồng bè thủy sản, chúng tôi sẽ cho các lực lượng biên phòng bắn pháo sáng, pháo hiệu liên tục để thông báo cho tàu bè, rà soát chặt chẽ những ngư dân vẫn còn ở ngoài lồng bè thủy sản và yêu cầu vào bờ ngay. đề nghị cần đưa ra lệnh cấm biển ngay từ lúc này đối với các vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Ban Chỉ đạo TW về PCTT -Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiếp tục có Công điện hỏa tốc số 19 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Kiểm đếm kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ, đặc biệt là tàu du lịch và các tàu thuyền nhỏ về nơi tránh trú an toàn.
Đồng thời quản lý chặt chẽ các hoạt động du lịch trên đảo, nhất là đối với đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng; chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
Thực hiện nghiêm túc Công điện số 18, nhất là sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
* Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là Bắc vĩ tuyến 20 (vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão).
* Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có Công điện khẩn số 23/CĐ-TCĐBVN về chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài trên diện rộng gửi các Cục Quản lý đường bộ: I và II; Các Sở GTVT: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn,Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An.
Theo đó, để kịp thời khắc phục các thiệt hại do mưa lũ gây ra bảo đảm giao thông thông suốt, Tổng cục ĐBVN yêu cầu các đơn vị thực hiện công tác bảo trì đường bộ tăng cường công tác tuần đường, phát hiện kịp thời các vị trí sạt lở, ngập úng.
Đồng thời, cử người trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua ngầm, tràn, bến phà, cầu phao...
Theo laodong.com.vn