Hơn 65% doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn có lãi tại Việt Nam

00:00 12/10/2020

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi công bố “Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam” do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức vào sáng ngày 4/3.

Gần 70% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng kinh doanh

Ông Kitagawa Hironobu - Trưởng đại diện JETRO Hà Nội - cho biết, kết quả đợt khảo sát được tiến hành từ ngày 9/10 đến ngày 9/11/2018 cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời "có lãi" chiếm 65,3%. Trong đó, khối doanh nghiệp chế tạo, xuất khẩu có thành tích kinh doanh tốt và doanh nghiệp ở khu vực Bắc Bộ có tỷ lệ lãi cao hơn so với các khu vực khác.

hon 65 doanh nghiep nhat ban lam an co lai tai viet nam

Tỷ lệ có lãi đối với doanh nghiệp thành lập trước năm 2010 ổn định ở mức trên dưới 80%. Tại Việt Nam, 58,7% doanh nghiệp ước tính lợi nhuận kinh doanh trong năm 2019 sẽ được cải thiện. Đây là những con số rất lạc quan so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam báo lỗ 52%.

Theo báo cáo, có khoảng 69,8% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có phương châm "mở rộng kinh doanh", so với nước khác, khả năng mong muốn tiếp tục mở rộng là tương đối cao (Trung Quốc tỉ lệ 48,7%, Philippines 52,4%, Indonesia 49,2%...). Ngay với những DN thành lập trước năm 2010 cũng có 67,1% DN có phương châm mở rộng, điều đó cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng. Khi được hỏi lý do của việc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản cho biết "tăng doanh thu" là lý do lớn nhất.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng doanh thu tại thị trường Việt Nam ngày càng tăng, làm ăn ở Việt Nam ngày càng có lãi hơn. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam có khả năng tăng trưởng cao và tiềm năng lớn.”- ông Kitagawa Hironobu cho hay.

Trong số các lợi thế về môi trường đầu tư, JETRO cho hay "quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng" là lợi thế lớn nhất của Việt Nam. Cùng với đó, so với các nước khác, "chi phí nhân công rẻ" cũng là lợi thế được các doanh nghiệp Nhật Bản đề cập.

Tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam tăng dần

Theo đại diện JETRO, dấu hiệu đáng mừng là tỷ lệ nội địa hóa của thị trường Việt Nam tăng dần, đạt mức tăng cao nhất trong số các quốc gia là đối tượng khảo sát. Việt Nam đạt tỷ lệ nội địa hóa 36,3%. Đến năm 2018, Việt Nam lần đầu tiên vượt Malaysia về tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, so với Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia vẫn ở mức thấp.

So với các nước khác thì tỷ lệ mua từ các nước khác (ngoài doanh nghiệp nội địa của Việt Nam và nhật Bản) thì cao, nhưng nhìn lại con số mua từ các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam 10 năm trở lại đây với tỷ lệ 14,4% thì là tỷ lệ tương đối thấp. Do đó, ông Kitagawa Hironobu cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng khả năng cung cấp nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tỷ lệ nội địa hóa đạt 36,3% có xu hướng tăng đã thể hiện rõ các chính sách của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, bước đầu có hiệu quả với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Một sự thay đổi nữa của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam là sự chuyển dịch sang tiêu thụ nội địa. Thị trường xuất khẩu có xu hướng tăng lên là Nhật Bản và Mỹ, còn Châu Âu và Trung Quốc có xu hướng giảm.

Đáng ghi nhận nhất trong việc hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Nhật Bản là số ngày làm thủ tục thông quan về tổng thể đã giảm so với năm trước.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp Nhật Bản, vẫn còn một số hạng mục đáng quan ngại. Cụ thể, hạng mục "hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không rõ ràng" là 48,2%, tăng cao hơn năm trước 1,3 điểm. Liên quan đến các khó khăn trong hoạt động kinh doanh thì hơn 50% doanh nghiệp nêu ra vấn đề về “sự tăng lương cho nhân viên”, “khó khăn trong thu mua nguyên liệu, linh phụ kiện tại nước sở tại”, “khó khăn trong việc quản lý chất lượng”, mặc dù vậy tỷ lệ này so với năm trước đã có cải thiện. Về rủi ro, theo như ý kiến từ các doanh nghiệp Nhật Bản, đối với hạng mục "cơ chế, thủ tục thuế phức tạp, thường xuyên có sự thay đổi", nhất là thuế thu nhập cá nhân và thuế chuyển nhượng đang có vấn đề. Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa được cụ thể.

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) ghi nhận con số tích cực phía Nhật Bản cung cấp. Với chính sách phát triển ngành ô tô, ông Hoàng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với các Bộ Công Thương, Tài chính làm rõ các chính sách này, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng cũng khẳng định Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với các luật Đầu tư nước ngoài, luật Doanh nghiệp đang được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong đó có Nhật Bản.

Thu Phương- Tuấn Vũ