Hội thảo "Hợp tác đầu tư các nước Đông Á – Việt Nam"

00:00 12/10/2020

Vừa qua, tại Trường Đại học Văn Hiến đã diễn ra Hội thảo khoa học Quốc tế “Hợp tác đầu tư các nước Đông Á – Việt Nam và vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động”.

  Hội thảo với sự tham dự của các nhà khoa học đến từ các trường Đại học uy tín trên thế giới và đại diện của các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước.

Bên cạnh việc tổng kết những bài học kinh nghiệm, tạo diễn đàn khoa học để phân tích, đánh giá và thảo luận những vấn đề về hiệu quả đầu tư, hợp tác và các chính sách lao động - việc làm cho Việt Nam trong những năm sắp tới. Hội thảo còn là cơ hội để đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa Trường Đại học Văn Hiến và các nhà khoa học có chuyên môn quốc tế.

Với 25 bài viết ở 6 đề tài tham luận, các học giả và chuyên gia đã cùng nhau mổ xẻ nhiều vấn đề mới mẻ. Xuyên suốt hội thảo là góc nhìn đa chiều, những phân tích vừa tổng quan vừa cụ thể về các chủ đề như: Đầu tư trực tiếp FDI của các nước Đông Bắc Á vào Việt Nam và tác động của FDI đến lao động Việt Nam; Experience lesson of economic development from the east Asia countries for Vietnam, Xuất khẩu lao động Việt Nam vào các nước Đông Á và cộng đồng kinh tế Asean...

Đại biểu quốc tế trình bày ý kiến tại Hội thảo

Với đề tài tham luận “Đầu tư trực tiếp FDI của các nước Đông Bắc Á vào Việt Nam và tác động của FDI đến lao động Việt Nam” của PGS.TS Trần Xuân Cầu đã cho thấy việc FDI đầu tư vào Việt Nam là xu hướng tất yếu và có tác động tích cực vào nguồn lao động Việt Nam không chỉ về quy mô việc làm tăng lên, mà còn làm thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực Việt Nam, đặc biệt chất lượng cũng có phần thay đổi. Một vấn đề đáng quan tâm khi FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ thu hút được lao động trẻ nhưng tính ổn định cho người lao động chưa cao. Quá trình làm việc của người lao động sẽ gặp 3 mâu thuẫn, thách thức cần vượt qua: Thứ nhất con người Việt Nam đi từ nền nông nghiệp nông thôn nên chưa ứng dụng được công nghệ hiện đại về công nghệ, máy móc, kỹ thuật vào công việc. Thứ 2 đó là vấn đề sức khỏe của lao động Việt Nam không được như các quốc gia khác. Cuối cùng đó chính là xung đột về văn hóa và ngôn ngữ trong quá trình làm việc.

Theo TS. Hồ Cao Việt – Trưởng Khoa Kinh tế Trường Đại học Văn Hiến cho rằng, Việt Nam muốn trở thành quốc gia phát triển cần phải có vốn đầu tư và nguồn lao động chất lượng. Làm sao để nâng cao nguồn lao động trí tuệ đó chính là vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục, phải đào tạo cho sinh viên học hỏi những tiến bộ trên thế giới, đặc biệt cần tạo môi trường cho sinh viên trải nghiệm và ứng dụng các kiến thức vào công việc thực tế.

PGS.TS. Trần Thị Lan Hương cho rằng thu nhập của lao động Việt Nam hiện nay đang thấp hơn các nước trong khu vực, chính vì thế chúng ta cần có chiến lược đầu tư nâng cao trình độ về cơ cấu lao động. Lao động nước ta chỉ dừng lại ở số lượng đông, mức nhân công rẻ thì đây chính là bất lợi lớn trong cạnh tranh với nhiều quốc gia. Việt Nam cần có chiến lược để lao động nước ta có mức thu nhập cao như các nước trong khu vực.

Với nhiều đề tài tham luận hấp dẫn, hội thảo đã mang đến cho giảng viên cũng như sinh viên trường Đại học Văn Hiến nhiều thông tin bổ ích, hiểu được định hướng và hình thức đầu tư của các nước Đông Bắc Á vào Việt Nam cũng như đánh giá được những điểm mạnh cần phát huy và điểm yếu cần khắc phục của nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay.

Thanh Vân