Hội thảo “Dạy – Học ngoại ngữ và nhu cầu việc làm trong thời hiện đại”

00:00 12/10/2020

Tại trường Đại học Văn Hiến vừa diễn ra Hội thảo “Dạy – Học ngoại ngữ và nhu cầu việc làm trong thời hiện đại”.

Chương trình có sự tham dự của các nhà nghiên cứu khoa học đến từ trường Đại học uy tín trên thế giới và đại diện các trường Đại học đào tạo ngành ngoại ngữ tại TP.HCM như: Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Tài chính – Marketing, Đại học Kinh Tế - Luật, cùng với các giảng viên, sinh viên trường ĐH Văn Hiến.

PGS.TS Phạm Vũ Phi Hổ - Giám đốc Điều hành phụ trách đào tạo trường ĐH Văn Hiến phát biểu tại Hội thảo

Yếu kém ngoại ngữ là hạn chế lớn của lao động Việt Nam

Theo theo số liệu của jobstreet.com, Việt Nam chỉ đứng hạng 4/5 về tiếng Anh so với các nước trong khu vực. Khảo sát đối với lao động mới ra trường cho thấy chỉ có 5% lao động tự tin về khả năng tiếng Anh nhưng lại có đến 27% thừa nhận khả năng ngoại ngữ của họ rất kém.

Hàng năm, lượng sinh viên ra trường chật vật tìm kiếm việc làm vì năng lực tiếng Anh không đảm bảo đang chiếm số lượng không nhỏ. Tiếng Anh kém cũng là rào cản làm cho nhân sự Việt thiếu tự tin trên tiến trình hội nhập.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), so với các quốc gia ASEAN, trình độ tiếng Anh của Việt Nam hiện đứng sau Singapore, Malaysia, Philippines và Brunei. Đội ngũ nhân sự đến từ các quốc gia trên sẽ chiếm ưu thế nhờ khả năng tiếng Anh tốt và phong cách làm việc quốc tế. Thậm chí ngay tại thị trường Việt Nam, nếu không trang bị cho mình vốn tiếng Anh tốt, nhiều bạn trẻ có khả năng thua trên sân nhà.

PGS.TS Phạm Vũ Phi Hổ - Giám đốc Điều hành phụ trách đào tạo trường ĐH Văn Hiến nhận định, việc dạy và học ngoại ngữ cần mang tính đổi mới, sáng tạo, tập trung giải quyết các vấn đề nhu cầu việc làm cho sinh viên trong tương lại. Ngoài ra, sinh viên cũng cần được bồi dưỡng kỹ năng học tập, kết nối để thích nghi với môi trường trong nước và quốc tế. Tư duy phản biện của sinh viên cũng cần được mài dũa dưới sự hỗ trợ của giảng viên.

 Trau dồi ngoại ngữ thông qua các hoạt động giao tiếp của sinh viên trường ĐH Văn Hiến

 “Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, mỗi ngày trên thế giới có hàng ngàn công việc mới ra đời. Những nhà giáo giáo dục chúng tôi nhận thức cần rèn luyện kỹ năng tốt cho học sinh để các em vững tin làm chủ tạo dựng sự nghiệp. Điều quan trọng là cần thúc đẩy năng lực tự học của sinh viên, giúp các em có thể học tập suốt đời thay vì tiếp nhận kiến thức một chiều từ giáo viên”, PGS.TS Phạm Vũ Phi Hổ cho biết.

Do vậy, trong quá trình học tập, việc thúc đẩy năng lực tự học của sinh viên là vô cùng quan trọng. Năng lực tự học sẽ giúp người học sẽ tiến bộ nhanh hơn và học tập hiệu quả hơn nếu họ ý thức rõ hơn về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin đã và đang tạo nên cơ hội học tập mọi lúc mọi nơi cho tất cả mọi người. Đa số sinh viên đã tự trang bị cho mình phương tiện học tập hiện đại như điện thoại cảm ứng, máy tính bảng, máy tính xách tay; đây chính là lợi thế cho việc học chủ động ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, nhà trường phải tạo môi trường học thực tế cho sinh viên, trau dồi ngoại ngữ thông qua các hoạt động tham quan gắn với các chủ đề thiết thực, trao đổi với người nước ngoài, với doanh nghiệp. Nội dung sinh hoạt ngoại ngữ mang tính ứng dụng thực tế cao, gắn với nội dung công việc của các doanh nghiệp, các đơn vị sẽ giúp sinh viên tiến bộ nhanh hơn trong việc học ngoại ngữ.

Khoa ngoại ngữ trường Đại học Văn Hiến TP.HCM hiện đào tạo Ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Pháp. Bên cạnh đó, khoa Đông phương học của trường đào tạo các ngành Tiếng Nhật thương mại, Nhật Bản học, Hàn Quốc học nhằm đa dạng hóa các ngành học ngoại ngữ cho sinh viên.

Nguyễn Thanh