[Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều] Những "quân" bài triển vọng

00:00 12/10/2020

Sáng nay (28/2) D. Trump và Kim Jong-un có cuộc gặp "một - một" lần thứ hai, giới quan sát, doanh nghiệp quốc tế hy vọng có một kết quả triển vọng.

Tại cuộc gặp "một - một" lần thứ nhất (27/2) và buổi tiệc tối ngay sau đó, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã giành cho nhau những lời có cánh. Tuy nhiên cần phải đạt được nhiều điều kiện "cứng" - mang tính nền tảng bước tới một thỏa thuận lịch sử.

Cả hai đều hy vọng đối tác sẽ nhượng bộ, thế nhưng câu hỏi là ai sẽ sẵn sàng thực hiện những nhượng bộ này trước tiên?

"Quân bài" của Mỹ

Con át chủ bài của Tổng thống Trump trong Hội nghị lần này là việc có gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên hay không? Theo giới quan sát, không nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ mạnh tay gỡ bỏ hết, mà thay vào đó sẽ chỉ là nới lỏng dần các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, chừng đó đủ để thúc đẩy và tạo động lực cho nền kinh tế Triều Tiên bắt đầu phát triển.

Nước đi đầu tiên của quân bài này, được cho là việc Nhà Trắng sẽ tăng hạn ngạch nhập khẩu dầu thô của Triều Tiên. Theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên có thể nhập khẩu tới 500.000 thùng dầu tinh chế và 4 triệu thùng dầu thô mỗi năm.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng Mỹ cũng có thể sẽ bật đèn xanh cho kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt nối hai miền Triều Tiên. Khi hoàn thành, dự án này được cho là sẽ thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên phát triển.

Tổng thống Trump được cho là cũng sẽ nới lỏng tay, nhượng bộ cho phép mở lại khu công nghiệp Kaesong, một dự án giữa hai miền Triều Tiên được tạo ra năm 2004 nhưng bị đình chỉ vào năm 2016 do các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa từ Triều Tiên. Theo thông tin từ Samsung Securities, nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, dự kiến sẽ sản xuất hàng hóa trị giá 560 triệu USD mỗi năm.

"Chìa khóa" của Triền Tiên

Về phía nhà lãnh đạo Kim, số phận của Tổ hợp hạt nhân Yongbyon được xem là "chìa khóa" để hai bên có được thỏa thuận tốt nhất cho Bình Nhưỡng. Mỹ luôn muốn tổ hợp này bị dỡ bỏ hoàn toàn, nhưng đã không thể đạt được điều đó trong các cuộc đàm phán sáu bên trước đây.

Nếu như tại cuộc đàm phán ngày 28/2, hai bên có thể đạt được những thỏa thuận nhất định, thì rất có thể Bình Nhưỡng sẽ cho phép Mỹ kiểm tra lò phản ứng hạt nhân công suất 5 megawatt của họ. Đây là một trong những vấn đề của cả Mỹ và Triều Tiên, khi Yongbyon là nơi sản xuất plutonium cũng như làm giàu uranium. Nếu như Bình Nhưỡng đồng ý phá hủy tổ hợp hạt nhân này, đây sẽ là một chiến thắng lớn cho Washington.

Nói về vấn đề này, nhà nghiên cứu Choi Kang đến từ Viện Chính sách Asan nhận định:"Nếu Mỹ có thể kiểm tra các cơ sở hạt nhân tại Yongbyon, họ có thể đạt được những tiến bộ trong việc đánh giá năng lực hạt nhân của Triều Tiên và thu giữ các nguyên liệu hạt nhân của nước này”

Nếu như yêu cầu này của Washington được phía Triều Tiên chấp nhận, đổi lại, Tổng thống Trump rất có thể sẽ tiến tới một hiệp ước hòa bình. Triều Tiên muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ và coi đó là một cách để bảo đảm sự tồn tại của chế độ.

Một tuyên bố chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên sẽ giúp ông Kim được an toàn dù đây chỉ là cử chỉ về mặt chính trị. Nếu bước đi này được thực hiện, Mỹ và Triều Tiên cùng Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ có thể đi đến ký kết một hiệp định hòa bình, chính thức chấm dứt 70 năm căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Để có thể có được những nhượng bộ kinh tế từ Washington, ông Kim sẽ buộc phải cho phái đoàn Mỹ vào thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này. Mỹ muốn chắc chắn rằng tại đây có hay không các nguyên liệu có thể dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân, như plutonium và uranium đã được làm giàu?.

Tham gia trong phái đoàn thanh sát của Mỹ, rất có thể là sự có mặt của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Các thanh sát viên của IAEC sẽ vào cuộc để thực hiện các cuộc kiểm tra.

Mối quan hệ kinh tế - chính trị đan xen

Trước khi được biết đến là vị Tổng thống thứ 45 của xứ cờ hoa, ông Trump đã được biết đến như một tỷ phú với các phong cách đàm phán kinh doanh rất cứng rắn. Và người dân Mỹ kỳ vọng tổng thống Mỹ giữ nguyên sự cứng rắn trong cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

 

Và ở một khía cạnh nào đó, xuất phát từ quan điểm kinh doanh, Tổng thống Trump rất có thể đề xuất hỗ trợ về mặt kinh tế cho Triều Tiên thông qua việc đầu tư vào thành phố biển Wosan của nước này, giúp biến nơi đây trở thành một trung tâm du lịch. Người đứng đầu Nhà Trắng thậm chí có thể hứa hẹn về những khoản hỗ trợ bằng tiền mặt với Triều Tiên, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ phải gật đầu với những yêu cầu của Washington.

Tổng thống Trump có thể hy vọng rằng, nhà lãnh đạo Kim sẽ từ bỏ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm bắn có thể vươn tới Mỹ. Đây chính là loại vũ khí mà Washington vô cùng muốn Bình Nhưỡng từ bỏ.

Theo giới phân tích, việc Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn các vũ khí quan trọng để đối lấy những lợi ích kinh tế là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng ông Kim cần có những đề nghị đủ hợp lý để ông Trump ít nhất có thể nói rằng: "Người dân Mỹ bây giờ đã an toàn!".

Việt Nga