Hội nghị G20 gợi mở trật tự mới của kinh tế thế giới

00:00 12/10/2020

Hội nghị G20 tại Đức (7-8/7) được cả thế giới đón đợi và theo dõi với trọng tâm là các vấn đề tự do thương mại, khủng bố, biến đổi khí hậu…
Gợi mở về trật tự kinh tế toàn cầu
Hai nhân vật được coi là trọng yếu trong Hội nghị lần này là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai bên dự kiến có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông chủ Nhà Trắng tại nhiệm. Hai bên dự kiến bàn thảo trải rộng từ cuộc khủng hoảng Ukraine tới chiến trận ở Syria hay cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Với tính chất đó, cuộc gặp giữa nguyên thủ hai cường quốc sẽ là điểm nhấn của Hội nghị G20 năm nay. Điểm nóng khác là vấn đề biến đổi khí hậu, vốn được Đức– nước chủ nhà hội nghị coi là một trong những trọng tâm bàn thảo lần này. Thủ tướng Đức Angela Merkel ý thức rõ không dễ dàng đạt được nhất trí trong vấn đề này nhất là khi Tổng thống Mỹ vừa tuyên bố rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, thay vào đó, ông Trump được cho là sẽ tận dụng sự kiện này để phản đối việc dư cung thép toàn cầu vốn gây ảnh hưởng nặng nề cho DN Mỹ, cũng như ủng hộ những chính sách toàn cầu khác có lợi cho DN Mỹ.
Theo các chuyên gia, khi Mỹ thoát khỏi lập trường thương mại tự do lịch sử thông qua việc Tổng thống Trump tuyên bố  rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và duy trì quan điểm theo hướng bảo hộ, Washington vô tình tạo ra cơ hội cho các nước khác “soán ngôi” trong sân chơi kinh tế toàn cầu. Với những cách tiếp cận khác nhau, EU và Trung Quốc đang kỳ vọng lấp vào chỗ trống một khi Washington rời “ngôi vương”. Và diễn biến mới của tiến trình này sẽ được gợi mở ở hội nghị G20 năm nay. Với việc Berlin - đầu tàu châu Âu giữ vị trí chủ nhà G20 năm nay, Lục Địa Già có lý do để tự tin, đặc biệt khi bà Angela Merkel được sự hậu thuẫn từ tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với tư tưởng đoàn kết châu Âu. Dự kiến, Đức sẽ tận dụng kỳ hội nghị này để hỗ trợ những thể chế như Liên Hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục là rường cột của hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu. Những thể chế này có quan điểm rõ ràng trong việc duy trì môi trường đầu tư toàn cầu tự do, đa phương và có trật tự. Tuy  nhiên, Trung Quốc cũng có  những hành động cụ thể. Bên cạnh nhiều lần khẳng định theo đuổi tự do thương mại, Bắc Kinh gần đây đã tăng cường vai trò trong Thỏa thuận khí hậu Paris, theo đuổi sáng kiến “Vành đai, Con đường”, đồng thời tỏ quyết tâm hướng tới phát triển kinh tế bền vững. Đó là những hành trang mạnh mẽ để Bắc Kinh tiến vào G20 năm nay. Do đó, những diễn biến và tuyên bố chung của Hội nghị G20 lần này đóng vai trò “trọng yếu” trong việc gợi mở về trật tự kinh tế toàn cầu tương lai.
Gửi thông điệp về một Việt Nam năng động
Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ tập trung vào ba trọng tâm nghị sự: Tạo dựng nền tảng tự cường; tăng cường tính bền vững; tăng cường trách nhiệm, với dự kiến 5 phiên thảo luận. Theo đó, các nước G20 sẽ trao đổi các giải pháp để thúc đẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế thế giới hướng đến xây dựng một nền kinh tế toàn cầu tự cường, bền vững và bao trùm; các vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng, thúc đẩy các ưu tiên về sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, xây dựng nền kinh tế phi carbon.
Với tư cách là chủ nhà APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20 trong năm 2017, tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị. Chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Đức; truyền thông điệp về hình ảnh Việt Nam phát triển năng động, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
(Theo Tú Anh - KTĐT)