Học sinh phổ thông được tự chọn môn học là đột phá lớn

00:00 12/10/2020

Theo các chuyên gia giáo dục, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ GD-ĐT công bố là mô hình hay, đột phá khi cho phép học sinh được tự chọn và phân hóa hướng nghiệp sớm. Tuy vậy, nếu áp dụng chương trình quá vội có thể gây khó cho giáo viên.

Học sinh trường THCS Trần Văn Ơn (TPHCM) với tiết học thực tế ở trung tâm thành phố

Chương trình giáo dục mới giải bài toán định hướng nghề nghiệp Thạc sỹ Hồ Sỹ Anh - Viện Nghiên cứu giáo dục, trường ĐH Sư phạm TPHCM đánh giá chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi, bám sát hơn Nghị quyết 88 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chẳng hạn như trong vấn đề định hướng nghề nghiệp dự thảo của chương trình mới đã nêu rõ hơn, mạnh mẽ hơn khi đưa ra một số môn bắt buộc, môn tự chọn. Chương trình lớp 11, 12 đã cho học sinh chọn 5 môn, chỉ bắt buộc các môn thể dục, giáo dục quốc phòng, hoạt động trải nghiệm. Điểm mới thứ 2, môn tích hợp trước đây là gộp 3 môn sử - địa - giáo dục công dân thành môn khoa học xã hội ở cấp THCS thì giờ đây được chuyển thành môn lịch sử - địa lý. Cũng theo ông Sỹ Anh, dự thảo chương trình mới đã nêu rõ hơn việc khuyến khích học sinh tự phát hiện năng lực bản thân hơn. “Đặc biệt, chương trình cũng đã bổ sung một năng lực mới mà tôi đánh giá chương trình giáo dục này đã tiệm cận đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đó chính là năng lực tin học. Thời gian trước chưa nhắc đến nhưng hiện nay chương trình mới đã chú ý môn tin học hơn và nâng lên đó là một năng lực”, ông Sỹ Anh nhận định. Bên cạnh đó, ông Sỹ Anh cũng cho rằng việc giao cho các trường xét tốt nghiệp THPT là điều phù hợp. Theo ông Sỹ Anh: “Về đánh giá tốt nghiệp THPT trước nay ở các địa phương và cả nước có năm đạt tỷ lệ 70% nhưng có lúc lên 89 thậm chí có lúc lên 99%. Như vậy, nếu đánh giá tốt nghiệp dựa trên việc thi thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ quan của từng kỳ thi, quy chế từng kỳ thi mà không đánh giá thực chất. Việc giao cho các trường THPT thì việc đánh giá có thể thiện cận và thực chất hơn. Còn việc trường nào tự đánh giá dễ dàng thì sẽ là tự làm hại mình. Bởi vì, trường kém mà tốt nghiệp 100% thì lúc đó xã hội sẽ đánh giá. Điều quan trọng ở đây chính là trách nhiệm của các trường đối với xã hội”. Thạc sĩ Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt cũng đánh giá cao chương trình giáo dục phổ thông mới với 2 ưu điểm nổi bật. “Chương trình này là Bộ GD-ĐT đã phân hoá hướng nghiệp sớm cho học sinh từ năm lớp 10 và đặc biệt hướng nghiệp rất rõ ở lớp 11 và 12. Với 2 năm hướng nghiệp này sẽ giải quyết dứt điểm chuyện học sinh không có định hướng nghề nghiệp như thời gian qua. Chương trình này cũng giải quyết được nhiều bài toán về năng lực của học sinh khi cho các em tự chọn môn học. Lần đầu tiên cho cấp học phổ thông tự chọn đó cũng là một đột phá lớn. Ưu điểm thứ 2 là trong một năm có 2 tuần giáo dục về địa phương sẽ phù hợp với đặc thù về kinh tế, văn hoá, du lịch theo mục đích của từng địa phương”, ông Hiếu chia sẻ. Giáo viên sẽ “sốc” nếu chương trình áp dụng vào năm sau? Tuy nhiên, thạc sĩ Bùi Gia Hiếu cũng tỏ ra băn khoăn vì số môn học ở chương trình giáo dục mới có phần không giảm so với trước đây. Nhất là ở lớp 10, số môn học trong dự thảo lên tới khoảng 14-15 môn thì e rằng vẫn nặng chứ không phải giảm. Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng lo lắng nếu chương trình mới áp dụng ngay từ năm học 2018-2019 thì sẽ quá cập rập về thời gian, về tình hình thực tại của đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số của trường, lớp học. “Nay đã là tháng 4 nhưng chương trình vẫn mới đang là tổng thể chứ chưa có chương trình chi tiết, quy mô của trường, lớp như thế nào, nếu áp dụng công nghệ vào giảng dạy nhưng đội ngũ giáo viên với trình độ công nghệ tin học hiện nay có thể dạy được không, cơ sở vật chất các địa phương có đáp ứng được không”, ông Hiếu băn khoăn. Thạc sĩ Hiếu khẳng định đây là chương trình giáo dục cực kỳ hay nhưng áp dụng ngay trong thời gian quá ngắn thì sẽ gây hoang mang trong đội ngũ giáo viên. “Mô hình giáo dục này rất lý tưởng để chúng ta hướng đến nhưng để thực hiện thì cần phải có nhiều thay đổi. Trong đó cái gốc chính là sử dụng con người bằng chính năng lực, tạo môi trường đánh giá đúng năng lực từ đó mới giảm tâm lý trọng bằng cấp, và giáo dục mới có thể đi vào thực học”, ông Hiếu chia sẻ. Còn điều khiến thạc sĩ Hồ Sỹ Anh còn băn khoăn là ở cấp THCS chưa có sự phân hoá rõ. Ông Anh cho rằng nếu muốn phân hoá tốt ở THPT thì THCS phải có bước chuẩn bị .“Bởi vì 4 năm ở THCS là giai đoạn học sinh được khám phá bản thân, năng lực, sở thích của mình. Khi lên THPT, ở lớp 10 vẫn giữ nguyên thì lớp 11, 12 sẽ là bước phân hoá. Như vậy ở cấp THCS phải là giai đoạn khám phá thế nhưng trong dự thảo chưa nhắc đến ý đó. Một số nước việc phân hoá được thực hiện từ bậc học THCS thậm chí là tiểu học, nếu chúng ta không phân hoá từ cấp học thứ 2 thì nên để là giai đoạn khám phá”, ông Sỹ Anh nêu ý kiến. Theo dantri