Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vận tải hàng hoá đường bộ đang bị lãng phí?

00:00 12/10/2020

Điều kiện kinh doanh vận tải "lỏng lẻo" của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên 51% cho hoạt động đầu tư phương tiện mới đang tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp vận tải.

Đây là một trong những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp vận tải ô tô liên quan đến Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cộng đồng doanh nghiệp vận tải ô tô, khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cạnh tranh thiếu công bằng

Nhiều hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vận tải hàng hoá đường bộ bị lãng phí.

Theo đó, tính đến nay, Nghị định 86 đã triển khai được hơn 3 năm và đã bộc lộ một số bất cập cần được sửa đổi bổ sung. Ngoài ra, việc sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là cần thiết và đủ căn cứ pháp lý.

Cụ thể, theo Hiệp hội doanh nghiệp vận tải hàng hoá đường bộ thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay hoạt động đầu tư mua mới phương tiện của các doanh nghiệp vận tải hàng nội bộ, chủ hàng hóa, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên 51% có chiều hướng ngày một gia tăng.

Tuy nhiên, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2014/NĐ-CP, các doanh nghiệp thuộc nhóm này không phải xin giấy phép kinh doanh vận tải và các điều kiện về kinh doanh vận tải như phù hiệu xe, thiết lập quản lý hồ sơ xe, lái xe... Đồng thời, nhóm phương tiện trên cũng không thuộc đối tượng thanh tra theo Dự thảo Nghị định sửa đổi này.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp vận tải hàng hoá đường bộ thành phố Hồ Chí Minh đây là điều bất hợp lý và việc quy định như vậy, sẽ tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa với nhau.

Minh chứng cho điều này, Hiệp hội doanh nghiệp vận tải hàng hoá đường bộ thành phố Hồ Chí Minh dẫn chứng, mặc dù đa số doanh nghiệp vận tải hàng nội bộ, chủ hàng hóa đã cam kết chỉ chở hàng nội bộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, cạnh tranh, họ vẫn chuyên chở hàng hóa bên ngoài. Đây là điều gây bức xúc kéo dài trong cộng đồng doanh nghiệp vận tải trong thời gian qua.

Vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp vận tải hàng hoá đường bộ thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị các doanh nghiệp chủ hàng hóa, doanh nghiệp vận tải hàng nội bộ, doanh nghiêp có trên 51% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bắt buộc phải xin giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu xe. Trong trường hợp không xin giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu xe, thì cần có quy định gắn biển số riêng cho các phương tiện này để phân biệt với xe ô tô kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp, đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải khác theo quy định hiện hành.

“Đồng thời, các doanh nghiệp này phải cam kết về việc vận chuyển hàng hóa nội bộ phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty mình và tuân thủ nghiêm túc quy định này, nếu vi phạm phải được xử lý nghiêm khắc để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và môi trường kinh doanh công bằng”, đại diện Hiệp hội này nhấn mạnh.

Hoạt động đầu tư bị lãng phí

Ngoài ra, cũng liên quan đến kiến nghị về cơ chế đầu tư trong hoạt động giao thông vận tải đường bộ, đại diện Hiệp hội vận tải hàng hoá đường bộ Hải Phòng cũng đề xuất các văn bản pháp luật cần có sự đồng bộ.

Theo đó, Hiệp hội này cho rằng, trong thời gian qua, việc sửa đổi, điều chỉnh các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vận tải Hải Phòng nói riêng.

Vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp này để xuất, trước khi thông qua quốc hội để ban hành văn bản pháp Luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh đường bộ cần nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan.

Ngoài ra, cũng theo Hiệp hội này, để các quy định của các văn bản pháp luật đi vào thực tiễn, và duy trì tính ổn định thì cần có lộ trình thực hiện phù hợp, đồng thời quan tâm cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục rút ngắn thời gian ngang bằng các nước phát triển trong khu vực. Bên cạnh đó, Hiệp hội vận tải hàng hoá đường bộ Hải Phòng cũng đề xuất các cơ quan chức năng, liên quan kịp thời cần cập nhật thông để đưa ra dự báo khối lượng hàng hóa vận chuyển phù hợp và có khuyến cáo tới các doanh nghiệp vận tải để hoạt động đầu tư phương tiện của doanh nghiệp vận tải hàng hoá đường bộ cho phù hợp với từng thời điểm, tránh trường hợp các doanh nghiệp đầu tư thụ động dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, kinh doanh hiệu quả chưa cao như hiện nay.

Ngọc Hà