Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

00:00 12/10/2020

Tuần vừa qua, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có các hoạt động như: tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam; chủ trì Hội nghị về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; chủ trì hội nghị định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Shim Wonhwan. Ảnh: VGP/Thành Chung.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam

Ngày 21/12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Shim Wonhwan và người kế nhiệm ông Shim Wonhwan tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Choi Joo Ho, hiện đang là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung Hàn Quốc.

Tổng Giám đốc Shim Wonhwan cho biết kim ngạch xuất khẩu của Samsung năm 2018 dự kiến tăng 12% so với năm 2017, đạt hơn 60 tỷ USD. Samsung Việt Nam luôn nhận thức được tầm quan trọng trong việc hỗ trợ đào tạo công nghệ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp cho nền tảng công nghiệp của Việt Nam phát triển vững chắc hơn.

Trước thông tin dư luận lo ngại về sự dịch chuyển đầu tư của Tập đoàn, ông Shim Wonhwan bày tỏ Samsung luôn giữ chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10/2018, Phó Chủ tịch Tập đoàn đã truyền tải thông điệp Samsung sẽ coi Việt Nam là điểm sản xuất lớn nhất toàn cầu. Đến nay, Samsung đã giải ngân được hơn 90% trong số 17,3 tỷ USD vốn đầu tư cam kết đăng ký vào Việt Nam, đồng thời hình thành được mạng lưới kết nối đầu tư giữa Samsung với các công ty con và doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cảm ơn những đóng góp của Samsung và cá nhân ông Shim Wonhwan với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Phó Thủ tướng mong muốn, ông Shim Wonhwan tiếp tục có đóng góp cho việc phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc và đặc biệt là tăng cường sự lớn mạnh của Samsung tại Việt Nam. 

Phó Thủ tướng cũng chúc tân Tổng Giám đốc Choi Joo Ho có nhiệm kỳ thành công tại Việt Nam và hợp tác chặt chẽ với Chính phủ trong hoạt động tại Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2018, Việt Nam đã hoàn thành toàn diện, xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế-xã hội với mức tăng trưởng GDP đạt từ 6,9-7%, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 480 tỷ USD, tăng 12-13%. Đóng góp của Samsung vào chỉ số tăng trưởng công nghiệp của Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn, góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam đã có 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đã tiến hành tổng kết, đánh giá, bổ sung định hướng mới trong thu hút dòng vốn này. Chính sách nhất quán của Việt Nam là thu hút có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án FDI có tính liên kết cao, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

“Coi các doanh nghiệp FDI nói chung, đặc biệt là Tổ hợp Samsung là bộ phận hữu cơ trong nền kinh tế, tăng cường phát triển doanh nghiệp trong nước kết nối chuỗi giá trị doanh nghiệp FDI, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn ủng hộ, tạo thuận lợi cho Samsung xây dựng Việt Nam thành cứ điểm toàn cầu của Tập đoàn”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Samsung quan tâm hơn đến mảng nghiên cứu phát triển, thực hiện chiến lược đưa Hà Nội thành trung tâm nghiên cứu phát triển của Samsung; phát triển lĩnh vực công nghệ bán dẫn tại Việt Nam và nâng dần tỉ lệ nội địa hóa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Ngày 21/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo 515) chủ trì hội nghị sơ kết thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2016-2018, Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2017-2018.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 515 cho biết, trong giai đoạn 2016-2018, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được 2.670 hài cốt liệt sĩ trong nước 2.670, tại Lào là 854 hài cốt, tại Campuchia là 2.362 hài cốt. Các cơ sở đã tiến hành xác định danh tính 759 hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, trong đó bằng phương pháp thực chứng 284 trường hợp, giám định ADN 475 trường hợp.

Các đơn vị của Bộ Quốc phòng, các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khi tiến hành rà soát, hoàn thiện danh sách liệt sĩ; xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ; lập bản đồ tìm kiếm quy tập; giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh.

Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chuyển giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông hơn 1,9 triệu dữ liệu về liệt sĩ, gần 900.000 dữ liệu về mộ liệt sĩ, hơn 3.000 dữ liệu về nghĩa trang liệt sĩ để chuẩn hoá, tích hợp liên thông cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; triển khai Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tổ chức công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, các đơn vị của Bộ Quốc phòng, các địa phương tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, tồn tại từ nhiều năm qua.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương nỗ lực các bộ ngành, quân khu, các địa phương, các đội quy tập hài cốt liệt sĩ, các đoàn thể chính trị xã hội, cựu chiến binh, doanh nghiệp… đã dành thời gian, tâm sức ủng hộ, thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Bên cạnh việc tăng cường đối thoại, hợp tác quốc tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển trọng tâm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về những địa bàn trong nước, nhất là những nơi có nhân chứng còn sống, còn khoẻ mạnh.

Ghi nhận kiến nghị của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, từ địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các văn bản, quy trình hướng dẫn đối với công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Công tác tuyên truyền cần tiếp tục, kiên trì thực hiện để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành cùng nhân dân, từ đó tạo chuyển biến trong hành động, ưu tiên dành nguồn lực vào công tác này. “Việc bố trí nguồn lực cho công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cần phải được quan tâm hơn nữa”, Phó Thủ tướng nói.

Qua kinh nghiệm lập bản đồ số về mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, Phó Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh việc cập nhật, liên thông dữ liệu của các bộ ngành về công tác liệt sĩ để hoàn thành sớm nhất có thể thay vì mục tiêu đến năm 2020. Đồng thời công khai các dữ liệu để người dân cũng có thể tra cứu, phản hồi, đính chính, bổ sung thêm cho những thông tin đã được đăng tải.

Cùng với đó, các bộ ngành, đơn vị, địa phương chủ động khai thác thêm nhiều nguồn thông tin từ tư liệu, hiện vật của các cán bộ, chiến sĩ đang được lưu giữ phục vụ đối chiếu, xác minh thông tin liệt sĩ.

Ban Chỉ đạo 515 phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) trên toàn quốc; tổ chức tìm kiếm, quy tập được 60% hài cốt liệt sĩ có thông tin ở trong nước; tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào, Campuchia cho đến khi không còn thông tin; đẩy mạnh quy tập, hồi hương hài cốt quân nhân Việt Nam an táng ở nước ngoài; nâng cao hơn nữa kết quả xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Riêng giai đoạn 2019-2020, mỗi năm tìm kiếm, quy tập 1.500-2.000 hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính 250 hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và 300 hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài

Ngày 21/12, tại Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong thời gian tới. Hội nghị do Bộ KH&ĐT phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng nêu rõ, thu hút ĐTNN là một chủ trương lớn, rất quan trọng và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong hơn 30 năm Đổi mới. Thời gian qua, việc thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, ấn tượng, nhưng còn những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thế giới và khu vực đang có những chuyển biến rất nhanh, nhiều mặt và khó dự báo, tác động mạnh mẽ đến đời sống KTXH của các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam.

Dòng vốn ĐTNN toàn cầu đang có xu hướng giảm. Xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, những xung đột thương mại giữa các nước lớn diễn ra ngày càng phức tạp. Cùng với đó, áp lực cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực, trên thế giới trong việc thu hút vốn đầu tư ngày càng gay gắt.

Đặc biệt, sự bùng nổ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đặt ra những thời cơ lớn, cùng với đó là những thách thức rất khó khăn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu thu hút ĐTNN phải có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm trên nguyên tắc đa phương hoá, đa dạng hoá nguồn vốn, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.

Cùng với đó, ĐTNN phải khuyến khích đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, tăng cường sự hỗ trợ của doanh nghiệp ĐTNN với doanh nghiệp trong nước. Tăng cường liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỉ lệ nội địa hoá, gắn đầu tư nước ngoài với thúc đẩy sản xuất trong nước. Thu hút ĐTNN gắn với mở rộng thị trường trong khu vực và thế giới, gắn với việc đảm bảo ổn định và phát triển thị trường cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam.

Để đạt mục tiêu này, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng như Luật Đất đai, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư…

Cùng với đó, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng, phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ công chức; xây dựng chính quyền phục vụ, vì doanh nghiệp, người dân thay vì chính quyền quản lý.

Các địa phương, đặc biệt là các địa phương đi trước, có nhiều thuận lợi trong thu hút ĐTNN cần tập trung chuẩn bị thật tốt các điều kiện để huy động nguồn lực, đón nhận dòng vốn ĐTNN.

Trong đó, cần rà soát lại các quy hoạch (quy hoạch xây dựng, hạ tầng, đô thị, cụm công nghiệp…) để điều chỉnh, cập nhật, bổ sung kịp thời. Gắn quy hoạch công nghiệp với quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở, dịch vụ.

“Phải chủ động quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp. Cùng với đó, tập trung đầu tư hạ tầng, kết nối địa phương với vùng, quốc gia. Đặc biệt là hạ tầng kết nối các khu công nghiệp, hạ tầng bên trong khu công nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh quan điểm đầu tư phát triển công nghiệp phải gắn với phát triển nhà ở, đảm bảo các dịch vụ cho người lao động. Các nhà đầu tư cùng với địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng, chú ý đảm bảo lợi ích của người dân.

Các địa phương cũng phải đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất là hãy làm cho các nhà đầu tư đang đầu tư hài lòng, họ sẽ là những người xúc tiến tốt nhất.

Bên cạnh đó, cần chủ động đề xuất các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ, báo cáo Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đảm bảo các điều kiện về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Muốn thế phải làm tốt các chính sách với người dân, đặc biệt là các chính sách giải phóng mặt bằng.

Đối với các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần triển khai đầu tư đúng cam kết, đúng tiến độ theo quy định của pháp luật Việt Nam. “Đặc biệt, phải quan tâm đến nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ, gắn kết với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng phát triển. Đầu tư phát triển sản xuất gắn với nâng chất lượng đời sống người lao động; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội; tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã tiếp lãnh đạo Toyota Việt Nam và Tập đoàn sản xuất máy tính Compal (Đài Loan, Trung Quốc) và Tập đoàn Yoongpong (Hàn Quốc).

PV